| Hotline: 0983.970.780

Giúp nông dân Khmer thoát nghèo

Thứ Sáu 04/04/2014 , 13:33 (GMT+7)

Có 2 mô hình đầu tư nông nghiệp đáng chú ý ở ĐBSCL thời gian qua thông qua việc bắt tay giữa các đối tác nước ngoài với DN nông nghiệp trong nước.

Đó là mô hình hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam với Cty CP BVTV An Giang phát triển cánh đồng mẫu lớn và mới đây Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) của Anh đã thỏa thuận tài trợ vốn cho Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) giúp nông dân thu nhập thấp SX hạt bắp giống.

Đầu năm 2014, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã kí kết thỏa thuận tài trợ thương mại 70 triệu USD dành cho Cty CP BVTV An Giang (AGPPS). Khoản vay này sẽ giúp AGPPS đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tại khu vực ĐBSCL - một mô hình đã được Cty triển khai cực kỳ thành công.

Việc một ngân hàng tầm cỡ quốc tế đặt niềm tin vào AGPPS, rót cho Cty 70 triệu USD cho thấy các đối tác nước ngoài đã nhìn thấy những cơ hội kinh doanh lớn trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Tiếp theo AGPPS, một tin vui nữa là Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) của Anh vừa qua cũng quyết định đặt bút ký, tài trợ cả chục tỷ đồng cho Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) hợp tác với nông dân vùng Khmer nghèo tại tỉnh Trà Vinh SX hạt bắp giống, từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Được biết hàng năm, SSC cung cấp ra thị trường khoảng 3.600 tấn hạt giống bắp có chất lượng do chính Cty lai tạo và sản xuất, chiếm 52% tổng doanh thu toàn Cty. Ngoài ra, SSC còn cung ứng các loại giống lúa thuần, lúa lai, hạt giống đậu, rau các loại.

Tỉnh Trà Vinh là một trong những địa bàn sản xuất hạt giống bắp lai quan trọng của SSC trong các năm qua với quy mô diện tích ngày càng tăng. Các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải là nơi tập trung diện tích sản xuất bắp giống hàng năm của SSC ở cả 2 vụ ĐX và HT.

Địa bàn sản xuất đa số là đất cát giồng, nguồn nước chủ yếu từ kênh thủy lợi và giếng khoan, vào mùa khô không đủ để canh tác lúa; lại bị nhiễm phèn, mặn cuối mùa khô nên nhiều nơi đất bị nông dân bỏ hoang. Số liệu điều tra 2012 tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú cho thấy có lần lượt 30,32% đến 36,04% dân số thuộc diện nghèo và cận nghèo. Rất đông thanh niên phải rời quê hương, tìm việc làm ở các thành phố lớn.

Người dân trong vùng nguyên liệu gồm đa số là đồng bào Khmer (chiếm 36 đến 62,8% dân số tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, các xã trong vùng dự án chiếm đến 70,8%), có tập quán ngụ cư trên vùng đất cát giồng, chủ yếu canh tác lúa 2 vụ, thu nhập thấp, chưa tiếp cận được giống mới, cơ cấu cây trồng, KHCN mới chậm thay đổi.

Một số cây trồng khác như đậu phộng, dưa hấu, bắp có thu nhập cao hơn lúa nhưng đầu tư chi phí cao, đầu ra phụ thuộc lớn vào thương lái, giá cả không ổn định, thanh toán chậm nên đại bộ phận nông dân không đủ điều kiện tham gia hoặc không mặn mà tham gia.

Dựa trên khả năng của SSC, định hướng phát triển sản xuất hạt giống bắp lai ở Trà Vinh, tiềm năng về đất đai, khí hậu thời tiết và lao động của Trà Vinh, vừa qua Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) đã thỏa thuận tài trợ cho SSC triển khai dự án Kinh doanh cùng người thu nhập thấp: Chuyển đổi cơ cấu bắp giống - lúa giúp nông dân Khmer tỉnh Trà Vinh thoát nghèo, với tổng kinh phí toàn dự án là 42,386 tỷ đồng trong đó VBCF tài trợ 9,099 tỷ đồng.

Kinh doanh cùng người thu nhập thấp

Nông dân hợp tác sản xuất hạt giống bắp F1 sẽ dần chuyển đổi tập quán canh tác lúa – lúa sang bắp giống – lúa, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên hiện có và chủ trương của nhà nước duy trì khoảng 100.000 ha bắp ở ĐBSCL cho đến 2020. Kết quả sản xuất thử hạt giống bắp của SSC tại đây cho thấy so với canh tác lúa, trong vụ ĐX, bắp giống cho thu nhập tăng 57,69%, lợi nhuận tăng 2,9 lần tương ứng 12,885 triệu đồng/ha.

Dự án tạo thêm việc làm cho người lao động nhờ các khâu công việc phát sinh thêm (khử lẫn, rút cờ, thu hoạch) trong quá trình sản xuất bắp giống F1, qua hoạt động sấy, chế biến của nhà máy, các máy sấy vệ tinh của SSC tại các địa phương, qua các khâu vận chuyển, phân phối bắp giống thông qua hệ thống đại lý của SSC.

Nông dân sử dụng cuối cùng sẽ dễ dàng tiếp cận được hạt bắp giống F1 của dự án có chất lượng cao, giá thành rẻ thông qua hệ thống phân phối rộng khắp cả nước mà SSC đã xây dựng hơn 35 năm qua.

Điểm nổi bật của dự án là: (i) tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân sản xuất hạt giống bắp F1, nông dân trồng bắp nông sản, trong đó đa số là người thu nhập thấp, (ii) nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân Khmer qua việc tăng thu nhập và trình độ canh tác, và (iii) xây dựng mô hình máy sấy vệ tinh do nhóm nông dân/hợp tác xã quản lý.

Các mục tiêu của dự án

Các mục tiêu cụ thể của dự án trong 2 năm 2014-2015 như sau:

- Đảm bảo vùng nguyên liệu hạt giống bắp F1 ổn định có quy mô 1.100 ha được kiểm soát chất lượng, cung cấp thêm ra thị trường 2.750 tấn hạt bắp giống F1 có chất lượng tốt, giá rẻ hơn giống nhập khẩu.

- Đưa tiến bộ KHKT trong canh tác tới người nông dân. Nâng cao thu nhập lên 2,9 lần cho 2.200 hộ nông dân trong vụ ĐX, trong đó có hơn 1.500 hộ Khmer, từ 6,690 triệu đồng lên đến 19,575 triệu đồng/ha/vụ.

- Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và tập quán canh tác từ lúa – lúa sang bắp giống – lúa theo chiến lược quốc gia tại vùng ĐBSCL.

- Xây dựng nhà máy sấy, chế biến, đóng gói tại Trà Vinh với công suất ban đầu 2.000 tấn hạt giống/năm và 2 máy sấy vệ tinh tại HTX/nhóm nông dân.

Tác động xã hội của dự án

SSC tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các tỉnh ĐBSCL, tạo ra những vùng chuyên canh hạt bắp giống F1, gia tăng sản lượng hạt bắp giống được cung cấp trên thị trường để thay thế dần hạt giống bắp nhập khẩu, đồng thời cải thiện thu nhập cho những nông dân gắn bó với SSC.

- Cộng đồng: Các hộ nông dân hợp tác với SSC sẽ được bao tiêu sản phẩm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập; người lao động quanh vùng nguyên liệu và nhà máy sẽ có thêm công ăn việc làm; người nông dân sử dụng cuối cùng sẽ dễ dàng tiếp cận được hạt giống bắp F1 của dự án có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn 50% so với giống nhập khẩu và tăng thu nhập thông qua hệ thống phân phối rộng khắp cả nước của SSC.

- Môi trường và hiệu quả: Cây bắp là cây trồng cạn, sử dụng năng lượng mặt trời tốt hơn, sử dụng nước ít hơn cây lúa, tiết kiệm được rất nhiều nước trong vùng dự án. Luân canh cây bắp và cây lúa giúp cải tạo cơ cấu đất, nâng cao năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất. Nếu mô hình 2 vụ lúa (ĐX-HT) đạt 52 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 13,380 triệu đồng/ha/năm, thì với mô hình bắp giống (ĐX) - lúa (HT) đạt tới 67 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận 26,265 triệu đồng/ha/năm.

Sự tham gia của người thu nhập thấp 

*Ở các khâu trong chuỗi cung ứng:

- 2.200 lượt hộ nông dân, trong đó khoảng 1.558 hộ là đồng bào dân tộc Khmer (chiếm 70,08%), nữ làm chủ hộ là 545 người (35%) sẽ được hướng dẫn phương pháp canh tác bắp giống và tham gia hợp tác sản xuất hạt giống lai F1 với SSC. Sẽ thay đổi dần tập quán canh tác lúa – lúa qua canh tác bắp giống – lúa, từ đó nâng cao thu nhập khoảng 2,9 lần.

- Khi triển khai canh tác 1.100 ha bắp giống, sẽ cần đến 49.500 lượt công (45 công/ha) trong quá trình rút cờ, khử lẫn, thu hoạch…, từ đó tạo thêm việc làm cho nông dân trong vùng sản xuất.

- Lao động khác làm việc trong nhà máy của dự án là 100 người, chưa kể lao động tham gia tại 2 máy sấy vệ tinh của SSC đặt tại vùng dự án.

 *Ở các khâu trong chuỗi tiêu thụ:

- Để tiêu thụ hạt giống, SSC sẽ tổ chức 200 điểm trình diễn, hội thảo, tương ứng với 400 hộ nông dân tham gia trực tiếp trong việc cùng SSC tổ chức trình diễn, hội thảo, với thu nhập tăng thêm 720 triệu đồng.

- Dự kiến có 275.000 hộ nông dân canh tác bắp thương phẩm sẽ được tiếp cận và hưởng lợi từ hạt giống bắp lai F1 của dự án có chất lượng tốt, giá cả phù hợp và chỉ bằng 40,74% so với giá hạt giống nhập khẩu, sẽ tiết kiệm cho nông dân canh tác bắp thương phẩm 140 tỷ đồng so với việc dùng giống bắp nhập khẩu.

- Ngoài ra còn có các hộ nông dân khác tham gia trong quá trình phân phối sản phẩm từ đại lý cấp 1 đến tay người nông dân trồng bắp thương phẩm.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.