| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 17/01/2013 , 10:34 (GMT+7)

10:34 - 17/01/2013

Giật mình vì nợ

Con số nợ 1,3 triệu tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2012 khiến người dân không khỏi giật mình.

Con số nợ 1,3 triệu tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2012 khiến người dân không khỏi giật mình trong khi lãnh đạo Nhà nước tuyên bố “hệ số nợ trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép”.

Báo cáo chính thức được Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp công bố tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sáng 16/1 cho thấy, tổng doanh thu năm 2012 của nhóm các đơn vị kinh tế này là trên 1,6 triệu tỷ đồng nhưng tổng số nợ phải trả đã lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 64 tỷ USD. Trong đó, hơn 1/5 là các khoản nợ phải trả cho chủ nợ nước ngoài.


Ảnh minh họa

Sau khi công bố những con số khổng lồ kể trên, lãnh đạo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã lên tiếng trấn an dư luận rằng: “Hệ số nợ trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép, dù xét riêng rẽ, một số đơn vị có tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao”.

Tuy nhiên, nếu so sánh với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012, được ước tính khoảng 136 tỷ USD, thì nhiều người sẽ không khỏi giật mình bởi khoản nợ của nhóm tập đoàn, tổng công ty Nhà nước này đang ở mức ngang ngửa với một nửa GDP của cả đất nước.

Nhìn vào những số liệu kể trên, câu hỏi đặt ra là tại sao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, thị trường (đặc biệt là các doanh nghiệp độc quyền), nhân sự, công nghệ và các chính sách hỗ trợ khác nhưng vẫn liên tục báo lỗ khiến ngân sách thất thu hàng trăm ngàn tỷ đồng và làm nghèo đất nước bởi ngoại tệ bị chảy máu ra nước ngoài theo những hợp đồng vay vốn đầu tư?

Lý giải nguyên nhân sự kinh doanh yếu kém này, chính vị Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động tìm kiếm giải pháp vượt khó, còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động thực hiện tái cơ cấu, năng lực quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là cán bộ cao cấp còn yếu…

Thế nhưng “một số tập đoàn, tổng công” là tập đoàn nào, tổng công ty nào, cán bộ nào yếu kém, ỷ lại thì không được công bố cụ thể. Sự nể nang, sợ động chạm của các lãnh đạo Nhà nước khiến những người đứng đầu, chịu trách nhiệm về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục vận hành các “quả đấm thép” của nền kinh tế một cách tùy tiện, thiếu trách nhiệm và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục “lỗ” trong những năm tới.

Bởi vậy, dù được trấn an rằng khoản nợ tương đương một nửa GDP đất nước là không nguy hiểm nhưng việc các doanh nghiệp Nhà nước tái diễn vòng tròn luẩn quẩn “lỗ - tăng giá” đối với hầu hết các mặt hàng thiết yếu hiện nằm dưới quyền kiểm soát của mình đang làm cạn kiệt túi tiền và niềm tin của người dân.

Bình luận mới nhất