| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 12/09/2012 , 16:10 (GMT+7)

16:10 - 12/09/2012

Gieo thực dụng, gặt “quả chua”

Nỗi bức xúc của người hâm mộ về tư cách, đạo đức cầu thủ đá bóng VN đang dâng cao khi liên tục những chuyện không hay ho xảy ra, như vụ Quốc Long bị loại khỏi đội tuyển, vụ Huy Hoàng “lên đồng” sau khi gây tai nạn giao thông, và trước đó nữa thì phạm vi một bài báo không thể nào liệt kê cho xuể!

Nỗi bức xúc của người hâm mộ về tư cách, đạo đức cầu thủ đá bóng VN đang dâng cao khi liên tục những chuyện không hay ho xảy ra, như vụ Quốc Long bị loại khỏi đội tuyển, vụ Huy Hoàng “lên đồng” sau khi gây tai nạn giao thông, và trước đó nữa thì phạm vi một bài báo không thể nào liệt kê cho xuể!

>> CLB... ma túy!


Những hành vi mất kiểm soát của Huy Hoàng sau khi gây tai nạn. 

Càng đào sâu tìm hiểu chuyện này thì càng thấy cầu thủ tuy là tội đồ, nhưng họ cũng là nạn nhân. Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là những gia đình có điều kiện, sinh sống tại những thành phố lớn hoàn toàn không chấp nhận cho con em mình chọn bóng đá nói riêng, thể thao nói chung là cái nghiệp nuôi thân. Xem lý lịch của các tuyển thủ hiện nay, đại đa số đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, những gia đình khó khăn.

Hầu hết đều có mẫu số chung giống như Văn Quyến - một cậu bé chăn trâu, nhờ bóng đá đã vụt sáng thành sao. Và khi ấy thì sao? Họ không đủ bản lĩnh, kiến thức xã hội để ứng phó với tiền bạc, danh vọng ập đến mình. Quan sát nếp sống chung của các cầu thủ đá bóng hiện nay, phần lớn đều giống nhau: sau tập luyện, thi đấu thì chỉ biết có quán bar, vũ trường, đua nhau mua sắm hàng hiệu khoác lên người. Chuyện giải trí của phần lớn cầu thủ là cá độ bóng đá, chơi game, và “trí thức” nhất là đọc... truyện tranh!

Nhân đây, chúng tôi nhớ lại một chuyện cũ: ba tháng trước khi đội tuyển bóng đá VN tham dự AFF Cup 2008 (giải đấu mà đội tuyển VN đã đăng quang), Phương Trinh - một đồng nghiệp trẻ công tác tại báo Mực Tím, vừa mê bóng đá vừa thường xuyên tham gia những hoạt động xã hội - đã tìm chúng tôi và đề nghị: ”Trinh và nhiều bạn bè muốn thành lập CLB bóng đá & cộng đồng. CLB này sẽ giúp cầu thủ cơ hội tiếp xúc với những trẻ mồ côi, người già neo đơn... Nói tóm lại là sẽ tạo điều kiện cho cầu thủ tham gia các hoạt động từ thiện, giúp họ xóa khoảng trống về kiến thức xã hội”.

Từ đề xuất của Trinh, chúng tôi bật ra ý nghĩ đưa các bệnh nhi ung thư đến cùng các tuyển thủ với suy nghĩ: khi tiếp xúc với các em nhỏ thiếu may mắn này, biết được rằng hôm nay các em còn cười đùa hồn nhiên nhưng có thể ngày mai sẽ không còn trên cõi đời này nữa, ắt các tuyển thủ sẽ thấy ý nghĩa cuộc sống không chỉ là đá bóng, kiếm tiền và hưởng thụ.

Nghe chúng tôi trình bày về ý tưởng tổ chức một buổi giao lưu như thế cho các tuyển thủ trước khi tham gia AFF Cup 2008, HLV Henrique Calisto đã hoan nghênh ngay. Chính ông là người đã đề nghị hãy đưa các bệnh nhi đến sân bóng Thành Long, nơi đội tuyển đang tập trung. Ông bảo rằng không nên đưa các tuyển thủ đến bệnh viện, buổi giao lưu sẽ gượng gạo, mà hãy đưa các bệnh nhi đến sân bóng sau một buổi tập để hai phía đến với nhau thật tự nhiên. Và kết quả như chúng ta đã thấy, cuộc gặp gỡ hết sức thành công. Cuối buổi gặp, nhiều cầu thủ đã khóc. Sau đó vài ngày, Công Vinh lặng lẽ tìm đến nhà một bệnh nhi từng là cầu thủ năng khiếu và kết nghĩa anh em. Và nhiều cầu thủ như Minh Phương, Tài Em... sau này đã tìm đến bệnh viện ung bướu để thăm, tặng quà cho các em.

Sau thành công qua cuộc giao lưu đó, Phương Trinh và chúng tôi thừa thắng xông lên, bàn tính chuyện sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc gặp gỡ giữa cầu thủ với trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa... Cụ thể sẽ tổ chức cho các đội bóng chứ không chỉ đội tuyển quốc gia. Nhưng đáng tiếc thay, lãnh đạo các đội bóng đã hết sức hờ hững chứ không nhiệt tình như ông Calisto. Thậm chí có ông bầu còn đơn giản hỏi cần bao nhiêu tiền để mình sẵn sàng chi cho các trại trẻ mồ côi, người già neo đơn!

Trước một trận đấu lớn, một giải đấu quan trọng, những người làm bóng đá VN chỉ biết rao những món tiền thưởng thật cao. Chính họ đã gieo vào đầu các cầu thủ suy nghĩ thực dụng, xem tiền là tất cả. Vậy nên không lạ gì khi bóng đá Việt gặt nhiều “quả chua”.

Theo HUY THỌ (Tuổi trẻ)