| Hotline: 0983.970.780

Giàu nhờ trồng lát

Thứ Sáu 16/05/2014 , 07:10 (GMT+7)

Trong tổng số 800 cây lát ông Hồng trồng, hiện có khoảng 200 cây đã thu hoạch được, nếu bán với giá hiện nay (3 triệu đồng/cây) thì tổng thu nhập đạt trên dưới 600 triệu đồng.

Hơn 800 cây gỗ lát được trồng từ năm 2001 không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Trương Công Hồng (66 tuổi) ở xã Điền Quang (Bá Thước, Thanh Hóa) mà còn góp phần thiết thực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là người dân tộc Mường, năm 1985 vợ chồng ông Hồng tiên phong lên vùng đất “khỉ ho cò gáy” thôn 10, xã Điền Quang phát triển kinh tế. Bước đầu, vợ chồng ông vỡ hoang 2 ha đất cằn cỗi, lau lách để trồng sắn. Đến năm 2001, thông qua dự án trồng rừng 327, vợ chồng ông được tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ 1.000 cây gỗ lát trồng phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Ông Hồng bảo, thời kỳ ấy dân bản nghĩ đất đai ở Điền Quang chỉ phù hợp để phát triển rừng luồng nên cán bộ vận động thế nào đồng bào cũng không chịu tham gia. Duy chỉ có ông tiên phong trồng thử cây lát.

“Được cán bộ tập huấn kỹ thuật, ta mang lát vào rừng, đào hố 50 x 50 cm rồi bỏ thêm phân chuồng và một ít lân, trộn đều với đất sau đó bỏ bầu cây xuống trồng. Nếu thời tiết nắng thì tưới thêm nước cho cây đủ dinh dưỡng”, ông Hồng nói.

Ông Hà Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Quang đánh giá: “Vợ chồng ông Hồng là những già làng ở Điền Quang, họ không chỉ giỏi phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn tận tình giúp đỡ đồng bào trong thôn, bản trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước
có hiệu quả”.

Theo kinh nghiệm của ông Hồng, cây lát là loài cây ưa độ ẩm, phù hợp với các loại đất đen (đất pha đá) nên sau khi trồng cây xuống phải được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận, tuyệt đối không để trâu bò ăn cây bởi những cây lát bị trâu bò ăn rồi thì dù chăm bón như thế nào cũng không thể phát triển thêm được nữa.

Ông Hồng lấy ví dụ cụ thể từ hộ dân bên cạnh, mặc dù có điều kiện đầu tư, chăm sóc nhiều hơn gia đình ông nhưng vì bảo vệ không tốt, để trâu bò ăn hết lá nên mấy trăm cây lát của gia đình hàng xóm còi cọc mãi, trong khi lát ông trồng cứ lớn vùn vụt. Cuối cùng chủ hộ phải phá hết diện tích cũ trồng lại diện tích mới theo phương pháp của ông và hiện cũng sắp cho thu hoạch.

Ông Hồng cho biết, mặc dù bây giờ 0,5 ha lát (khoảng 800 cây) của gia đình ông đã cao 13 - 14m, đường kính vanh 50 - 60 cm nhưng hàng ngày ông vẫn “ăn rừng ngủ rừng”, làm hàng trào bao quanh để ngăn chặn trâu bò vào phá phách. “Đây là cách duy nhất để bảo vệ công sức của vợ chồng ta suốt mười mấy năm qua”, ông Hồng nói.

Hiện có khoảng 200/800 cây lát đã thu hoạch được, nếu bán với giá hiện nay (3 triệu đồng/cây) thì tổng thu nhập đạt trên dưới 600 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hồng cho hay, ông chưa khai thác vì “rừng đang bảo vệ môi trường sống của con người, bảo vệ dân bản trước thiên tai, lũ lụt”.

Ngoài trồng, bảo vệ rừng ông Hồng còn giúp đỡ hơn 30 hộ dân trong thôn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ các loài cây như lát, luồng, keo và chăn nuôi cá, gà thả vườn, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Mường nơi đây.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Trồng cây cảnh lấy vui cũng có thu nhập bằng 1ha nhãn

HƯNG YÊN Chỉ với gần 100 chậu cây cảnh bày đặt trong sân nhà, năm nào ông Dinh cũng có thu nhập 40-50 triệu đồng, tương đương thu nhập từ thâm canh gần 1 ha nhãn.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.