| Hotline: 0983.970.780

Giáp mặt lâm tặc

Thứ Năm 22/06/2017 , 13:50 (GMT+7)

So với đa số đồng nghiệp, những bài viết phản ánh tình trạng phá rừng của tôi chỉ như “muối bỏ biển”, nhưng những chuyến vào sâu trong rừng, tiếp cận gần nhất có thể, những nhóm “lâm tặc” đang “khai thác” rừng, thực sự là những trải nghiệm đáng nhớ.

Những cánh rừng... hoang ở Đạ Tẻh

Năm 2010, khi nhận được thông tin từ người dân ở Đạ Tẻh, Lâm Đồng, nói rừng đang bị khai thác tràn lan, nửa công khai, nửa lén lún, tôi lên đường. Khi gặp chúng tôi, anh Th., ở thị trấn Đạ Tẻh, Lâm Đồng, người cung cấp tin, bảo: “Rừng ở đây bị lâm tặc phá tan hoang hết rồi. Nhưng lên đó khó lắm, nếu không có tôi đưa đi, đố anh lên nổi”.

Anh Th. cho biết, để đến được những cánh rừng đang bị lâm tặc tàn phá, chỉ có một con đường độc đạo lên núi dài khoảng 9 cây số với dốc cao, do xe chở gỗ nặng làm hai bên lề sâu xuống cả nửa mét, chỉ còn lại phần “lưng trâu” giữa đường trơn như mỡ cho xe máy chạy. Do đó, người chạy không quen thì không thể đi nổi.

Quả đúng như lời Th. nói, chiếc xe ì ạch nhích dần trên con đường dốc trơn nhẫy. Hàng chục lần chiếc xe loạng choạng muống quăng tôi xuống vực sâu sát bên, và cũng từng ấy lần tôi phải xuống lội bộ vì những ao bùn chắn giữa đường, xe không lết nổi. Chỉ có 9 cây số đường rừng, nhưng mất nửa ngày chiếc xe mới bò lên tới khu vực những khu rừng bị tàn phá.

13-22-32_nh_1
Để vào được nơi lâm tặc phá rừng ở Đạ Tẻh, Lâm Đồng, phải đi 9 cây số đường như thế này

Không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến nhưng ngọn đồi, nơi trước kia có những cánh rừng xanh ngút ngàn, những cây gỗ các loại to hơn hai vòng tay ôm, nay chỉ còn là có những ngọn đồi trọc lốc, loang lổ vết cây cỏ bị đốt cháy đen. Khu vực này thuộc tiểu khu 557, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng.

Khá nhiều cây gỗ to bị bỏ lại, Th. giải thích: “Đây là một bằng chứng rõ nhất cho thấy lâm tặc phá rừng chứ không phải được khai thác theo giấy phép. Nếu là doanh nghiệp khai thác thì họ có phương tiện chuyện chở công khai nên họ tận dụng hết, không bỏ thứ gì. Còn lâm tặc phải bỏ lại sau khi mất công cưa cắt vì gỗ bị lỗi, nếu chúng lấy, trừ phí thuê chuyên chở và cả những khoản chi “không tên” sẽ lỗ hoặc không có lời”.

13-22-32_nh_2
13-22-32_nh_3
Cảnh hoang tàn ở rừng Đạ Tẻh, Lâm Đồng

Trong lúc tôi đang ghi lại khung cảnh hoang tàn này thì bọn chúng phát hiện. Ngay lập tức tiếng hai chiếc xe máy rú ga, chốc lát đã có mặt ngay chỗ chiếc xe máy của Th. đang dựng dưới chân đồi. Có lẽ, tôi đứng trên đồi cao, lại khá trống trải nên chúng dễ dàng phát hiện.

Th. nói với tôi: “Tụi nó liều lắm, anh đưa hết máy quay, điện thoại, máy chụp hình tôi cất vào cốp xe. Nếu tụi nó hỏi anh đừng nói phóng viên”.

Quả nhiên đúng như lời Th. nói, xuống đến nơi đậu xe thì chiếc xe đã bị chúng đạp ngã chỏng vó, hai thanh niên mặt mày bặm trợn, hất hàm về phía tôi, hỏi Th.: “Ai vậy? Vào đây làm gì?”. Th. cũng run, nhưng may mắn là anh biết chúng nên bình tĩnh giải thích rằng tôi chỉ là chủ doanh nghiệp, đang lên khảo sát để chuẩn bị làm dự án trồng rừng. Trên đường đi xuống, 2 chiếc xe của 2 tên lâm tặc kẹp cứng xe Th. vào giữa, sau khi hỏi chán chê, chúng dừng lại cho chúng tôi xuống.

Những ngày “bò” lên núi để tận mắt chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá, chúng tôi có đủ thông tin về tình trạng “tận diệt” rừng ở Đạ Tẻh. Hàng ngàn hécta rừng tại cái xã Đạ Pal, Đạ Lây, Mỹ Đức, Quốc Oai… bị khai thác vô tội vạ. Mỗi ngày, khoảng từ 5 giờ chiều đến gần sáng, hàng ngàn chiếc xe trâu, xe máy chỉ còn động cơ đôn dên, xoáy nòng gắn vào sườn xe và 2 bánh, tập kết công khai trước bàn dân thiên hạ như cái chợ tại cửa rừng các địa phương nói trên để vận chuyển gỗ lậu.

Sau khi tiếp nhận phản ánh từ phóng viên, cơ quan chức năng nói rằng “đó là những khoảnh rừng nghèo kiệt nên giao các doanh nghiệp khai thác tận thu để làm dự án, cải tạo, trồng mới. Những dự án này do huyện cấp phép khai thác trước sự giám sát của chính quyền tỉnh, huyện, kiểm lâm địa phương và xã sở tại”. Tuy nhiên, họ thừa nhận có sự lộng hành của lâm tặc, nhưng lại “biện minh” rằng đó là khu vực “ngã ba biên giới” thuộc địa bàn giáp ranh ba huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Bảo Lâm nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.
 

"Tai nạn" đáng tiếc

Những ngày này cách đây 3 năm, chúng tôi về Đức Trọng, Lâm Đồng để tìm hiểu tình trạng cưa gỗ rừng như hái rau, theo lời cầu cứu khẩn thiết từ người dân địa phương.

Sau khi “hoá trang” trở thành một “tiều phu” chính hiệu, chúng tôi leo lên 3 chiếc xe “cào cào” đã được “độ” lại với cỗ máy khoẻ như voi, tiến vào rừng. Địa hình khá hiểm trở.

13-22-32_nh_4
13-22-32_nh_5
13-22-32_nh_6
Đường vào rừng ở Ninh Loan, Đức Trọng, Lâm Đồng

Để đến được những nơi này, chuyến đi của chúng tôi gặp không ít khó khăn. Càng vào sâu, đường mòn ven suối càng khó đi, vất vả lắm chúng tôi mới băng qua được hàng trăm mỏm đá nhọn hoắt, trơn như bôi mỡ; nhiều đoạn, do không có đường mòn, cách duy nhất để chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình là bơi qua mấy vực nước sâu hàng chục mét.

Do độ dốc cao, đường mòn trơn tuột, nhiều đoạn chúng tôi phải bám víu vào các cây leo, thậm chí có khi phải lăn lê, bò toài mới có thể vượt được nhiều triền dốc dựng đứng. Tuy đã được dự báo từ trước, nhưng chúng tôi cũng phải bao phen toát mồ hôi hột vì mấy lần suýt sẩy chân lao xuống suối đá lởm chởm. 

13-22-32_nh_7
Đây là một trong những chiếc xe “siêu bò” chuyên dụng đi rừng, không có thắng (phanh)

Để có được thông tin chính xác, hình ảnh chân thực của sự việc, chúng tôi vừa quay phim, chụp ảnh vừa… thót tim vì sợ bị bọn chúng phát hiện. Nguy hiểm hơn, để đến được rừng đầu nguồn, chúng tôi phải làm những “nhà leo núi” bất đắc dĩ, vì chỉ cần sảy chân là lao xuống vực sâu hàng chục mét… Tôi còn nhớ, nhóm thanh niên dẫn đường nói lúc cả nhóm ngồi gặm bánh mì bên bờ suối: “Các anh đúng là đáng nể, đi chẳng thua gì tụi em. Xưa giờ chưa có nhà báo nào vào được đến đây ngoài các anh”. Nghe vậy, tôi thấy lòng vui vui.

Sau khi báo đăng, dù sự việc được phản ảnh mới là “phần nổi của tảng băng chìm”, nhưng các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Điều khiến tôi day dứt mãi là quá trình đăng tải bài viết, đã vô tình để lộ danh tính của nhóm thanh niên địa phương, khiến họ bị những tên lâm tặc đe doạ. Đó là trong một tấm ảnh minh hoạ bài viết, có một chiếc xe máy của nhóm thanh niên dẫn đường.

Đây là loại xe đặc biệt, được thợ xe máy địa phương “chế” lại hoàn toàn. Mà ở đó, chỉ cần nhìn xe là biết chủ nhân. Sau khi bị phát hiện, những tên lâm tặc giấu mặt đã liên tục đe doạ sẽ “xử đẹp” nhóm thanh niên dám đạp đổ chén cơm của chúng. Vậy là, nhóm 3 thanh niên này phải bỏ trốn ngay trong đêm. Trước tình huống cấp bách này, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ cơ quan công an đề nghị hỗ trợ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã về “nằm vùng” tại xã, điều tra những tên lâm tặc có hành vi đe doạ để cảnh cáo. Sự việc sau đó mới lắng xuống.

Sự cố dù chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng cũng khiến họ và gia đình một phen mệt mỏi. Còn chúng tôi, không chỉ có lỗi lớn, mà coi đó là bài học nhớ đời trong quá trình tác nghiệp.

13-22-32_nh_8
13-22-32_nh_9
13-22-32_nh_10
Cảnh rừng ở Ninh Loan, Đức Trọng, Lâm Đồng cách đây 3 năm và chiếc xe “đặc chủng” của lâm tặc

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.