| Hotline: 0983.970.780

Gieo thẳng lúa ở miền Bắc

Thứ Sáu 17/06/2011 , 14:22 (GMT+7)

Ngày 15/6, tại Thái Bình, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo “kinh nghiệm gieo thẳng trong SX lúa ở các tỉnh phía Bắc”.

* Toàn ngành Nông nghiệp phấn đấu "3 không", giải phóng sức phụ nữ:

- Không phải còng lưng cấy.

- Không phải còng lưng gặt.

- Không phải còng lưng phơi đảo thóc.

Ngày 15/6, tại Thái Bình, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo “kinh nghiệm gieo thẳng trong SX lúa ở các tỉnh phía Bắc”. Hội thảo có sự tham gia của gần 200 cán bộ quản lý và khuyến nông của các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc bộ.

Gieo thẳng, gieo vãi là phương thức canh tác không mới đối với nông dân nước ta, khu vực ĐBSCL và Trung bộ, Tây Nguyên nông dân canh tác chủ yếu là gieo thẳng, với các tỉnh miền Bắc, gieo thẳng lúa cũng được khuyến cáo và nông dân nhiều khu vực như Cẩm Giàng - Hải Dương gieo sạ gieo vãi gần 100% diện tích, tuy nhiên gần đây với nhiều tiến bộ khoa học về giống, phân bón, thuốc trừ cỏ thì gieo thẳng trong SX lúa xuân mới thực sự trở thành một xu hướng mới trong SX lúa. Trước khi thảo luận, các đại biểu đã được thăm vùng SX lúa gieo thẳng tập trung 300 ha đầy thuyết phục tại huyện Vũ Thư, thăm mô hình gieo thẳng bằng dụng cụ kéo tay và đặc biệt mô hình sạ hàng rộng hàng hẹp với giống lúa chất lượng VS1 và giống lúa lai Syn6, đại biểu cũng được thăm tập đoàn giống lúa lai, giống lúa năng suất chất lượng của Cty CP giống cây trồng Thái Bình với những giống lúa ngắn ngày chống đổ tốt phù hợp cho gieo sạ gieo vãi đã và sắp được phóng thích như TBR36 và TBR45.

Tại hội thảo, tổng hợp của Cục Trồng trọt, báo cáo những mô hình hiệu quả trong SX lúa bằng phương thức gieo thẳng và báo cáo tham luận của Sở NN-PTNT Thái Bình về kết quả phát triển lúa gieo thẳng của tỉnh trong những năm qua cho thấy phương thức này đang trở thành phong trào và là một trong những hướng trọng tâm mà Bộ NN-PTNT tập trung chỉ đạo.

Theo Cục Trồng trọt, trong 4 năm qua kể từ 2008, gieo thẳng được phát động như một tình thế khắc phục thiếu mạ do chết rét, với tổng diện tích gieo thẳng toàn miền Bắc là trên 168 ngàn ha, chiếm 14,6% diện tích lúa toàn miền, thì đến vụ xuân 2011, diện tích lúa gieo thẳng toàn miền đã đạt trên 229 ngàn ha chiếm 20% diện tích lúa, tăng gần 14%. Các tỉnh có tỉ lệ diện tích lúa gieo thẳng chiếm tỷ lệ cao như: Điện Biên 80%, Cao Bằng 65,4%, Lai Châu 62,3%, Quảng Ninh 37,2%; các tỉnh ĐBSH: Hải Dương 37,5%, Thái Nguyên 29%, Hưng Yên 27%, Hà Nam 25%, tỉnh có tốc độ tăng diện tích gieo thẳng nhanh là Thái Bình với trên 16 ngàn ha gieo thẳng/82.437 ha lúa xuân, tỷ lệ gần 20%, tăng gấp 20 lần so với 2008. Đặc biệt huyện Vũ Thư của Thái Bình vụ xuân 2011 gieo thẳng tới trên 4.000 ha so với trên 9 ngàn ha lúa của toàn huyện, đây cũng là huyện có 100% số xã có vùng gieo thẳng với nhiều xã tỷ lệ gieo thẳng trên 30%. Thái Bình có 3 xã có diện tích gieo thẳng lúa xuân 2011 chiếm trên dưới 80% diện tích là Mê Linh - Đông Hưng, Đông Hoàng - Tiền Hải và Duy Nhất - Vũ Thư.

Tại hội thảo, những lợi ích của phương thức canh tác gieo thẳng đã được đề cập: Với bối cảnh thời vụ khẩn trương nhưng lao động trẻ khỏe ở khu vực nông thôn ngày một cạn kiệt do lực lượng này bị hút vào các khu công nghiệp đã và đang là thách thức đối với nhiều vùng do lúc thời vụ thiếu lao động và ngày công lao động trên đồng ruộng đã tăng gấp 3-4 lần so với 4 đến 5 năm trước đây, giải pháp gieo thẳng đã góp phần giải quyết một bước vấn đề nan giải này. Về khía cạnh kinh tế cũng được nhiều ý kiến đồng thuận: gieo thẳng đã góp phần tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, tạo tiền đề và động lực cho dồn đổi đất đai, cơ giới hóa SX, hình thành các tổ nhóm hợp tác tự nguyện cùng có lợi và hình thành vùng SX hàng hóa tập trung.

Các tính toán qua 2-3 vụ cho thấy cứ mỗi ha gieo thẳng tiết kiệm chi phí và làm lợi cho nông dân 3-4 triệu đồng. Nếu nhân con số này với trên 200.000ha thì số tiền mang lại là cả ngàn tỷ đồng mỗi năm. Hội thảo cũng đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm cả về tổ chức chỉ đạo, sự quan tâm và vào cuộc của các cấp các ngành, của hệ thống chính trị, nhất là vấn đề cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân dụng cụ sạ hàng, máy gieo sạ kết hợp bón phân, phun thuốc cỏ... và đào tạo huấn luyện nông dân. Gieo thẳng cũng còn một loạt các vấn đề kỹ thuật cần giải quyết như giống lúa thích hợp, khả năng chịu rét, chịu nóng tốt hơn, chịu thâm canh và chống đổ tốt hơn... Bộ NN-PTNT, các địa phương cần có một nghiên cứu tổng hợp để đưa ra một quy trình gieo thẳng đầy đủ và hoàn thiện từ kỹ thuật ngâm ủ, xử lý để cây khỏe, rễ lúa sau gieo mọc khỏe và sâu hơn, nhất là phát triển hình thức sạ hàng rộng hàng hẹp để phát huy hiệu quả bìa, sử dụng phân bón và các chất hỗ trợ sinh trưởng…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng kết luận: Phát triển phương thức gieo thẳng là một trong các phong trào trọng tâm của Bộ, kết quả phát triển nhanh diện tích lúa gieo thẳng trong 3 năm qua đã cho thấy đây là phương thức phù hợp lòng dân và hiệu quả, có hiệu quả thì mới phát triển nhanh như vậy, và Bộ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo phong trào này, mục tiêu cụ thể mà ngành NN đặt ra là đến năm 2015 các tỉnh phía Bắc phấn đấu đạt 50% diện tích lúa gieo thẳng, nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và nông dân bằng các mô hình cơ giới hóa gieo thẳng, thu hoạch và sấy nông sản; hỗ trợ mạnh hơn công tác thông tin tuyên truyền và huấn luyện.

Phương thức canh tác này cũng sẽ được gắn với các điểm nông thôn mới, phấn đấu “3 không”: Phụ nữ không phải còng lưng cấy, nhất là cấy trong điều kiện cái lạnh của miền Bắc vào vụ xuân, lội xuống bùn tê buốt bàn chân; cái nóng của vụ mùa “nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy”. Cái không thứ hai là bà con không phải còng lưng gặt, và cái không thứ ba là không phải còng lưng phơi đảo lúa bỏng chân bởi hơi thóc trực xạ rồi cuống quýt chạy khi mưa đổ xuống bất chợt. Muốn thế SX lúa phải cơ giới hóa khép kín từ gieo thẳng cho đến khâu thu hoạch và sấy. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh là vụ xuân 2011, khó khăn chồng chất, nhiều diện tích gieo thẳng với các giống lúa chất lượng như BT7, HT1 tưởng như mất ăn, nhưng thăm vùng gieo thẳng ở Thái Bình lúa vụ này lại quá trúng mùa và bà con nông dân rất phấn khởi. Với sự đồng hành của các đơn vị phục vụ SX nông nghiệp như Cty Syngenta Việt Nam, Cty CP BVTV An giang, Cty CP giống cây trồng Thái Bình và Cty CP giống cây trồng TW, hội thảo đã rất thành công và Bộ NN-PTNT tặng 12 bằng khen, kèm tiền thưởng cho các tỉnh, huyện và xã có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển lúa gieo thẳng những năm qua ở miền Bắc.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.