| Hotline: 0983.970.780

Giáp Tết, trâu bò “hun nóng” vùng biên

Thứ Năm 05/01/2012 , 09:59 (GMT+7)

Trung bình mỗi ngày có tới hàng trăm con trâu bò được người dân địa phương sang Lào mua về qua đường biên giáp cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) một cách công khai...

Trung bình mỗi ngày có tới hàng trăm con trâu bò được người dân địa phương sang Lào mua về qua đường biên giáp cửa khẩu Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) một cách công khai mà không hề thấy bóng dáng cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Rộ dịch vụ dắt bò thuê

Những ngày này đang là thời điểm giáp Tết, người dân xã Nậm Cắn hầu hết đã tạm gác mọi công việc không cần thiết để tập trung đi dắt bò thuê. Hỏi ra mới biết, dắt trâu bò thuê đang là nghề có thể nói kiếm được rất nhiều tiền mà chẳng phải bỏ đồng vốn nào. Cái nghề dễ “hốt bạc” như vậy lẽ ra phải tìm việc rất khó, nhưng ở xã Nậm Cắn lại đang thiếu người làm một cách trầm trọng, từ người già đến trẻ con hễ thấy ai ngồi không ở nhà là có người đến lùng sục đưa đi dắt trâu bò ngay.

Anh Lầu A Chôm (bản Huếch Pốc, xã Nậm Cắn) người có thâm niên trong việc dắt bò cho biết,  trâu bò được đưa từ bên Lào về rất nhiều có đến cả trăm con/ngày. Càng gần về Tết số trâu bò được đưa về càng tăng. Chỉ trong buổi sáng, một lái buôn có vốn lớn với đội quân dắt thuê hùng hậu có thể gom được hàng trăm con chứ chẳng chơi. Đi dọc quốc lộ 7 cách cửa khẩu Nậm Cắn khoảng 5km lộn lại, đâu đâu chúng tôi cũng thấy trâu bò được tập kết hai bên đường, thi thoảng lại có người tay túm hàng chục chiếc dây thừng kéo bò đi nghênh ngang.

Người dân ngang nhiêm dắt trâu bò trên đường

Đang dắt 5 con bò về nơi tập kết, A Chôm cho biết, toàn bò đưa từ bên Lào về. “Đã lên đây thì không sợ không có bò đâu, chỉ cần có tiền là có bò thôi à”, Chôm nói. Quãng đường từ Việt Nam sang Lào chỉ mất có vài ba cây số đường rừng, qua bên đó trâu bò của người dân Lào cũng cột la liệt, mình ưng con nào thì trả tiền dắt về qua trạm kiểm dịch ở bên đó là được. Những người dắt bò như Chôm để qua mặt được các cơ quan chức năng thì toàn phải đi tắt qua biên giới bằng hai đường cánh gà của cửa khẩu Nậm Cắn.

Hiện mỗi ngày có hàng chục chuyến xe đến tập kết chở hàng, xe chở ít cũng được 15-20 con, có xe lớn chở 30-40 con. Ở đây trâu bò được chuyển từ Lào sang Việt Nam qua rất nhiều loại hình, nhưng chủ yếu nhất vẫn là hình thức dắt thuê. Mỗi con trâu bò dắt về tới nơi tập kết là chủ nậu trả cho 80.000-120.000 đồng. Người có thâm niên như Chôm có ngày dắt được cả 50 con trâu bò qua đường biên.

Một loại hình nữa cho thu nhập rất cao, đó là khoảng ba, bốn người dân địa phương góp tiền lại với nhau, sau đó sang Lào lấy hàng về bán lại cho các chủ đầu nậu. Như anh Lầu Bá Thanh (bản Trường Sơn) cùng với ba anh em khác trong bản gom góp tiền lại được 50 triệu đồng, sau đó sang bên Lào mua trâu bò về vỗ béo rồi bán lại. “Mình có tiền sang Lào mua thì chủ động hơn, trả giá được thì lấy. Trung bình một con trâu bò anh em mua chỉ có giá 10-12 triệu đồng thôi, con nào béo tốt thì 13-14 triệu. Sau khi lấy trâu bò về bán lại cho chủ nậu với giá 15-16 triệu đồng/con, như vậy một chuyến đi chỉ cần mua được 4 con về là có lãi hơn chục triệu rồi”, anh Thanh cho biết.

Điểm mặt chủ nậu

Mỗi ngày có đến hàng trăm con trâu bò được đưa về bãi tập kết, song dân buôn và đầu nậu đều có "luật" làm ăn riêng, không ai tranh giành là trâu bò của người này hay người kia. Để phân biệt rõ ràng, chủ nậu thuê ai dắt trâu bò thì dùng sơn viết vào lưng nó chữ cái đầu là ký hiệu tên của mình vào con trâu bò đó. Khi trâu bò sang tới Việt Nam chủ nậu cứ nhìn vào đó mà nhận hàng, xong trả tiền cho người dắt thuê là xong một lần giao dịch.

Trâu bò được đưa về nơi tập kết ở hai ven đường

Chúng tôi làm quen một chủ nậu tên Nguyễn Văn Tuấn. Tuấn người gốc Đô Lương, đã gần chục năm làm nghề gom trâu bò ở vùng biên này cho biết, hiện tại ở khu vực cửa khẩu này có tới gần 50 chủ nậu, chủ yếu vẫn là người dưới xuôi lên lấy hàng. Để gom được trâu bò thường xuyên, thông thường các chủ nậu như Tuấn đã có mối sẵn ở bên Lào. Thời gian đầu các chủ nậu còn phải qua cửa khẩu để chọn bò, giao dịch với đối tác bên kia. Xong một vài lần ai quen khách nấy thì chỉ giao dịch qua điện thoại, thỏa thuận mồm với nhau. Phía bên Lào khi đồng ý bán bò thì phải có trách nhiệm đưa bò tới đường biên giới. Trong quá trình đưa bò sang mà bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, phạt… thì phía bên nước bạn Lào phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngược lại, khi trâu bò đã được đưa tới đường biên giới giao cho khách hàng bên phía Việt Nam mà bị bắt, hoặc trâu bò bị chết thì phía bên này phải chịu, không được đòi bồi thường.

Theo Tuấn từ ngày làm nghề “đi bò” vượt biên anh chưa một lần bị lực lượng chức năng “sờ” gáy. Chủ nậu chủ yếu là người dân huyện Đô Lương, một số khác người dưới Vinh. Được biết, ở Đô Lương có một chợ trâu bò lớn nhất khu vực miền Trung, luôn cung cấp trâu bò cho các tỉnh phía Bắc. Hầu hết trâu bò ở các nơi đều được tập kết ở đây, sau đó được các chủ lò mổ lên mua về. Một số làm ăn lâu rồi nên có mối chở ra Hà Nội, vào TP HCM...

Ông Lầu Ga Long, trưởng bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn cho biết, xã có 6 bản nhưng phải có đến 4 bản là người Mông làm nghề buôn trâu bò và dắt thuê từ Lào về. Riêng bản Trường Sơn có 216 hộ thì chiếm 30% số hộ làm nghề buôn bán lớn, hay còn gọi là “chủ nậu”. Như gia đình Lầu Và Sình, Lầu Trung Sình, Sùng Trung Mùa… Còn lại gần 100% số dân trong xã làm nghề buôn bán trâu bò nhỏ lẻ theo hình thức mỗi gia đình mua một vài hai con về nhà nuôi vỗ béo sau đó bán lại cho chủ nậu và dắt thuê. Theo ông Long, thời gian này người dân trong bản không có việc gì để làm nên nhờ có nghề nuôi trâu bò này mà người dân có thêm nguồn thu nhập.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.