| Hotline: 0983.970.780

Giữa rừng ngập mặn Cần Giờ

Thứ Hai 04/09/2017 , 08:01 (GMT+7)

Chiếc ca nô cao tốc của Hạt kiểm lâm Cần Giờ, TP.HCM, lướt trên mặt sông phẳng như gương, uốn lượn giữa những cánh rừng bạt ngàn của huyện Cần Giờ. Tôi sững sờ trước vẻ đẹp mê hồn của thiên nhiên và không có lời nào khác ngoài câu: “Tuyệt!”.

Cách đây vài chục năm, những người đến Cần Giờ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng được coi là “hy sinh”, là can đảm. Nay thì khác…
 

Gian nan gieo hạt

Căn nhà đầu tiên chúng tôi đến nằm ở phân khu 3, tiểu khu 4B của rừng phòng hộ Cần Giờ. Chủ nhân là bà Đinh Thị Hồng (Ba Hồng), năm nay 67 tuổi. Bà Ba Hồng là 1 trong 10 hộ đầu tiên vào rừng nhận khoán giữ rừng năm 1990. Trước đó, từ những năm 1980, bà đã là một trong những người đầu tiên góp sức trẻ, thời gian để trồng rừng, biến vùng đất trắng thành màu xanh ngắt, mênh mông của những cánh rừng hôm nay.

18-17-44_nh_1
Ngôi nhà khá khang trang của gia đình bà Ba Hồng ở phân khu 3, hạt kiểm lâm Cần Giờ

Trong ngôi nhà xây khá khang trang giữa rừng, bà Ba Hồng nhớ lại những ngày đi trồng rừng: Hồi đó, đi trồng rừng cực khổ vô cùng, mỗi chuyến đi từ 10 ngày đến nửa tháng. Đến mỗi nơi trồng, việc đầu tiên là lo chỗ ở. Vì tất cả đều bị ngập khi nước lên nên mọi người phải móc bùn đắp cao lên thành cái nền, sau đó trải vải nhựa xuống, rồi mới dựng chòi. Hồi đó, đoàn viên, thanh niên tham gia đông lắm. Đêm ngủ chia thành 2 dãy, nam, nữ riêng. Để tụi trẻ có hứng thú làm, tôi chia thành từng tổ, rồi thi đua, tổ nào làm nhanh, làm tốt sẽ có thưởng, sau giờ làm việc lại tổ chức văn nghệ, thi hát hò… Tụi trẻ làm không biết mệt. Sau mỗi chuyến đi rừng như thế, lại có vài đôi nên vợ chồng.

Nói về những ngày đầu làm “người rừng”, bà Hồng kể: “Hồi mới vào đây, cực khổ không bút nào tả xiết, điện không, nước ngọt không, đường mòn để đi cũng không nốt. Đêm phải đốt đèn dầu, muỗi nhiều như vãi trấu, nước ngọt thì phải chèo ghe đi mấy tiếng mới đến xã để mua. Hôm nào gặp gió ngược, đi nửa ngày không đến nơi, gió hơi mạnh mạnh chút là run, lỡ lật ghe, không sợ chết đuối mà mọi thứ trên ghe coi như “cúng” cho hà bá”.

Nói về những khó khăn hồi mới vào rừng, nhất là chuyện “đối phó” với những người phá rừng, bà Ba Hồng kể: “Hồi đó tình trạng phá rừng ở Cần Giờ cũng nghiêm trọng lắm chứ không phải như bây giờ đâu. Người ta chủ yếu săn bắt, chặt cây về bán cho lò than. Và hầu hết họ đều nghèo. Biết vậy nên khi bắt được họ phá, mình không làm căng mà nói chuyện tình cảm. phân tích cho họ hiểu, đây là chén cơm của gia đình, nếu anh chị phá rừng là chúng tôi nhịn. Rồi bảo rừng này là công sức của hàng ngàn người từ mấy chục năm nay, phá là mang tội lớn. Sau khi cho họ đi, còn cho gạo, nước mang theo”, bà Ba Hồng kể.

Cách nhà bà Ba Hồng vài cây số đường sông là nhà bà Nguyễn Kim Hoàng (Tư Hoàng), một phụ nữ có hoàn cảnh giống bà Ba Hồng, đó là năm 1990, bà một mình dắt đàn con 5 đứa lít nhít vào rừng cho đến nay. Nhìn dáng cao gầy, nước da hồng hào, săn chắc, ít ai nghĩ năm nay bà Tư Hoàng đã 68 tuổi. “Tôi hợp đồng giữ gần 250ha rừng, nhưng giao lại cho tụi nhỏ làm từ mấy năm nay rồi. Tôi còn khỏe, vẫn muốn làm, nhưng mấy ảnh nói tôi già rồi, làm chi cho cực”, bà Tư cười bảo.

18-17-44_nh_2
Bà Tư Hoàng và căn nhà gỗ dựng từ ngày đầu mới vào rừng, nay đã có nhà xây khang trang, nhưng bà không nỡ phá

“Cô có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất thời mới vào rừng?”, tôi hỏi. Bà Tư Hoàng trầm ngâm giây lát rồi nói: “Những cái đáng nhớ thì kể vài ngày chưa hết. Có lần, một người phụ nữ cùng mấy đứa nhỏ lên chặt cây, tụi tôi bắt được, lúc đầu tính bắt đưa về kiểm lâm, nhưng đứa nhỏ van xin, nói tụi con đói lắm. Xuống dưới xuồng kiểm tra thì thấy 4 - 5 đứa trẻ lít nhít mà gạo thì hết. Tôi nhìn mà ứa nước mắt. Lên kêu thằng con trai chia nửa khạp gạo, nửa lu nước cho họ. Hỏi ra mới biết, cha tụi nhỏ chết rồi, nhà không có, mấy mẹ con họ chỉ có chiếc xuồng làm nhà, cứ lênh đênh nay đây mai đó như vậy”.
 

Đất mặn cho trái ngọt

Hiện nay, những người gây dựng, chăm sóc và bảo vệ rừng Cần Giờ đa số đã “nghỉ hưu”, chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Và đây là thế hệ đầu tiên được “hưởng lợi” từ cha anh mình. Anh Nguyễn Thành Trung, con trai thứ tư của 4 bà Tư Hoàng, người tiếp quản hợp đồng của mẹ, cho biết, mỗi năm, thu nhập từ lương giữ rừng cũng ngót 300 triệu chưa trừ chi phí, thuế. Ngoài ra, anh còn có 2 ao nuôi các loại cá, cuộc sống khá tốt.

Nói về quyết định dắt đàn con vào rừng sống năm 1990, bà Hồng cho biết: “Tôi đi bởi vì những cánh rừng này do chính tôi gieo hạt. Nhiều năm sống, ăn ngủ trong rừng, tôi quen rồi. Lúc đó tôi lo nhất là vào đó các con sống ra sao. Nhưng mấy đứa nhỏ động viên, bảo nếu mẹ muốn đi thì tụi con ủng hộ”, bà Hồng nói.

Gia đình bà Hồng hiện đang nhận chăm sóc 191ha rừng, mỗi năm được Nhà nước chi trả lương giữ rừng hơn 200 triệu. Ngoài ra, anh Trần Minh Tùng, con trai bà Hồng còn nuôi thêm ốc len, mỗi năm cũng thu được hơn trăm triệu. “So với ngày xưa mới vào, thế là tốt lắm rồi chú ạ”, anh Tùng nói. Anh Tùng cho biết, anh lấy được vợ hiền là chị Nguyễn Thị Lắng, cũng từ những ngày đi trồng rừng. Nay anh chị đã có 3 đứa con khôi ngô, trong đó 2 con lớn đã học xong cao đẳng trên thành phố, cậu út học cấp 1 ở xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ. Hiện anh Tùng đã nhận thay mẹ hợp đồng chăm sóc, bảo vệ rừng.

18-17-44_nh_4
18-17-44_nh_5
Anh Trần Minh Tùng, con trai bà Ba Hồng và anh Nguyễn Thành Trung, con trai bà Tư Hoàng, những người bắt đầu hưởng lợi từ rừng do thế hệ trước gầy dựng

Rời nhà bà Tư Hoàng, chúng tôi tiếp tục đến một căn nhà khá khang trang ở phân khu IV của ông Nguyễn Văn Sơn, 66 tuổi, vào nhận khoán giữ rừng từ năm 1986. Ông Sơn kể, ngót 30 năm chăm sóc, bảo vệ rừng, gia đình ông đã vượt qua biết bao khó khăn, vất vả, có những lúc tưởng không chịu nổi, định bỏ rừng. Nhưng rồi ông nghĩ, mình là một người lính, chẳng lẽ lại chịu thua? “Những năm đầu mới nhận khoán, gia đình tôi không dám nghĩ tới tiền công bởi bị phá dữ lắm! Khó khăn chồng chất, nghèo đói quanh năm, lại phải nuôi các con đang tuổi học hành”, ông Sơn kể.

Những năm sau này, nhà nước có chế độ tốt hơn cho những người giữ rừng, gia đình ông Sơn nhờ vậy mà khá dần lên. Ngoài nhận khoán gần 100ha rừng, ông còn đào ao thả cá, trồng cây kiểng kiếm thêm thu nhập. Hiện hợp đồng nhận khoán ông cũng đã chuyển cho con trai. “Thời chúng tôi vất vả lắm, bây giờ ngồi nhớ lại còn nổi gai ốc. Nhưng nhờ thế mà con cháu mình hôm nay mới có cái để hưởng. Đây chính là tài sản vô giá mà chúng tôi dành cho thế hệ sau”, ông Sơn nói.

18-17-44_nh_7
Khu bảo tồn chim ở rừng Cần Giờ nhìn từ trên tháp canh rừng cao gần 30m
18-17-44_nh_8
Sông nước Cần Giờ
“Duyên Hải (nay là Cần Giờ) xưa từng là rừng ngập mặn mênh mông, thực vật phong phú, động vật đa dạng như cá sấu, rái cá, chim, cò, heo rừng... nhưng chiến tranh đã biến rừng Duyên Hải thành hoang mạc vì “hứng” hơn 665.000 gallons chất độc màu cam (1 gallons tương đương 3,785 lít), hơn 3.400 gallons chất độc màu trắng và 49.200 gallons chất độc màu xanh (Ross 1975). Cộng với nạn phá rừng bừa bãi nên sau năm 1975, hệ sinh thái rừng ngập mặn nguyên thủy ở Cần Giờ gần như không còn. 100% rừng Cần Giờ hôm nay là “mới toanh”, được tạo ra từ hàng triệu ngày công của hàng chục ngàn lượt lao động”, anh Phùng Gia Hưng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cần Giờ.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất