| Hotline: 0983.970.780

Giống cà rốt Nhật lai F1 - Sister

Thứ Sáu 18/11/2011 , 09:55 (GMT+7)

Có thể nói, giống cà rốt lai Sister có nguồn gốc từ Nhật Bản là một giống cây trồng tiến bộ và nhiều ưu việt hơn giống Ti103 đang được nông dân ưa chuộng.

Cà rốt là một trong những cây trồng có thế mạnh của tỉnh Hải Dương. Hàng nghìn ha cà rốt mỗi vụ đã cho thu trung bình từ 145- 155 triệu đồng/ha. Trong nhiều năm gần đây, đa số các vùng chuyên canh cà rốt của tỉnh đều ưa chuộng duy nhất giống cà rốt Nhật lai Ti 103 để phát triển vì chưa có giống nào ưu việt hơn thay thế.

Trước thực tế trên, vụ đông năm 2011, Phòng NN- PTNT huyện Nam Sách đã phối hợp với Công ty TNHH TM- SX giống cây trồng Đất Việt đưa giống cà rốt Nhật lai F1 - Sister thử nghiệm với qui mô 2ha tại xã Minh Tân và Thái Tân. Ngày 15/11/2011 huyện và công ty đã tổ chức hội thảo để đánh giá kết quả mô hình.

Kết quả báo cáo và thực tế cho thấy: So với giống đối chứng Ti103, cà rốt Sister có nhiều ưu việt hơn, đó là: Bộ lá giống Sister toả đều hơn, tầng lá không dày như giống Ti. Đây là một yếu tố mà người trồng cà rốt rất “khoái”. Vì tán thưa, toả rộng sẽ giúp các lá không chồng chéo lên nhau, cây hấp thu ánh sáng được nhiều hơn lại ít bị sâu bệnh hại. Chính điều này sẽ giúp cây cà rốt xuống củ nhanh hơn trong điều kiện trồng ở vụ sớm (giai đoạn cà xuống củ thời tiết ít có ánh sáng, trong khi đó biên độ nhiệt chênh lệch ngày đêm không nhiều nên nếu trồng cà thường thì khó xuống củ).

Mặt khác, ở cùng một chân đất với chế độ chăm bón như nhau nhưng giống Sister lại có chiều cao cây và độ mập của thân cao hơn Ti103, bộ lá cây cứng, xanh vàng nên Sister ít bị sâu bệnh.

Về đặc điểm hình thái và năng suất chất lượng củ: Giống Sister có chiều dài củ ngắn hơn Ti (1cm) nhưng lại có đường kính củ to hơn (0,6cm). Độ đồng đều của củ Sister cao hơn Ti 103(767/747 kg củ loại 1/sào), và ít củ loại 2 hơn (155/165 kg/sào). Năng suất trung bình của Sister cao hơn giống Ti103 là 10kg/sào. Trong khi đó giống Sister lại có hương vị thơm ngọt và màu sắc đỏ tươi, độ giòn cao còn Ti103 lại có vị hăng ngái và có màu đỏ nhạt, độ giòn thấp (ý kiến nhận xét của tất cả các đại biểu khi đánh giá về chất lượng, mẫu mã).

Về hiệu quả kinh tế của 2 giống: sau khi trừ chi phí (giống, phân bón, thuốc BVTV, công lao động), 1 sào Sister lãi 3.093.500 đồng cao hơn Ti 103 là 110.000đồng/sào.

Một đặc điểm nữa của giống cà rốt Sister không liên quan đến năng suất nhưng lại ảnh hưởng lớn đến mẫu mã củ đó là: Vai củ Sister có cấu tạo thấp hơn Ti103 khoảng 1,5-2cm. Chính điều này sẽ giúp cho củ cà rốt không bị nhô cao phần thịt củ lên trên mặt đất. Đồng nghĩa  củ cà rốt không có phần xanh gần cuống củ, trông sẽ đẹp và chất lượng hơn Ti103. Mặt khác, chính phần vai củ không nhô cao của giống Sister sẽ giúp người trồng không phải tốn công vun đất lên mặt luống để che củ khi sắp thu hoạch.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, nhiều nông dân trực tiếp thực hiện mô hình cũng như các nông dân khác đến tham quan đều mong muốn cán bộ và công ty sẽ hỗ trợ cho họ về giống, vốn, kĩ thuật để họ có điều kiện nhân rộng mô hình và đưa giống Sister vào sản xuất đại trà.

Có thể nói, giống cà rốt lai Sister có nguồn gốc từ Nhật Bản là một giống cây trồng tiến bộ và nhiều ưu việt hơn giống Ti103 đang được nông dân ưa chuộng. Chắc chắn trong các vụ tiếp theo nông dân sẽ chọn để phát triển đại trà.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.