| Hotline: 0983.970.780

Giúp người dân tự thoát nghèo

Thứ Hai 07/04/2014 , 10:28 (GMT+7)

Vừa qua, tại TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã diễn ra hội thảo về công tác phát triển Nhóm đồng sở thích (CIG) tỉnh Cao Bằng.

Hội thảo nằm trong chuỗi dự án VIE/029 - hỗ trợ kỹ thuật về phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng do Cơ quan Phát triển Luxemburg (Lux-Development) và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ.

Nâng cao năng lực cho các hộ dân

Nâng cao năng lực là một trong những nhiệm vụ chính của các dự án do Luxemburg tài trợ. Đó được coi là một trong những trụ cột trong việc đạt được các kết quả của dự án một cách bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, ông Peter Heeres, Cố vấn trưởng của dự án VIE029 (Lux-Development), cho biết, trước đây có rất nhiều dự án nước ngoài cũng như trong nước chỉ tập trung vào cung cấp cơ sở hạ tầng, dẫn đến tình trạng khi đơn vị tài trợ rút đi là kéo theo dự án thất bại.

"Mục tiêu tài trợ của Lux-Development và IFAD là tăng năng lực cho người nghèo và tổ chức của nông dân thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, đẩy mạnh tiếp cận thị trường và cải thiện việc cung cấp các dịch vụ cho người nghèo ở nông thôn”, ông Peter cho biết.

Theo ông Phương Tiến Tân, GĐ Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Cao Bằng (DBRP), vấn đề nâng cao năng lực thông qua việc phát triển thị trường đang là một giải pháp mang tính bền vững để góp phần giảm thiểu đói nghèo tại tỉnh Cao Bằng.

Dựa trên cơ sở này, dự án DBRP tập trung vào các dịch vụ phát triển chuỗi giá trị, tài chính nông thôn, quy hoạch môi trường và đặc biệt đẩy mạnh tiếp cận thị trường cho người nghèo như tăng cường các CIG, đầu tư cho các HTX.

Từ mục tiêu đó, dự án đã đạt một số kết quả đáng kể. Chị Nông Thị Phượng, GĐ HTX Chăn nuôi lợn Bản Láp 2 (Cao Bằng), cho biết, được dự án tư vấn thành lập nhóm sở thích nuôi lợn 2010 - 2013, các thành viên đã xây dựng và phát triển với sản phẩm bao gồm: lợn giống, lợn thịt. Sản phẩm bán chủ yếu là lợn thịt, lợn con giống để các hộ chăn nuôi thành lợn thịt, khi thừa sẽ bán cho các hộ trong xã.

“Mỗi tháng HTX sẽ tổng hợp số lượng lợn cần bán tại mỗi hộ, lên kế hoạch bán sản phẩm chung. Sắp tới nhóm còn có kế hoạch xây dựng khu chăn nuôi tập trung”, chị Phượng cho biết.

Để nâng cao kỹ thuật, dự án phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực để nông dân tiếp cận các công nghệ mới trong chăn nuôi, trồng trọt; phát triển khả năng tự quản SX, từ đó khi áp dụng triển khai vào thực tiễn mới hiệu quả.

Cùng giúp nhau SX

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có trên 3.000 tổ hợp tác, 370 HTX, với 5.000 xã viên, người lao động hoạt động trên nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức hoạt động
đa dạng.

Các HTX thành lập chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; cơ bản duy trì ổn định SX, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, đóng góp hiệu quả đáng kể vào Chương trình xây dựng NTM ở địa phương.

Năm 2013, tổng doanh thu các HTX đạt khoảng 57 tỷ đồng, tăng 20% so với 2012, thu nhập bình quân ước đạt 30 triệu đồng/lao động/năm.

Cùng giúp nhau trong trồng trọt, chăn nuôi, đề xuất ý tưởng, xây dựng kế hoạch xây dựng bản làng hướng tới lợi ích chung của cộng đồng là những việc đang được thực hiện bởi các nhóm CIG trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Ý tưởng này đem lại những lợi ích tiềm năng đáng kể.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), cho biết, CIG làm được những khâu, những việc mà từng hộ không làm được hoặc làm không có hiệu quả như ký kết các hợp đồng SX, gia công, cung ứng vật tư, nguyên liệu, ứng vốn, hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế mẫu mã, hoàn thiện và tiêu thụ sản phẩm; còn lại toàn bộ quá trình SX được tiến hành tại gia đình xã viên, tạo việc làm cho người lao động các lứa tuổi; lao động nông thôn..., đem lại thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng NTM trên địa bàn.

Tuy nhiên, để cho CIG phát triển lành mạnh, nhiều ý kiến đề xuất cần có một môi trường chính sách thuận lợi. Ban quản lý dự án tỉnh Cao Bằng cũng nên kiến nghị UBND tỉnh đưa ra những chính sách hỗ trợ cho các nhóm này, đồng thời có những chính sách để khu vực tư nhân cung cấp đầu vào cũng như tiêu thụ nông sản của CIG trên cơ sở hợp đồng.

Việc hình thành và duy trì hoạt động của CIG giúp các hộ dân trong nhóm có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính dễ dàng hơn, cải thiện năng suất nông nghiệp, cải thiện giá thành đầu vào để giảm chi phí hoặc cùng nhau bán sản phẩm đầu ra để không bị ép giá...

“Kết quả đáng ghi nhận là tỷ lệ hộ nghèo của Cao Bằng đã giảm được 2,6% so với 2012 và cơ hội tham gia nhóm CIG của phụ nữ tăng 1,6%”, ông Phạm Văn Vinh, chuyên gia dự án VIE029 cho biết.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất