| Hotline: 0983.970.780

Giàu có từ vốn vay: Tích tụ đất và vay vốn

Thứ Ba 24/03/2015 , 21:01 (GMT+7)

Để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc bằng chính nghề nông quả là một điều không dễ. Nhiều người dân và doanh nghiệp đã đổ biết bao công sức, tiền của cho những ý tưởng làm giàu ấy…

Hà Nội và Hải Dương có rất nhiều khu công nghiệp với nhu cầu sử dụng lao động lên đến hàng ngàn công nhân. Khác với nhiều người làm đơn trả ruộng, nộp hồ sơ xin làm ở Cty thì tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện (Hải Dương) và Đông Anh (Hà Nội) có không ít người vẫn kiên cường bám ruộng làm giàu.

1 mẫu cá = 8 mẫu lúa

Cách làm giàu của họ tuy không mới nhưng khát khao muốn thoát nghèo đã giúp họ có hướng đầu tư đúng đắn. Họ thuê lại đất hoặc mua luôn ruộng của những gia đình bỏ ruộng. Rồi vay vốn của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) để phát triển kinh tế trang trại.

Tôi băn khoăn vì đây là đất lúa, sao lại chuyển sang đào ao nuôi cá và làm trang trại? Cả cán bộ hội nông dân xã và những ông chủ trang trại thật thà rằng, đất lúa hay đất trang trại thì cũng từ một quyết định hành chính.

Nếu cứ để mãi đất lúa mà mỗi năm chỉ làm được một vụ, có khi thất bát do đồng chiêm trũng thì như thế người dân có đói không? Trong khi đó, không ít người phải bỏ ruộng lên thành phố tìm việc làm mới.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hoan và chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) là một ví dụ cho việc bám ruộng. Anh chị đã thuê và mua ruộng rồi vay vốn của Agribank Chi nhánh Tứ Kỳ về đầu tư nuôi thủy sản.

Theo lời chị Tâm vùng đất này chiêm trũng, làm lúa hay bị ngập úng, năng suất thấp. Vợ chồng quyết định đặt vấn đề với lãnh đạo xã xin chuyển đổi để nuôi cá.

Lúc đầu lãnh đạo UBND xã ngần ngại vì vướng vào chủ trương. Tuy nhiên trước quyết tâm của vợ chồng nên địa phương đã đồng ý. Dần dần thấy việc nuôi cá của gia đình rất hiệu quả, nhất là kỹ thuật nuôi bài bản nên địa phương tạo điều kiện cho mở rộng quy mô.

Sau 14 năm đầu tư, đến nay anh chị đã có 24 mẫu đất được chuyển từ lúa sang nuôi cá. Để cải tạo một cái ao chi phí ban đầu cũng hết 200 - 300 triệu đồng. Đây là khoản tiền tương đối lớn. Vì lẽ đó, Agribank Chi nhánh Tứ Kỳ đã tạo điều kiện để vợ chồng anh luôn được vay ở mức từ 800 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng.

o-nuoi-c-cu-gd-chi-tm-duoc-xy-dung-kien-co162637950
Ao nuôi cá của gia đình chị Tâm được xây dựng kiên cố

Ao cá của anh Hoan được xây dựng kiên cố bằng bê tông. Việc sục khí, thay đổi nước, cho cá ăn được anh chị giao nhiệm vụ cho từng người đảm nhiệm ở những khung giờ khác nhau.

Từ lợi nhuận nuôi cá, ngoài việc đảm bảo tiến độ trả nợ cho ngân hàng, cuộc sống của gia đình và 7 lao động khác luôn khá lên.

Mỗi năm, anh chị thu hoạch 2 lứa cá và mỗi lứa cho doanh thu 6 - 7 trăm triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 2 trăm triệu.

 Tôi hỏi, nếu so sánh giữa nuôi cá và trồng lúa, chị thấy thế nào? Không ngần ngại, chị Tâm đáp: “1 mẫu cá bằng 8 mẫu lúa”. Nghe thế, ông Phạm Trọng Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Kỳ đứng bên cạnh nói thêm, nhiều gia đình trong xã đổi đời nhờ cách làm như vợ chồng anh chị đây.

Cũng cách làm ăn đó, vợ chồng ông Nghiêm Đình Minh ở thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã mua và thuê 34.600 m2 đất làm trang trại chăn nuôi lợn. Hơn 10 năm trước, đồng đất thôn Trung Oai chủ yếu là trồng lúa. Nhưng vì xa trung tâm và độc canh cây lúa nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Không cam chịu đói nghèo, ông Minh đã mạnh dạn thuê lại đất, vay thêm vốn làm ăn. Được chính quyền tạo điều kiện và Agribank Chi nhánh Đông Anh giúp đỡ nên hơn chục năm nay, gia đình ông đã đầu tư trang trại với quy mô 420 lợn nái và hàng ngàn con lợn thịt mỗi lứa.

su-dung-von-vy-hieu-qu-d-giup-gd-ong-nghiem-dinh-minh-vuon-len-giu-mnh162637402
Sử dụng vốn vay có hiệu quả đã giúp gia đình ông Nghiêm Đình Minh vươn lên giàu mạnh

Vợ ông Minh cho hay: "Nhiều người lo ngại về môi trường chăn nuôi nhưng các anh vào đây có ngửi thấy mùi gì đâu! Chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi. Chuồng trại đảm bảo quy chuẩn. Toàn bộ nước thải chảy vào hầm biogas. Nguồn điện thắp sáng và nấu nướng, sinh hoạt của gia đình đều từ khí biogas. Toàn bộ phân khô được đóng bao bán cho các Cty SX phân bón. Hằng năm các đoàn về kiểm tra môi trường nhưng chưa lần nào bị phạt".

Hỏi ông Minh về doanh thu và lời lãi thế nào? Ông thật thà: "Sau khi trừ chi phí đầu tư, trả được nợ cho ngân hàng vẫn còn một khoản kha khá làm của để dành và lo cho 3 con ăn học. Tôi chỉ học hết lớp 2, anh hỏi doanh thu, lợi nhuận bao nhiêu thì quả thực tôi không nhớ cụ thể.

Chỉ biết rằng, tôi đi lên từ hai bàn tay trắng, lúc đó vay Agribank được 3 triệu đồng để nuôi lợn. Đến nay dư nợ lên đến 5 tỷ đồng. Dẫu vậy chưa có gói vay nào tôi quá hạn. Chỉ tính riêng 420 con lợn nái thì cũng đủ để cho ngân hàng siết nợ nếu như tôi làm ăn thất bát".

Kỹ sư mê ruộng

Sinh năm 1977 trên vùng đất chiêm trũng chưa mưa đã lụt ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện, Hải Dương) thanh niên Cao Văn Lâm vốn ôm ấp nhiều giấc mộng đổi đời, thoát khỏi cảnh làm ruộng. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh ra Quảng Ninh làm việc cho một Cty than được 11 năm thì về quê kinh doanh xăng dầu.

9 năm sau, khoảng đầu năm 2012, nhìn thấy nhiều ruộng đồng của dân làng bỏ hoang mà xót xa. Lang bạt mãi và làm đủ nghề rồi cũng không đến đâu. Thế rồi anh chọn con đường gắn bó với quê hương để… đi cấy.

 Là một người làm kinh doanh, anh nhanh chóng nhìn ra cơ hội và quyết định vay vốn của Agribank Chi nhánh Thanh Miện đầu tư mua máy gặt về làm dịch vụ. Sau 22 ngày đi vác máy gặt thuê, anh đã thực hiện được 130 mẫu, thu về 275 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu.

Khi đi gặt anh mới biết, nhiều xã lân cận nông dân bỏ ruộng rất nhiều và một ý tưởng chợt lóe ra trong đầu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết đi “gom” ruộng. Nhân lúc nhiều hộ gia đình trong thôn trả lại 11 mẫu ruộng, anh viết đơn xin nhận thầu và được lãnh đạo xã đồng ý. Đến nay, số ruộng anh “gom” được là 70 mẫu.

Gắn bó với đồng ruộng, anh nhận thấy nguồn cơn nông dân chán ruộng. Từ đó, anh quyết định mở rộng đầu tư hệ thống SX mạ khay và các loại máy làm đất, máy cấy, máy gặt.

Anh bảo, cây mạ khay bao giờ cũng cứng cáp và khỏe hơn mạ gieo trên ruộng vì quá trình úm mạ đều được cung cấp nhiệt độ đảm bảo. Đó là chưa nói đến chi phí cho cấy bằng máy còn rẻ hơn. 1 giờ máy cấy thực hiện được 1 mẫu (bằng 100 người cấy tay).

Đề cập tính ưu việt lúa cấy bằng máy, anh Lâm chia sẻ: "Lúc đầu thấy hàng lúa thưa, người dân chê lắm. Sau này, tôi giải thích họ mới chịu ngã ngũ. Vì thế, hiện nay, ngoài 70 mẫu ruộng của mình, tôi còn đáp ứng được 330 mẫu/vụ cho bà con từ khâu gieo mạ đến thu hoạch.

Tôi bảo, cấy thưa thì cây lúa sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Nhất là điều kiện quang hợp của nó. Lúa đẻ nhánh nhiều, cây lúa cứng nên mỗi khóm luôn đạt 18 - 21 dảnh. Đây là lý do tại sao lúa ít bị sâu, bệnh và ít bị đỗ gãy khi mưa gió. Nhờ đó, năng suất lúa luôn cao hơn 15 - 20% so với cấy tay".

Từ việc đầu tư máy móc, SX mạ khay để cấy dịch vụ, anh Lâm đã kéo nhiều hộ dân quay về với đồng ruộng. Niềm đam mê và đồng vốn của Agribank thêm cú hích cho nhiều người dân không còn chán ruộng.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.