| Hotline: 0983.970.780

Giống dẻ DLS1

Thứ Hai 18/10/2010 , 10:42 (GMT+7)

Đây là một trong những giống dẻ mới được chọn tạo có nhiều ưu thế: thích ứng rộng, dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất, chất lượng cao...

Từ nguồn thực liệu nhập nội của Trung Quốc, sau hơn 10 năm nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm thành công ở một số vùng sinh thái khác nhau, giống dẻ ăn quả DLS1 của Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia.

Đây là một trong những giống dẻ mới được chọn tạo có nhiều ưu thế hơn các giống dẻ hiện có ở nước ta: có khả năng thích ứng rộng, dễ trồng, dễ chăm sóc, có ưu thế trên những vùng đồi núi dốc, đất khô hạn, cho năng suất, chất lượng cao; là cây lâm nghiệp đa tác dụng vừa để phủ xanh đồi rừng, vừa có thể khai thác hạt cho hiệu quả kinh tế rất cao.

KS. Hoàng Lê Minh, GĐ Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc cho biết: Cây dẻ DLS1 cao tới 10-15m, vỏ cành nhỏ có lông mịn ngắn, trên ngọn còn có lông mịn dài và phiến lá hình bầu dục. Đấu (quả) to, có nhiều gai sắc, mỗi đấu thường có 3 hạt cứng, lớn, màu nâu tươi, đường kính từ 2-3cm. Dẻ DLS1 ra hoa vào tháng 5, chín vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, rộ vào cuối tháng 9. So với các giống dẻ khác thì DLS1 chín sớm hơn nên bán được giá cao và dễ tiêu thụ hơn.

Nơi nguyên gốc dẻ DLS1 có tuổi thọ trên 100 năm. Cây trồng bằng hạt thường cho quả sau 7-8 năm, sau 15 năm mới bắt đầu bước vào thời kỳ ổn định. Với cây ghép, sau 3 năm bắt đầu cho quả; sau 7-8 năm bắt đầu cho năng suất cao và ổn định.

Với sự giúp đỡ của các cán bộ kỹ thuật Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc, trong thời gian qua đã có nhiều hộ nông dân Lạng Sơn đầu tư, cải tạo vườn đồi để trồng dẻ DLS1 cho kết quả rất tốt, nhiều hộ đã có mức thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Theo tính toán của KS. Hoàng Lê Minh, ở giai đoạn 5 năm tuổi năng suất bình quân của dẻ DLS1 đạt khoảng 5kg hạt/cây. Nếu bà con trồng với mật độ bình quân 600 cây/ha sẽ cho thu hoạch 3 tấn hạt/ha, bán với giá 40.000 đồng/kg thì sẽ cho mức thu từ 120 đến 150 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2003 chị Chu Thúy Dung ở thôn Quảng Trung, xã Quảng Lạc là một trong những hộ đầu tiên ở TP Lạng Sơn tham gia mô hình trồng 3ha thử nghiệm giống dẻ DLS1 với Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc thay thế cho các cây hồng Thạch Thất, mận tam hoa cho hiệu quả thấp. Sau 3 năm trồng dẻ DLS1 bắt đầu cho thu bói, từ năm thứ 5 trở đi bắt đầu cho năng suất cao và ổn định, năm nay chị Dung thu được 2,5 tấn hạt, bán giá bình quân 40.000 đồng/kg, trừ chi phí thực lãi trên 80 triệu đồng.

Yêu cầu sinh thái: Cây thích nghi với nhiệt độ từ 8-22oC, chịu nóng được tới 39,5oC, lạnh tới -2,5oC. Cây chịu hạn tốt, có thể trồng được ở các vùng có lượng mưa từ 500-2.500mm/năm. Cây ưa đất tốt, tầng dày, tơi xốp, giàu mùn, dễ thoát nước.

Một số chú ý khi trồng dẻ DLS1: Theo KS. Hoàng lê Minh, nên trồng bằng cây ghép (gốc ghép là giống dẻ địa phương hoặc dẻ Trùng Khánh) sẽ sớm cho quả, khỏe mạnh, bền cây, cho năng suất cao và ổn định. Thời vụ trồng tốt nhất là vụ xuân (tháng 3-4). Mật độ thích hợp 500-600 cây/ha (5 x 4m hoặc 4 x 4m).

Cây dẻ rất dễ trồng nhưng ở giai đoạn đầu bà con cần chú ý làm sạch cỏ, bón thúc kịp thời cho cây sinh trưởng nhanh. Khi vườn cây chưa khép tán nên trồng xen thêm cây ngắn ngày có tán thấp, nhất là các cây họ đậu như đậu tương, lạc vừa có thêm thu nhập, vừa hạn chế được cỏ dại và có thêm thân lá làm phân bón cho cây dẻ. Tới giai đoạn gần Tết, sau khi thu hái quả cần bổ sung vào gốc một lượng phân bón khoảng 1,5kg NPK/gốc thì năm sau cây lại cho quả rất sai.

Để biết thêm thông tin chi tiết bà con liên hệ trực tiếp với Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc tại số 246 Trần Quang Khải, Phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; ĐT: 025. 3810264.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.