| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa ở ĐBSCL: Sức đề kháng đang suy giảm?

Thứ Sáu 29/01/2010 , 10:49 (GMT+7)

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đến thời điểm này, trên lúa đông xuân ở ĐBSCL đã có khoảng 60-70 ngàn ha bị nhiễm rầy nâu với mật số thấp, bênh cạnh đó là hàng chục ngàn ha bị bệnh cháy lá.

Tình hình dịch bệnh như trên là chưa đáng ngại, bởi nhìn chung các trà lúa đều đã thoát được bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Tuy nhiên áp lực sâu bệnh không vì thế mà có thể coi là đã nhẹ nhàng đi. Bởi trong canh tác lúa ở ĐBSCL hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh như vẫn còn một bộ phận nông dân chưa tuân thủ lịch thời vụ, mức độ thâm canh cao…

Trong đó, khả năng kháng bệnh của các giống lúa đang là một vấn đề lớn. PGS.TS Phạm Văn Dư cho biết, bộ giống lúa hiện nay sử dụng trong thâm canh đã khá hoàn chỉnh về phẩm chất và rất phù hợp với việc sản xuất 3 vụ mỗi năm. Tuy nhiên, do thời gian thâm canh dài, mức độ thâm canh cao, đã khiến cho áp lực sâu bệnh tăng lên khá nhiều, dẫn tới việc phá vỡ gene kháng với bệnh cháy lá và rầy nâu. Vì vậy, so với 10 năm trước đây, thì các gene kháng rầy nâu và bệnh cháy lá hiện đã yếu đi khá nhiều.

Trong khi đó, công tác nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa mới, tuy có khả quan ít nhiều về mặt năng suất, chất lượng…, nhưng lại chưa tạo được sự yên tâm trong phòng chống dịch bệnh. Theo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm Cây trồng và Phân bón vùng Nam bộ, trong 59 giống lúa mới, ngắn ngày, được khảo nghiệm trong vụ hè thu 2009 ở Nam bộ, không có giống nào có khả năng kháng cao với rầy nâu trong điều kiện nhân tạo (điểm 1).

Trong số 63 giống thanh lọc phản ứng đối với 3 nguồn rầy nâu (Đồng Tháp, Trà Vinh và Cần Thơ), thì có 36 giống có phản ứng bình quân với cấp hại từ 4,3-4,8; 11 giống có phản ứng cấp hại 5 và 16 giống có phản ứng với cấp hại từ 5,2-5,9. Như vậy, có thể thấy những giống lúa mới này chỉ có khả năng kháng rầy cao lắm là ở mức độ trung bình. Mà theo nhận xét của ông Phạm Văn Dư, điều này có nghĩa rằng khả năng kháng rầy của những giống lúa mới cũng chẳng hơn gì so với các giống lúa cũ.

Để khắc phục tình trạng giống “yếu” này, trước hết, trong khâu canh tác, cần phải chú trọng tuân thủ các biện pháp làm giảm áp lực sâu bệnh trên các trà lúa, đặc biệt là làm chậm lại sự tiến hoá của ký sinh gây bệnh cháy lá và rầy nâu. Theo đó, việc đảm bảo lịch thời vụ một cách chặt chẽ và đa dạng nguồn giống lúa trên đồng ruộng (không để một giống nào đó chiếm diện tích quá lớn) là những giải pháp quan trọng bậc nhất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp ở các địa phương cũng cần hướng dẫn và chỉ đạo nông dân áp dụng thật đúng đắn giải pháp “3 tăng, 3 giảm”, đặc biệt chú ý tới việc sử dụng phân đạm và mật độ sạ.

Thực tế cho thấy việc bón dư phân đạm sẽ là điều kiện tốt cho bệnh cháy lá phát triển, bởi đạm nhiều sẽ làm cho tán lá lúa rậm rạp, tạo thành nơi trú ẩn lý tưởng cho nấm ký sinh gây bệnh cháy lá. Bênh cạnh “3 giảm, 3 tăng”, khâu cày ải đất cũng rất quan trọng vì nếu làm tốt khâu này sẽ tạo điều kiện cho cây lúa khoẻ mạnh, nhờ đó tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

Còn về việc tìm kiếm những giống mới có khả năng chống chịu sâu bênh cao? Theo TS Phạm Văn Dư, các nhà nghiên cứu, sản xuất giống lúa nên chú ý khai thác nguồn gene nội địa trên lúa mùa, lúa hoang dại, vốn có khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt. Nếu đưa được nguồn gene vào trong các giống lúa cải tiến, chúng ta có thể tin tưởng rằng sẽ sớm có được những giống lúa mới, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng vừa có khả năng tốt về kháng rầy, kháng đạo ôn. Công việc này rất cần được tiến hành sớm, bởi ở nước ta hiện nay, nguồn gene kháng bệnh cháy lá đang ngày càng cạn kiệt.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất