| Hotline: 0983.970.780

Chương trình giao lưu - nghệ thuật “Đêm hội vào mùa”:

Giữ hay bỏ cây cà phê?

Thứ Sáu 17/03/2017 , 06:50 (GMT+7)

Thị trường cà phê Việt Nam vẫn đang còn rất rộng lớn, hơn nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái khác, nên ta không nên bỏ cây cà phê, mà nỗ lực tái canh các vườn cà phê già cỗi và trồng xen canh...

Chương trình giao lưu - nghệ thuật “Đêm hội vào mùa” do Cty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Đài PT-TH Đắk Lắk tổ chức với chủ đề: "Cho Tây Nguyên thêm xanh” đã kết thúc, nhưng dòng người nườm nượp vẫn còn nán lại Quảng trường 10/3 để được chụp hình, giao lưu với các nghệ sỹ, nhất là “ca sỹ nhà” Y Phong (TGĐ Cty Bình Điền).

09-53-46_img_9134
 

Đây là lần thứ 4 Bình Điền tổ chức “Đêm hội vào mùa” trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
 

Hoành tráng và ấn tượng

Đó là nhận xét chung của người dân về chương trình. Một sân khấu rộng hàng trăm m2 với mô hình nhà sàn, nhà rông, núi non hùng vỹ, sông suối trong mát... 3 màn hình LED cỡ lớn và dàn ca sỹ, vũ công mặc sắc phục cao nguyên đông nghìn nghịt, làm choáng ngợp bà con nông dân vốn quanh năm suốt tháng lặn lội giữa heo hút đại ngàn.

30 nông dân trồng cà phê tiêu biểu tại 10 tỉnh trong cả nước, 10 nhà khoa học có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của cây cà phê vinh dự được nhận bằng khen của tỉnh Đắk Lắk. Ông Trần Văn Đồng ở bản Tiên Hưng, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La nói: “Nhà mình trồng 3,5ha cà phê, được ban tổ chức mời về dự lễ hội; được đi máy bay, ngủ trong khách sạn thật sang, được nhận bằng khen và quà, lại được xem các hoạt động tại lễ hội, nhất là chương trình "Nhà nông đua tài" và "Đêm hội vào mùa", thật trong mơ mình cũng không thấy được. Về lại bản, mình sẽ có nhiều chuyện để kể lại cho bà con mình nghe, nhất là động viên bà con sống chết với cây cà phê thôi”.

Anh Y Nhí ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk mới được bố mẹ cho ra ở riêng, hai vợ chồng trồng được 5 sào cà phê (2.500m2), thu hoạch cũng tạm đủ cho sinh hoạt hằng ngày, nhưng về lâu dài, khi có thật nhiều con cháu rồi thì không ổn. “Mình phóng xe gần 70km về đây để học hỏi cách làm cà phê tốt, mình rất ấn tượng với chương trình "Đêm hội vào mùa" bởi mình mở mang ra được nhiều thứ trong đầu, về nhà, mình sẽ chăm sóc tốt hơn chỗ cà hiện có và ráng mở rộng diện tích trồng cà nhiều hơn lên”, anh Y Nhí nói.
 

Giữ hay bỏ cây cà phê?

Giao lưu với khán giả tại đêm hội, nông dân Trần Hữu Đức ở thôn Liên Hóa, huyện Krông Buk, Đắk Lắk cho biết: “Nhà trồng 6ha cà phê, đến nay gần hết đều đã già cỗi, thu hoạch rất kém, chỉ được 3 - 4kg quả/cây (trước đây là từ 6 - 8kg), 10kg không chừng. Tui đang có ý định phá bỏ hết cà phê chuyển sang trồng cây khác cho thu hoạch cao hơn”.

09-53-46_img_9049
 

Nông dân Đào Quý Dương ở Điện Biên trồng 10ha cà phê chia sẻ: “Tôi đã thấm thía với tình trạng biến đổi khí hậu 3 năm nay rồi. Chính nó làm cho thu hoạch cà phê nhà tôi chỉ đạt 2 tấn quả/ha, trong khi trước đây phải từ 6 - 8 tấn, giá cà phê thì thất thường, bấp bênh nên lỗ nặng. Tôi đang rất băn khoăn khi muốn phá bỏ cây cà phê, chuyển sang trồng cây khác”.

Nghe nông dân trình bày, TS Trương Hồng, Q. Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên rất đồng cảm với những khó khăn, vướng mắc của bà con nông dân trồng cà phê, như cây già cỗi, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá cà phê lại không tăng, không ổn định. Nhưng TS Trương Hồng nhấn mạnh, cà phê là cây trồng truyền thống ở Tây Nguyên, Việt Nam. Hạt cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu ra 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đem về cho đất nước 3 tỷ USD mỗi năm.

Thị trường cà phê Việt Nam vẫn đang còn rất rộng lớn, hơn nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái khác, nên ta không nên bỏ cây cà phê, mà nỗ lực tái canh các vườn cà phê già cỗi và trồng xen canh nhiều loại cây khác, như tiêu, sầu riêng, mắc ca... để có thu nhập thường xuyên, lấy ngắn nuôi dài.

Ông Lê Hồng Thạnh, 68 tuổi, ở xã Cư Suê, huyện Cư Mgra, Đắk Lắk về dự lễ hội cũng chỉ mong muốn có được tầm nhìn về tương lai cây cà phê. Với 6ha trồng cà phê của nhà, bỏ hay giữ? “Những gì tiếp thu được tại đây, tôi thấy vỡ ra nhiều điều: Phải giữ cây cà phê”. Sự khẳng định chắc nịch đang hằn trên gương mặt sạm đen, khắc khổ của một lão nông đã gần trọn cuộc đời gắn bó với cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ, với cây cà phê đã làm nên thương hiệu cà phê Buôn Mê thơm ngon nức tiếng, không chỉ trong nước, mà ra khắp thế giới.

Nghe TS Trương Hồng giảng giải, không chỉ ông Đức, ông Dương thấm, mà nhiều nông dân đang có ý định phá bỏ cây cà phê phải suy nghĩ lại.
 

Cùng Tây Nguyên vào mùa

Cty Bình Điền đến với người trồng cà phê Tây Nguyên như một lẽ tất nhiên của một doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn với một vùng đất đầy tiềm năng sản xuất nông nghiệp. Nhưng không đến, rồi đi, mà ở lại. Hàng chục năm qua, Bình Điền đã ăn cái nắng, uống cái gió, hưởng cái hương vị nồng say của vùng đất đẹp như huyền thoại này. Hơn 20 tỷ đồng là số tiền mà Bình Điền đã hỗ trợ bà con nghèo, buôn xã nghèo tại đây, không chỉ cứu đói mà giúp bà con có sức vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tổ chức "Đêm hội vào mùa" là để Bình Điền tri ân bà con nông dân trồng cà phê, các nhà khoa học, quản lý, phân phối sản phẩm đã cùng Bình Điền góp sức cho vùng đất đại ngàn ngày càng phát triển, đi lên.

Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty Bình Điền nói: “Bình Điền mang đến người trồng cà phê Tây Nguyên và cả nước không chỉ các sản phẩm phân bón chất lượng cao, giá bán hợp lý;mà còn cung cấp cho bà con cả một gói giải pháp kỹ thuật sản xuất cà phê tiên tiến nhất, cho từng vùng đất, từng thời kỳ sinh trưởng của cây cà phê, giúp người trồng có được những mùa vụ cà phê thắng lợi”.

Cũng như truyền thống của bà con trồng cà phê giữa đại ngàn, khi mùa mưa đến, là một mùa sản xuất mới của bà con bắt đầu, Bình Điền luôn cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa để cho vạn vật tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nông luôn nở nụ cười như bạt ngàn hoa cà phê giữa đại ngàn... Đó cũng chính là chủ đề, chủ điểm của chương trình giao lưu - nghệ thuật "Đêm hội vào mùa".

09-53-46_img_9172
 

“Tuy về mặt nghệ thuật, "Đêm hội vào mùa" chưa đạt được đến mức đỉnh cao, nhưng nó rất gần gũi, thiết thực, dễ cảm, dễ nhận với bà con nông dân, như nhiều cô bác đã nhận xét”, ông Lê Quốc Phong nói.

Liên khúc “Lửa cao nguyên xanh” nói lên khát vọng ấm no, hạnh phúc, đổ mới; cầu mong mưa thuận gió hòa, được mùa được giá... của người trồng cà phê giữa đại ngàn xa xôi mà xiết bao gần gụi này. Khép lại chương trình đêm hội.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.