| Hotline: 0983.970.780

Giữ nước ngọt trên đảo Vô Thủy

Thứ Năm 02/10/2014 , 10:15 (GMT+7)

Cho đến tận đầu thế kỷ XX, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) vẫn chưa có dân cư sinh sống vì không tìm ra nguồn nước ngọt, vì thế đảo này còn được gọi là đảo Vô Thủy (không có nước). 

Mãi đến năm 1920 mới bắt đầu có người ra định cư ở đây sau khi người ta phát hiện nguồn nước ngọt ở phía nam đảo. Từ đó đến nay, nước ngọt vẫn là “vàng trắng” ở nơi đây.

Khan hiếm nước ngọt

Điều kiện tự nhiên của huyện đảo không thuận lợi cho việc hình thành nước ngọt trên đảo. Nơi đây, nguồn nước ngầm rất nghèo do một đặc điểm địa chất đặc thù: Đất đá ít thấm nước, chứa nước kém. Lượng mưa trên đảo không nhiều, thấp hơn trên đất liền, khoảng hơn 1.000 mm/năm. Trong khi đó, lượng bốc hơi lại nhiều hơn lượng mưa, tới 1.460 mm/năm.

Đảo có diện tích nhỏ (3 km2) và dốc nên nguồn nước mưa thường chảy nhanh ra biển mà không đọng lại nhiều tạo nguồn nước mặt để bổ sung cho nguồn nước ngầm. Đảo cũng không có các ao, hồ, sông suối lớn để chứa nước mặt thường xuyên.

Mặt khác, Bạch Long Vĩ lại bị bao bọc bởi vùng biển có độ mặn cao, sóng triều thường xuyên xâm nhập vào bờ, thúc đẩy quá trình xâm nhập mặn của nước biển đối với nước ngọt.

Chính vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như vậy, cây xanh rất khó sống được trên đảo. Hai loài cây phổ biến nhất của đảo là xương rồng gai và phi lao. Riêng phi lao cũng phải trồng đi trồng lại vài lần mới sống được. Rau xanh là thứ quý hiếm trên đảo vì trồng rau phải rất kỳ công. Ngoài việc cải tạo đất vất vả thì việc chăm tưới rau cũng rất khổ nhọc vì thiếu nước ngọt. Tất cả nước đã dùng qua một lần như vo gạo, rửa rau, tắm giặt… đều được tận dụng để tưới cây.

17-55-32_dsc_0225
Những bể thu nước mưa trên sườn núi

Theo ThS Trịnh Quốc Hải (Viện Địa chất, Viện KH&CN Việt Nam), nước ngọt đối với đảo nhỏ như Bạch Long Vỹ là vấn đề sống còn của đảo. Nếu biết giữ gìn, phát triển thì nước có thể sinh sôi mang lại sự thịnh vượng trù phú cho đảo. Cần coi nước ngọt như một nguồn tài nguyên chiến lược của đảo và phải biết cách quản lý loại tài nguyên đặc biệt này.

Hiện nay nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt và hậu cần nghề cá của huyện đảo chủ yếu là nước mưa và nước giếng đào, giếng khoan. Cả đảo có 44 giếng đào, trong đó nhiều giếng cạn về mùa khô. Những giếng gần biển có nguy cơ bị xâm nhập mặn do các tầng đá ngầm của đảo có khả năng dẫn nước. Cũng vì nước ngọt khan hiếm mà dịch vụ tắm nóng lạnh trên đảo rất đắt hàng.

Nỗ lực giữ nước

Khắp nơi trên đảo, đâu đâu cũng gặp những bể chứa nước mưa lớn để giữ lại nước ngọt sau những cơn mưa. Hiện nay lượng nước mưa trên đảo thu trữ qua các bể chứa nước vào khoảng 2.000 - 3.000 m3. Ngoài ra, người dân và bộ đội trên đảo chủ yếu tận dụng mái nhà để thu nước mưa.

Với nhu cầu sử dụng nước ngọt là 1.000 m3 nước/ngày, huyện đảo xác định có 4 giải pháp để cấp nước ngọt cho đảo. Đó là, vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra đảo, lọc nước biển thành nước ngọt, xây bể chứa và sân thu nước mưa, xây hồ chứa nước ngọt. Trong đó, giải pháp làm hồ chứa nước ngọt và lọc nước biển được đánh giá là chi phí thấp hơn, có tính khả thi hơn.

17-55-32_dsc_0215
Màu xanh trên đảo

Hồ chứa nước ngọt sẽ giúp đảo giữ lại nước ngọt từ mùa mưa sử dụng cho mùa khô. Khảo sát của Viện Địa chất cho thấy điều kiện địa chất trên đảo rất thuận lợi cho xây dựng các hồ chứa nước. Đất đá trên đảo có hệ số thấm nhỏ, dưới nền đá không có các hang hốc ngầm như trong đá vôi nên không phải tốn kém xử lý chống thấm, chống sập đáy hồ. Đất đá trên đảo có tính thấm nhỏ, bất lợi cho chứa nước ngầm nhưng lại thuận lợi giữ nước trong các hồ chứa.

Giữa năm 2014, huyện đảo đã khởi công xây dựng hồ chứa nước ngọt với tổng sức chứa 60.000 m3. Hồ sẽ xây dựng trong 3 năm, cung cấp nước cho sinh hoạt từ nguồn nước mưa và nước ngầm bằng các kênh đào thu nước, dẫn nước về hồ.

Bên cạnh đó, Bạch Long Vỹ cũng đang xây dựng mô hình lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời (công nghệ Carocell) do Tổng đội Thanh niên xung phong chủ trì thực hiện. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ KH&CN được UBND TP Hải Phòng phê duyệt năm 2014.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.