| Hotline: 0983.970.780

Giữ thương hiệu "su su an toàn Tam Đảo"

Thứ Ba 25/06/2013 , 10:25 (GMT+7)

Sản phẩm su su đang được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng với thương hiệu “su su an toàn Tam Đảo”.

Sản phẩm su su đang được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng với thương hiệu “su su an toàn Tam Đảo”. Mô hình trồng su su hiện đang cho thu nhập cao hơn so với các loại cây rau màu khác từ 3 đến 5 lần, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu cho nông dân...

Có mặt tại chợ bán hàng nông sản Tam Đảo (Vĩnh Phúc), vào buổi sáng sớm những ngày cuối tuần, chúng tôi chứng kiến cảnh chợ sinh hoạt tấp nập, mặt hàng rau su su được bày bán khắp nơi trong chợ. Nhiều khách hàng ghé chợ chỉ để mua sản phẩm rau su su Tam Đảo về làm quà.

Gia đình bà Trần Thị Hường, nhà ở thôn 3 (gần chợ thị trấn Tam Đảo) hiện đang trồng hơn 5 sào su su, cầm mớ rau tươi trên tay, bà Hường vui vẻ tâm sự: “Nhờ thời tiết mát mẻ nên su su càng phát triển nhanh, rau ngon ngọt và mềm. Những ngày thường chúng tôi chủ yếu cắt rau bán buôn đi các tỉnh và đưa về Hà Nội, đến cuối tuần mới đem ra chợ bán lẻ cho du khách mua về làm quà” .

Theo bà Hường, hầu hết các hộ dân ở đây đều trồng su su theo quy trình VietGAP nên sản phẩm rau an toàn được khách hàng rất ưa chuộng.  Mặt hàng rau su su là đặc sản của Tam Đảo nên bán cũng khá chạy. Thường giá bán lẻ su su tại chợ khoảng 10.000 - 12.000 đ/kg, có dịp giá tăng vọt lên tới 15.000 đ/kg nhưng nhiều hộ cắt su su còn không kịp mang ra chợ khách đã đến đặt mua hết.

Chị Nguyễn Thị Vui, cửa hàng rau su su an toàn Tam Đảo khoe: “Chỉ có rau su su trồng tại thị trấn Tam Đảo mới ngon và an toàn. Su su trồng ở dưới đồng bằng tuy giá rẻ hơn chút nhưng vừa không an toàn chất lượng lại không ngon!”.

Nhiều hộ dân ở đây có nguồn thu nhập chính rừ trồng rau su su, mỗi ngày bán được vài ba tạ là bình thường. Thậm chí có người nhiều vốn còn đi thu gom của các hộ dân khác ở quanh thị trấn Tam Đảo để chở đi các tỉnh bán buôn, thu lời bạc triệu mỗi ngày.

Chị Nguyễn Thị Thu Lan, một khách hàng từ Hà Nội lên Tam Đảo cũng tìm mua cả vài chục kg rau su su mang về làm quà. Chị Lan chi sẻ kinh nghiệm: Muốn mua đúng rau su su trồng trên thị trấn Tam Đảo thì ngọn rau thường non, mềm, mượt và xanh mơn mởn, ngọn nhỏ hơn so với rau được trồng dưới chân núi.

Vĩnh Phúc hiện có trên 381,7 ha su su, sản lượng hàng năm đạt trên 4.100 tấn và hơn 1.600 tấn quả su su. Tam Đảo cũng đang dần mở rộng thêm diện tích sản xuất, vì việc trồng su su mang lại lợi ích cao cho người nông dân. Hơn nữa, người dân Tam Đảo cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong canh tác su su, đặc biệt là việc ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, không dùng thuốc BVTV.

Mục tiêu sẽ phát triển “su su an toàn Tam Đảo” thành một thương hiệu mạnh không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra quốc tế, vì hiện tại khách du lịch nước ngoài rất thích thưởng thức món ăn chế biến từ ngọn “su su an toàn Tam Đảo”.  

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Bàng Hội, Chủ tịch Hội Nông dân Tam Đảo cho biết: “Hiện thương hiệu rau su su an toàn Tam Đảo có 141 hộ được đăng kí tham gia sản xuất, với diện tích khoảng 50 ha trên núi thuộc địa bàn thị trấn Tam Đảo được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu su su Tam Đảo. Tại đây, người dân sản xuất theo qui trình rau an toàn từ khâu chọn giống, làm đất, chăm bón...Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc BVTV nào phun lên rau, chỉ sử dụng phân bón vi sinh, sinh học”.

Theo ông Hội, cơ quan chức năng vẫn thường kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán, thực hiện gắn mã vạch trên rau su su. Ngoài ra, các hộ nông dân cũng thực hiện kiểm tra lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Nếu phát hiện hộ nào vi phạm qui trình sản xuất rau an toàn, vi phạm mã số, mã vạch sẽ xử lí, loại khỏi danh sách các hộ mang thương hiệu su su Tam Đảo.

“Theo Phòng NN-PTNT huyện Tam Đảo, hiện đang là mùa thu hoạch chính của cây su su. Loại cây này ban đầu được trồng chủ yếu để thu hoạch quả nhưng do nhu cầu thị trường nên dần dần su su được trồng để lấy rau. Su su Tam Đảo không chỉ cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hà Nội mà còn phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của khách du lịch trong và ngoài nước”.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.