| Hotline: 0983.970.780

Giành lại 'vị thế cây đa mục tiêu' cho ngô đông

Thứ Hai 09/01/2017 , 13:15 (GMT+7)

Nhờ năng suất trên 6 tấn/ha, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 15 - 20%, tăng hiệu quả kinh tế từ 20 - 30% so với canh tác ngô theo phương thức truyền thống mà cây ngô trên đất 2 lúa đang dần lấy lại vị thế.

Lấy lại vị thế ngô đông

Trong 3 năm (2014 - 2016), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Sở NN- PTNT các tỉnh chuyển giao gói kỹ thuật ngô đông trên đất 2 lúa và xây dựng mô hình tại 7 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Trung du, miền núi.

13-23-27_nh-2
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và các đại biểu thăm cánh đồng ngô ở xã Nam Phương Tiến
 

Kết quả, các mô hình đều cho năng suất bình quân đạt trên 6 tấn/ha, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 15 - 20%, tăng hiệu quả kinh tế từ 20 - 30% so với canh tác ngô theo phương thức truyền thống.

Điển hình tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cây ngô vẫn được nông dân duy trì ổn định và là cây “độc tôn” trong sản xuất vụ đông. Ông Lê Văn Lanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã cho biết vụ đông 2016, diện tích đất 2 lúa chân vàn có thể sản xuất được cây vụ đông đều được phủ 100% ngô, với trên 80ha, chiếm gần 20% diện tích ngô đông của Chương Mỹ.

Một trong những yếu tố giúp diện tích ngô đông ở xã này duy trì khá ổn định những năm qua là nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật và giải pháp canh tác của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện KHNN Việt Nam), đặc biệt là phương pháp làm đất tối thiểu, kết hợp với ngô bầu.

Theo đó, giải pháp làm bầu sẵn sẽ giúp rút ngắn được thời vụ từ 7 - 10 ngày so với gieo thẳng và hạn chế được rủi ro do gặp mưa. Cây ngô làm bầu sẵn khi đưa xuống chân ruộng sẽ lập tức bén rễ, phát triển nhanh, trong khi gieo thẳng bằng hạt, nếu gặp mưa đầu vụ đông thì tỉ lệ nảy mầm kém, vừa không đảm bảo mật độ, phát triển cũng kém, thậm chí phải gieo lại.

Phương pháp làm đất tối thiểu kết hợp với làm bầu còn khắc phục được sức ép thời vụ, giúp ngô sinh trưởng tốt, đồng đều, đồng thời giúp giảm tối đa công lao động, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
 

Cần nhân rộng

Tham luận tại hội nghị, ông Phạm Công Sứ, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam) cũng đánh giá rất cao mô hình sản xuất ngô đông trên đất 2 lúa.

13-23-27_nh-1-mo-hinh-sn-xut-ngo-dong-khong-lm-dt-o-x-nm-phuong-tien
Mô hình sản xuất ngô đông ở xã Nam Phương Tiến
 

Nhờ tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như lựa chọn giống ngô chuyển gen NK4300 BT/GT mà nông dân có thể trồng với mật độ dày từ 7 - 7,5 vạn cây/ha (thông thường chỉ trồng 4,5 vạn cây/ha). Hiệu quả của phương pháp gieo trồng này giúp diện tích cây ngô đông trên đất 2 lúa của Mộc Bắc tăng vọt lên 150ha trong năm 2016.

“Nhờ có cây ngô đông mà đàn trâu, bò của xã hơn 2.200 con, trong đó bò sữa là 920 con có nguồn thức ăn ổn định. Nếu không có thức ăn xanh thì ngành chăn nuôi không thể phát triển được. Mô hình trồng ngô đông không làm đất trên đất 2 vụ lúa đang là giải pháp tối ưu và cứu cánh cho ngành chăn nuôi ở địa phương”, ông Sứ chia sẻ.

Để đạt được kết quả nêu trên, các chuyên gia nông nghiệp của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông đã phải dày công xây dựng các giải pháp về tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết chặt chẽ 4 nhà (nhà khoa học, nhà nước, nhà nông và DN, sản xuất theo nhu cầu thị trường).

Về giải pháp kỹ thuật, các mô hình được chủ động thời vụ gieo trồng, đảm bảo các yêu cầu về sinh trưởng, phát triển của cây ngô đông. Áp dụng kỹ thuật không làm đất, che phủ bằng rơm rạ và sử dụng thuốc trừ cỏ đối với ngô biến đổi gen.

Bên cạnh đó, mô hình còn sử dụng các giống ngô năng suất cao, cây giống được sản xuất bằng bầu cải tiến.

TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông khẳng định, trồng ngô đông trên đất 2 lúa ở các tỉnh phía Bắc thực sự là mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả, cần được nhân rộng trong thời gian tới. Đây được coi là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt.

Tuy nhiên, TS Thanh cũng khuyến cáo, ngô là cây ưa ấm, cần tổng nhiệt lượng lớn nên thời vụ xuống giống vụ đông phải sớm, đảm bảo giải phóng đất trước 30/9.

Chủ động thời vụ gieo trồng bằng việc sử dụng bầu ngô cải tiến để sản xuất cây con, đảm bảo mật độ 6,0 - 6,5 vạn cây/ha. Đối với ngô tẻ, bầu ngô phải đưa ra ruộng trồng trước 5/10, nếu trồng sau 5/10 thì không nên làm, bởi thời gian có nắng ít, ngô phát triển kém, thậm chí không thể chín hạt.

Với 1 vụ ngô đông trên đất 2 lúa ở các tỉnh phía Bắc trên đà thắng lợi, ông Thanh mong muốn Bộ NN-  PTNT sớm công nhận Quy trình thâm canh ngô đông không làm đất trên đất 2 lúa. Từ đó, tạo vị thế vững chắc cho cây ngô trở thành cây trồng chủ lực trên đất 2 lúa; là cây đa mục tiêu vừa làm thức ăn xanh qua đông cho gia súc, sản xuất ngô hạt chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất ngô thực phẩm.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất