| Hotline: 0983.970.780

Giao thương biên giới vẫn nhộn nhịp

Thứ Hai 26/05/2014 , 08:36 (GMT+7)

Khác với tin đồn cửa khẩu biên giới bị đóng khiến hàng hóa ngưng trệ, theo ghi nhận của PV, các hoạt động giao thương vẫn diễn ra bình thường tại các cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và Móng Cái (TP Móng Cái).

Trước thông tin đóng cửa biên giới khiến nông sản và các loại hàng hóa khác từ nội địa bị ngưng trệ, PV NNVN đã có mặt ở các cửa khẩu dọc biên giới tỉnh Quảng Ninh với Trung Quốc để tìm hiểu thực tế.

Tuy nhiên, khác với tin đồn, theo ghi nhận của PV, các hoạt động giao thương vẫn diễn ra bình thường tại các cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và Móng Cái (TP Móng Cái).

Hàng hóa thông quan tăng

Cửa khẩu Hoành Mô ngay giữa trưa ngày 23/5 nắng gay gắt. Tuy nhiên, hàng chục chuyến xe thông thương qua cửa khẩu này vẫn tấp nập. Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Hoành Mô cho hay, từ sáng đến thời điểm 11h trưa, đã có 15 xe container được làm thủ tục và thông quan. Đây là những chiếc xe vận chuyển hàng đông lạnh theo diện tạm nhập tái xuất được đưa sang Trung Quốc qua cửa khẩu này.

Hoành Mô chỉ là cửa khẩu quốc gia, lượng hàng hóa thông thương qua đây không thể so sánh với các cửa khẩu khác như Bắc Phong Sinh và Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh; Cốc Nam, Chi Ma và Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn, song những ngày này, trong cái nắng oi bức đầu hè, các chuyến xe chờ thông thương để vận chuyển hàng qua cửa khẩu vẫn tấp nập.

Ngoài hàng đông lạnh, các mặt hàng khác chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp và cây công nghiệp. Trung bình mỗi container, việc làm thủ tục thông quan, bốc dỡ, xếp hàng lên xe thô sơ và chuyển đi mất vài chục phút.

1135058569
Xe chờ thông quan tại cửa khẩu Hoành Mô

Ông Nguyễn Tiến Mạnh cho biết thêm, từ đầu tháng đến nay, mọi hoạt động thông thương vùng biên ở Hoành Mô và Đồng Trung phía bên kia biên giới vẫn diễn ra bình thường. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 10 container được thông quan. Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày trở lại đây, đã bắt đầu vào mùa hè, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng đông lạnh của nhân dân Trung Quốc gần biên giới tăng, do đó, xe thông quan tăng gấp đôi.

Ngoài ra, giới thương lái và cư dân hai nước vẫn qua lại cửa khẩu để buôn bán. Dọc đường 18C chạy từ ngã ba huyện Tiên Yên đi Hoành Mô, hàng quán, các khu dịch vụ vùng biên đua nhau mở ra, tạo sự sầm uất.

Tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, ngoài mặt hàng hải sản đông lạnh, các loại vật tư may mặc, hàng nông sản và vật liệu xây dựng thông thương bình thường. Ông Phạm Văn Hải, Đội trưởng Đội nghiệp vụ của Chi cục Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh cho hay, do nhu cầu thông quan tăng liên tục nên cơ quan này đã thống nhất với phía Trung Quốc tăng thời gian mở cửa khẩu từ 4 giờ/ngày lên thành 6 giờ/ngày. Các lối thông quan của lực lượng chức năng Việt Nam đều làm việc hết công suất.

“Lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác thông quan điện tử, tăng cường kiểm soát chống vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và cư dân vùng giáp biên trong việc thông thương”, ông Hải cho biết.

Cũng theo báo cáo nhanh của Chi cục Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, tổng thu các sắc thuế hàng hóa thông quan qua cửa khẩu đạt gần 7 tỷ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ tháng trước.

Không có chuyện cấm biên

Về hoạt động buôn bán, giao thương tại TP Móng Cái, theo quan sát của PV, chợ Trung tâm Móng Cái, chợ 2, chợ 3, chợ Vinh Cơ, chợ Togi, hầu hết các khu chợ đều mở cửa bình thường, hàng hóa bày la liệt từ trong chợ ra ngoài mặt phố.
Từ 7 đến 11 giờ sáng là khung giờ các chợ hoạt động sôi động nhất. Từng bao hàng xếp la liệt khắp nơi, từng nhóm cửu vạn ngồi chờ việc quanh cổng chợ khi được gọi sẽ sẵn sàng vác hàng tỏa đi khắp các ngóc ngách. Hầu hết những gian hàng của người Hoa tại đây vẫn mở bán, hàng hóa lưu thông đều đều.

Những ngày gần đây rộ lên thông tin Trung Quốc cấm biên khiến giá một số nông sản giảm đáng kể, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, tại cửa khẩu Móng Cái, TP Móng Cái, theo ghi nhận của NNVN, mọi hoạt động thông thương, buôn bán của cư dân biên giới vẫn diễn ra bình thường.

Anh Nguyễn Anh Dũng ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vừa chuyển hàng đông lạnh của Cty TNHH Hoàng Việt Á từ Thanh Hóa ra đến Móng Cái, đang làm thủ tục thông quan, cho biết, trong những ngày qua, mối quan hệ với các đối tác DN Trung Quốc không xảy ra xáo trộn.

“Cán bộ Hải quan đã nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục thông quan nên việc đưa hàng qua bên kia biên giới hoàn toàn thuận lợi, không mất nhiều thời gian. Ngoài ra, thời điểm này nhu cầu thực phẩm phía Trung Quốc tăng mạnh nên cũng là cơ hội cho các DN chúng tôi đẩy mạnh việc XK hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm”, anh Dũng nói.

Trao đổi với NNVN ngày 24/5, bà Dương Thị Huệ, Trưởng Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho hay, trước thông tin một số đối tượng đưa ra là đóng cửa biên giới, ảnh hưởng lớn đến vấn đề tiêu thụ hàng hóa của nông dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo các cấp ủy đảng, các cơ quan, chính quyền chủ động nắm bắt tình hình, nhanh chóng xử lý các vấn đề phát sinh, tiếp cận các DN Trung Quốc để bàn phương án phối hợp, ngăn ngừa.

Vì vậy, cho đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định. Các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì trong trật tự.

5135120263
Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng hàng hóa thông quan đang tăng lên

Theo thống kê của Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, lượng tờ khai, kim ngạch hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc luôn giữ được sự ổn định. Riêng Đội Thủ tục hàng hóa XNK II (Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái) trung bình mỗi ngày hệ thống VNACCS/VCIS tiếp nhận, xử lý thông quan từ 60 đến 70 bộ tờ khai XNK.

Đặc biệt, lượng tờ khai NK luôn chiếm tới 40 đến 50 bộ. Ngoài ra, lực lượng liên ngành gồm biên phòng, hải quan tại Móng Cái mỗi ngày cũng làm thủ tục cấp thông hành cho khoảng 10 nghìn lượt phương tiện và hành khách qua cửa khẩu.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm