| Hotline: 0983.970.780

Gỡ "nút thắt", hút đầu tư

Thứ Ba 07/12/2010 , 14:15 (GMT+7)

Ngày 6/12, Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã diễn ra tại Quảng Bình do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì. Đây là cơ hội để các địa phương và nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

* Diễn đàn xúc tiến đầu tư NN-NT các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ

Lễ ký kết DA đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trồng hoa, củ quả giữa Cty CP lâm nghiệp T5 với Cty Green 2000 (Israel)

Hôm qua (6/12), Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã diễn ra tại Quảng Bình do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì. Đây là cơ hội để các địa phương và nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Mở đầu hội nghị, TS Trang Hiếu Dũng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho biết tình hình đầu tư nước ngoài vào vùng Bắc Trung bộ (bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế) từ năm 1988 đến 2009 có 190 dự án với tổng số vốn đăng ký 17.593 triệu USD (chiếm 9% so với cả nước), tập trung chủ yếu các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Thừa Thiên- Huế. Các DA đầu tư đa số có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không lớn.

Nguyên nhân chính là do các DN thấy đầu tư vào nông nghiệp có độ rủi ro cao (nhất là trong vùng duyên hải Bắc Trung bộ là một trong những vùng có khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên); cơ sở hạ tầng chưa được đáp ứng; xa các trung tâm kinh tế và tính năng động chưa cao thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh trong vùng còn thấp.

Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh trong vùng cũng tạo nên điểm nhấn khá mạnh như lợi thế giao thông thuận lợi; tài nguyên đa dạng, lao động có trình độ và rẻ. “Hơn nữa, các tỉnh Bắc Trung bộ đang quản lý trên 3.400 ha đất, sở hữu nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và có khoảng 670 km bờ biển, cơ hội để phát triển kinh tế tổng hợp rừng, biển và du lịch. Đó cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư”- ông Trang Hiếu Dũng nhấn mạnh

 Về chính sách hỗ trợ đầu tư, các tỉnh trong khu vực đã áp dụng những chính sách “trải thảm đỏ” để mời chào. Chẳng hạn như hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 10-50%, hỗ trợ san lấp mặt bằng từ 1-2 tỷ đồng ở Nghệ An; miễn thuế từ 1-4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp cho 2-9 năm tiếp theo ở Hà Tĩnh; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ngoài hàng rào từ 1-6 tỷ đồng ở Quảng Trị và nhiều chính sách hỗ trợ khác của tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế.

Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn CSVN được Bộ trưởng Cao Đức Phát “chỉ định” tham gia diễn đàn đầu tiên ở “khối" các nhà đầu tư. Với lợi thế phát triển chiến lược cây cao su ở các địa phương, ông Thuận kiến nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ xem xét thay đổi, điều chỉnh kế hoạch phát triển diện tích cao su đến năm 2015 là 500 ngàn ha lên 1 triệu ha cho hợp lý vì cây cao su là cây đa mục tiêu. Đối với các tỉnh trong khu vực định hướng phát triển 100 ngàn ha cao su là thực hiện được vì cũng đã trồng và thành công ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Ông Thuận cũng mạnh dạn đề xuất Bộ NN-PTNT giao cho Tập đoàn CSVN chủ trì trong việc phát triển cao su trong vùng.

Đại diện Quỹ Đầu tư công nghệ cao, ông Phan Hồng Quân thì băn khoăn khi trao đổi: “Khó khăn ở chỗ không có sự cam kết, bảo đảm nào của chính quyền với nhà đầu tư. Nói chính sách ưu đãi, thu hút, nhưng khi đi vào thực tế chỉ cần giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai là mất hàng năm trời chưa xong. Chính vì vậy mà nhà đầu tư phải ngập ngừng khi chưa biết được lợi ích giành cho mình và lo lắng liệu dự án có khả thi? Mặt khác, các địa phương tham luận chỉ nêu thế mạnh của mình chứ chưa nhìn thấy rõ định hướng thị trường. Phát triển nông nghiệp dựa vào lợi thế cạnh tranh đó là nhu cầu thị trường, nhu cầu đầu tư đang cần gì, sắp tới cần gì. Chưa nêu được cái đó thì nhà đầu tư như chưa nhìn thấy bức tranh nên đầu tư cũng không thoải mái lắm…”.

Riêng đại diện cho Cty Green World (Hàn Quốc) thì chia sẻ thông tin: có nhiều sản phẩm nông nghiệp Hàn Quốc phải nhập khẩu từ Trung Quốc và giá đã tăng lên. Hiện nhiều DN và người dân Hàn Quốc đang hướng tới các nước khác trong đó có Việt Nam. Do đó, làm sao phải có thông tin và kết nối được với các nhà nhập khẩu Hàn Quốc để đưa sản phẩm nông nghiệp vào hoặc liên doanh, liên kết để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (1988) đến giữa năm 2010, lĩnh vực NN - PTNT đã thu hút được các nhà đầu tư đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ với 945 dự án, tổng vốn đăng ký ban đầu lên khoảng 4,8 tỷ USD. Các dự án đã đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, chế biến nông lâm thủy sản và các dịch vụ sản xuất nông nghiệp.

Đại diện ngành NN-PTNT các tỉnh đã đưa ra giới thiệu 46 DA kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực NN-PTNT. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết các DA đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như trồng hoa, củ, quả giữa Cty CP Lâm nghiệp T5 (Nghệ An) với Cty Green 2000 (Israel) có trị giá 31,9 triệu USD; DA liên doanh trồng ớt và ngô xuất khẩu giữa Cty Green World (Hàn Quốc) với Cty TNHH Nhất Linh (Quảng Bình) có quy mô 2.500; chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư DA trồng 402 ha cao su tại các xã vùng biên giới của UBND tỉnh Quảng Bình cho Binh đoàn 15.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn CSVN đã trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh Bắc Trung bộ bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam ngay từ thời gian đầu “mở cửa” và đã thành công trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đối tác đang chiếm tỷ lệ vốn đầu tư lớn là Đài Loan (chiếm 26% tổng số vốn đăng ký đầu tư vào nông nghiệp), Nhật Bản (chiếm 18%), Hàn Quốc (chiếm 13%)...

Các tỉnh Bắc Trung bộ tuy có những khó khăn nhất định về thời tiết, khí hậu nhưng có nhiều lợi thế về nhân lực, điều kiện giao thông, khả năng về đất đai, rừng, biển rất lớn, do vậy có nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Vì vậy, Diễn đàn là cơ hội tốt để các nhà đầu tư có dịp đối thoại trực tiếp với các nhà quản lý, hoạch định chính sách từ các cơ quan Trung ương và địa phương trong vùng về những vấn đề còn vướng mắc, những khó khăn trong hoạt động đầu tư và những kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam hoặc với các địa phương để cùng xây dựng một môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn.

 Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng bày tỏ hy vọng, từ Diễn đàn này, các nhà đầu tư sẽ tìm được cơ hội cho mình và có được các dự án đầu tư hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn trong vùng và của cả nước.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất