| Hotline: 0983.970.780

Giống quyết định

Thứ Sáu 18/11/2011 , 10:25 (GMT+7)

GS.TS Nguyễn Thị Lang, Trưởng Bộ môn Di truyền giống, Viện Lúa ĐBSCL trao đổi với NNVN về vấn đề giống lúa ở ĐBSCL.

GS.TS Nguyễn Thị Lang
GS.TS Nguyễn Thị Lang, Trưởng Bộ môn Di truyền giống, Viện Lúa ĐBSCL, tác giả của nhiều giống lúa OM có triển vọng trong những năm gần đây trao đổi với NNVN về vấn đề giống lúa ở ĐBSCL.

Thưa bà, đến nay Viện lúa ĐBSCL đã sản xuất được bao nhiêu giống lúa chất lượng cao có kí hiệu OM?

Đến nay Viện lúa đã sản xuất ra 106 giống lúa OM đưa vào sản xuất, trong đó các giống lúa chất lượng cao đạt chuẩn xuất khẩu khoảng 20 giống, bao gồm: OM3536, OM2514, OM2517, OMCS2000, OM 1490, OM 4495, OM 4498, OM 4900, OM 6162, OM 6161, OMCS 2009, OM 6600, OM 7347, OM 7348, OM 5954, OM 4488, OM 8928...

Tổng diện tích giống lúa mới được đưa sản xuất tại ĐBSCL là 444.662,90ha. Kết quả này đã và sẽ phát huy tác dụng, hiệu quả trong các chương trình cải tiến nguồn gen và trong thực tế sản xuất lúa xuất khẩu của vùng ĐBSCL, góp phần tham gia cạnh tranh cây lúa trong khu vực và trong vùng. Các giống này không những lan tỏa ở ĐBSCL mà còn phục vụ cho miền Đông Nam bộ như Tây Ninh, Vũng Tàu, TPHCM và cả một số tỉnh Trung bộ và cao nguyên, như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đăk Lăk.

Thời gian để đưa ra một giống mới được áp dụng trên đồng ruộng là bao lâu, các công đoạn khoa học và thủ tục hành chính có phức tạp quá không, thưa bà?

Để tạo ra một giống lúa cần thời gian trung bình là 8 tới 10 năm. Các công đoạn của chọn tạo giống bao gồm: lai tạo (6 tháng), khâu chọn lọc giống, tạo ra giống thuần phải mất rất nhiều thời gian, khoảng 3 năm. Khâu khảo nghiệm từng vùng sinh thái hai vụ cũng mất 1 năm. Bước hai phải đăng ký 3 vụ khảo nghiệm quốc gia mất thời gian một năm rưỡi và hai năm cho khảo nghiệm DUS. Sau khảo nghiệm DUS thì xin công nhận giống. Công nhận giống có hai bước: công nhận giống sản xuất thử và công nhận giống quốc gia hay còn gọi là giống chính thức. Có giống như giống AS996 phải mất 10 năm mới được công nhận.

Chẳng lẽ công nhận giống lại mất nhiều thời gian như thế? Điều này có cản trở việc đưa giống mới vào đồng ruộng?

Tuy nhiên, nếu được kết hợp với các phương pháp hiện đại để thúc đẩy nhanh, hiệu quả tốt hơn, thời gian công nhận giống có thể rút ngắn từ 1-2 năm. Việc khai thác các tính trạng quan trọng đòi hỏi có sự tham gia của các ngành: di truyền số lượng, di truyền tế bào (đa dạng hóa nguồn bất dục đực) và di truyền phân tử (đánh dấu gen mục tiêu của tính trạng) với nhiều phương pháp: phương pháp đột biến, nuôi cấy túi phấn, khai thác biến dị soma bổ sung để có những cải tiến mới trong chọn tạo giống.

Chọn giống cây trồng theo phương pháp truyền thống dựa trên cơ sở chọn lọc kiểu hình trong quần thể con lai đang phân ly của một tổ hợp lai nào đó. Phương pháp này thường gặp phải những khó khăn về tương tác giữa kiểu gen và môi trường (G x E). Hơn nữa, nhiều qui trình chọn lọc theo kiểu hình rất đắt tiền, tốn nhiều thời gian, tiền của và sức lao động...

Chọn giống nhờ marker phân tử được biết với thuật ngữ quốc tế MAS (marker-assisted selection) là một phương pháp có khả năng khắc phục được nhược điểm trên. Nó có tính chất bổ sung, dĩ nhiên không có tính chất thay thế hoàn toàn phương pháp đánh giá kiểu hình trong lai tạo giống truyền thống. Có thể làm thay đổi tiêu chuẩn chọn lọc từ sự kiện chọn theo kiểu hình bằng chọn theo kiểu gen một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Những marker phân tử không bị ảnh hưởng bởi môi trường và nó có khả năng tìm kiếm gen mục tiêu ở bất cứ giai đoạn nào (tăng trưởng hoặc phát triển) của cây trồng.

Với sự phát triển của “array” tập hợp nhiều marker phân tử và sự trợ giúp của bản đồ di truyền, phương pháp MAS có thể áp dụng trong trường hợp đa gen điều khiển tính trạng số lượng (QTL: quantitative trait loci). Phương pháp chọn giống nhờ dấu chuẩn phân tử thành công sẽ hỗ trợ cho qui trình chọn giống tin cậy hơn. Thành công của MAS còn tùy thuộc vào sự định vị của marker tương ứng với gen mục tiêu.

Những đơn vị nào đồng hành với Viện lúa trong công tác lai tạo giống cho người dân?

Viện Lúa ĐBSCL thực hiện công tác lai tạo ra giống lúa chính. Bên cạnh đó, có Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ; ngoài Bắc có Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội…

Xin cám ơn bà!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.