| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng ở vườn chim Bạc Liêu

Thứ Năm 18/04/2013 , 10:16 (GMT+7)

Vườn chim Bạc Liêu nằm trên địa bàn khóm Kinh tế, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, với tổng diện tích tự nhiên hơn 388 ha, trong đó khu xung yếu nghiêm ngặt khoảng 130 ha.

Nắng nóng từ đầu mùa khô đến nay đã làm cho lượng nước ở nhiều nơi có rừng gần như khô kiệt. Nhưng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Vườn chim Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), các kênh mương vẫn đầy ắp.

“Có được kết quả đó nhờ vào sự phấn đấu không biết mệt mỏi của Ban Quản lý Vườn và toàn thể cán bộ, nhân viên suốt mấy năm qua. Nhưng quan trọng nhất là nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp để anh em chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Trung Chánh, GĐ Khu BTTN Vườn chim Bạc Liêu hồ hởi.

Tích nước giữ rừng

Theo lời ông Chánh, Khu BTTN Vườn chim Bạc Liêu nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt khoa học, văn hóa, xã hội và lịch sử, góp phần cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường trong lành cho sự sống của con người. “Bằng mọi giá chúng tôi cũng phải giữ cho được rừng, nhất quyết không để xảy ra nguy cơ thảm họa cháy rừng trên toàn lâm phần”, vị GĐ này khẳng định.

Vườn chim Bạc Liêu nằm trên địa bàn khóm Kinh tế, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, với tổng diện tích tự nhiên hơn 388 ha, trong đó khu xung yếu nghiêm ngặt khoảng 130 ha và vùng đệm quy hoạch mở rộng hơn 258 ha. Hệ thực vật gồm 104 loài thực vật đặc hữu, hỗn giao như chà là, cốc, tra và nhiều loài cây bụi, dây leo chằng chịt. Ngoài ra nơi đây còn quy tụ khoảng 100 loài chim, trong đó có 9 loài chim quý nằm trong sách Đỏ Việt Nam như đui cụt bụng đỏ, cò lao Ấn Độ, cò quặm đầu đen, cổ rắn…

Chia sẻ về kinh nghiệm giữ rừng, ông Chánh nói: “Bản thân tôi nghĩ, để bảo vệ được rừng thì nhất thiết phải trữ được nước trong rừng. Chứ nếu có máy móc chữa cháy hiện đại mà không có nước thì cũng chịu thua”. Từ ngày đầu nhận nhiệm vụ về công tác tại vườn vào tháng 3/2009 ông Chánh luôn chú trọng đến công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ thiết thực cho PCCCR.

Ngoài nguồn kinh phí được cấp trên phê duyệt, BQL Vườn còn tranh thủ nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức, đơn vị nước ngoài để đầu tư phát triển hệ thống kênh mương. Nhờ vậy mà hiện tại vườn vẫn còn được nguồn nước dự trữ khá lớn dù mùa khô đang diễn ra khắc nghiệt.


Những biển báo cấm lửa được người dân nhiệt tình thực hiện

Trong những năm qua, BQL Vườn đã đầu tư nạo vét lại các con kênh bờ bao dẫn nước với chiều dài hơn 4.000 m, ngang 8 m, sâu 1 m. Hiện tại Vườn có 4.600 kinh bờ bao, ngoài ra còn có 54 con kênh lớn nhỏ khác. Để có được nguồn nước quanh năm trong khu vực, BQL đã chỉ đạo cho bộ phận chuyên môn túc trực lấy nước vào hàng ngày khi thủy triều lên.

Vận động là chính

Ngoài việc chuẩn bị tốt các khâu PCCCR, BQL Vườn còn đặc biệt quan tâm vận động quần chúng nhân dân sống quanh khu vực có rừng tham gia bảo vệ rừng. Nói về hiệu quả của việc vận động người dân, ông Chánh chia sẻ: “Dân cư sống quanh vùng đệm của vườn khoảng 200 hộ. Như thông lệ hàng năm chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng, nâng cao ý thức PCCCR… Ban đầu cũng có nhiều hộ không tham gia ký cam kết, nhưng cuối cùng họ cũng phải xiêu lòng trước sự thuyết phục của chúng tôi”.

Ngoài ra, BQL Vườn còn thành lập 4 đội thanh niên (hơn 40 người) tại các địa bàn xung quanh. Lực lượng này được tập huấn nghiệp vụ PCCCR, nhằm hỗ trợ đắc lực cho BQL Vườn dập lửa khi có sự cố xảy ra.

Ông Năm Thơi (Nguyễn Hoàng Thơi), Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Vườn chim Bạc Liêu nhắc lại chuyện cả BQL Vườn đi vận động gia đình ông Năm Khoa, ngụ ấp 17, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình: “Cách đây mấy năm, gia đình Năm Khoa được ghi vào sổ bìa đen vì hành vi tàn phá Vườn. Chúng tôi và BQL Vườn phải nhiều lần vào vận động, thuyết phục, phận tích cái lợi ích chung cho Năm Khoa hiểu rồi ông ấy mới chịu ký vào cam kết không phá rừng nữa”.

Không chỉ riêng gia đình Năm Khoa, mà trước đây có rất nhiều gia đình nghèo sống quanh vùng đệm của Vườn chỉ biết vào rừng khai thác, bắt bớ các loài chim đem bán mua gạo ăn… Điều đáng mừng là hiện tại tình trạng này không còn. Có được thành tích đó là nhờ vào sự kiên trì vận động của BQL Vườn. “Người dân ở đây thấy vui mừng vì giữa lòng thành phố còn giữ lại được một vườn chim đầy vẻ hoang sơ như vậy”, ông Chánh phấn khởi.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.