| Hotline: 0983.970.780

Giáo sư Mỹ: Chính quyền Trump đang cho thấy coi trọng thúc đẩy quan hệ với châu Á

Thứ Sáu 24/02/2017 , 13:37 (GMT+7)

Giáo sư David Shambaugh, một học giả danh tiếng người Mỹ, nhận định rằng những động thái gần đây của chính quyền Trump cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á và ASEAN.

Giáo sư David Shambaugh, từ Đại học George Washington, trong buổi nói chuyện tại Hà Nội ngày 23/2. (Ảnh: An Bình)
Giáo sư David Shambaugh, từ Đại học George Washington, trong buổi nói chuyện tại Hà Nội ngày 23/2. (Ảnh: An Bình)
 

Với tư cách là một nhà nghiên cứu độc lập, Giáo sư David Shambaugh, từ Đại học George Washington (Mỹ), một chuyên gia về Trung Quốc và các mối quan hệ quốc tế của châu Á, đã đưa ra những nhận định của ông về các mối quan hệ ngoại giao ở châu Á dưới thời chính quyền Trump trong cuộc trò chuyện tại Hà Nội ngày 23/2 với các bạn trẻ và báo giới nhân chuyến thăm Việt Nam.

Theo ông Shambaugh, vị trí của Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, đang ở mức tốt chưa từng có. Chính quyền Bush, Clinton đã có sự quan tâm đáng kể tới Đông Nam Á nhưng từ chính quyền Obama đã đưa quan hệ giữa Mỹ với Đông Nam Á lên tầm cao hoàn toàn mới.

Giáo sư Shambaugh cho rằng có vài lý do cho động thái đó, bao gồm cả việc ông Obama từng sống ở Indonessia. Nhưng một lý do quan trọng là Mỹ ngày càng nhận thấy vai trò quan trọng về ngoại giao và kinh tế của của Đông Nam Á nói riêng, và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu chính quyền mới có tiếp tục chính sách coi trọng Đông Nam Á của chính quyền tiền nhiệm hay không?

“Tôi cho rằng chính quyền Trump sẽ tiếp tục coi Đông Nam Á, nói rộng ra là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là một ưu tiên trong chính sách của Mỹ trên toàn cầu. Những gì đang diễn ra thể thấy chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục các chính sách dưới thời Obama, tại khu vực này, cũng như ở các khu vực khác trên thế giới”.

Ông Shambaugh lấy dẫn chứng rằng, chỉ vài ngày gần đây tại các hội nghị cấp cao của EU và NATO, các quan chức cấp cao của Mỹ đã cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với EU và NATO. EU trước đó cảm thấy lo ngại về sự thay đổi chính sách của Washington, sau những bình luận của ông Trump và vấn đề cung cấp tài chính cho NATO.

Còn tại khu vực châu Á, ông Shambaugh dẫn chứng rằng tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã chọn châu Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã có chuyến thăm Mỹ ngay sau khi ông Trump nhậm chức. Điều này chứng tỏ chính quyền Trump coi trọng vai trò của Đông Bắc Á, cửa ngõ của Đông Nam Á.

“Tôi hi vọng rằng Mỹ sẽ cử các quan chức cấp cao tới khu vực Đông Nam Á sớm nhất có thể để gửi tín hiệu về sự tiếp tục gắn kết với khu vực”, ông Shambaugh nói.
 

Tự do hàng hải ở Biển Đông

Theo ông Shambaugh, chính quyền Trump còn quá mới nên khó dự đoán xem họ sẽ xử lý ra sao đối với vấn đề Biển Đông. Nhưng chuyên gia Mỹ cho rằng chính quyền Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tự do hàng hải trong vùng biển này.

“Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng Mỹ luôn muốn đảm bảo một vùng biển mở, sự tự do hàng hải, các biện pháp giải quyết hòa bình và việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng chính quyền Trump vẫn tiếp chính sách này”, ông Shambaugh nói.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có các bình luận mạnh mẽ về các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông trước khi ông được phê chuẩn đứng đầu Bộ Ngoại giao trong chính quyền Trump. “Chúng ta chờ xem ông sẽ nói gì tiếp theo”, ông Shambaugh cho hay.

Trước những diễn biến mới ở Biển Đông gây, như việc Trung Quốc sắp xây xong các kết cấu có thể chứa tên lửa trên các đảo nhân tạo trái phép, ông Shambaugh cho rằng điều quan trọng là ASEAN và Trung Quốc phải nhanh chóng đi đến một thỏa thuận khung cho Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

“Vấn đề là ASEAN có đoàn kết để hối thúc Trung Quốc nhanh chóng đi đến một thỏa thuận khung cho COC hay không. Lúc này hai bên đang đàm phán, và ASEAN - Trung Quốc phải đưa ra một bộ khung cho COC trước thời hạn chót là giữa năm 2017. Trong thời gian từ tháng 6 tới tháng 8, họ hi vọng có thể đưa ra khung COC. Chúng ta phải chờ đợi xem bộ khung cho COC ra sao”, chuyên gia Mỹ nói.
 

Rút khỏi TPP là tổn hại tới sự tín nhiệm của Mỹ

Trả lời câu hỏi về việc Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP có ảnh hưởng như thế nào tới vai trò của Mỹ ở châu Á, chuyên gia Shambaugh cho rằng quyết định này làm tổn hại nghiêm trọng tới sự tín nhiệm của chính phủ Mỹ trong khu vực.

“Các quốc gia dù lớn hay nhỏ cũng cần tiếp tục các cam kết của mình, đặc biệt khi các quốc gia nhỏ hơn nhìn vào Mỹ, trong khi chính Mỹ lại không tuân thủ.Vì vậy, về mặt sự tín nhiệm và sức mạnh của Mỹ thì việc rút khỏi TPP là tồi tệ, không thể tồi tệ hơn”, ông Shambaugh nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia trên cũng nhấn mạnh rằng TPP không “chết yểu” vì các quốc gia thành viên khác như Nhật Bản, Australia, Peru, Chile… vẫn đang xúc tiếp về hiệp định này. Ông Shambaugh cho rằng điều đó là quan trọng và hi vọng Mỹ sẽ tìm cách nào đó thích hợp để trở lại TPP, có thể là bằng cách sửa đổi các điều khoản đàm phán.

“Tôi cho rằng chính quyền Trump muốn thay TPP bằng Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Nhưng TPP không phải là FTA. TPP đặt ra tiêu chuẩn rất cao về nhiều lĩnh vực như lao động, môi trường, đầu tư, dịch vụ tài chính… Vì vậy, tôi hi vọng là chính phủ Mỹ sẽ tìm cách quay lại, bằng cách này hay cách khác”, ông nói.

Ông David Shambaugh hiện là Giáo sư về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, đồng thời là Giám đốc sáng lập của chương trình chính sách Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington, Mỹ. Ông Shambaugh đã xuất bản hơn 30 cuốn sách, bao gồm hai cuốn gần đây nhất là Tương lai Trung Quốc và Tìm hiểu về Trung Quốc: Quyền lực mới nổi (tạm dịch). Là một nhà bình luận thường xuyên trên truyền thông quốc tế, ông Shambaugh hoạt động trong nhiều ban biên tập, và tư vấn cho nhiều chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức, trường đại học…

 

Dân trí

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.