| Hotline: 0983.970.780

Gỗ rừng trồng “thoát hiểm”

Thứ Hai 13/08/2012 , 11:13 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, cần thiết phải sửa đổi một số quy định trong Thông tư 01 đang gây ách tắc lưu thông cho gỗ rừng trồng.

Trước bức xúc của người trồng rừng và DN chế biến gỗ rừng trồng (GRT) về thủ tục hành chính áp dụng cho khai thác, SX, tiêu thụ, NK..., Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, cần thiết phải sửa đổi một số quy định trong Thông tư 01 đang gây ách tắc lưu thông cho GRT.

"Vô lý thì phải bỏ"

Tại hội nghị về tham vấn định nghĩa gỗ hợp pháp vừa tổ chức ở Bình Định mới đây, ông Hà Công Tuấn khẳng định: Về việc lập bảng kê lâm sản khi thực hiện khai thác, vận chuyển đối với GRT, các chủ rừng có trách nhiệm lập bảng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp gỗ của mình.

Thứ trưởng phân tích, hiện nay, việc vận chuyển gỗ từ rừng về NM có 4 hình thức. Một, DN chế biến đồng thời có rừng trồng, khi khai thác, vận chuyển về NM, đương nhiên phải lập bảng kê. Hai, DN mua gỗ của chủ rừng khác, kể cả của hộ gia đình theo phương thức mua cây đứng, khai thác rồi vận chuyển về NM, bên mua gỗ cũng phải lập bảng kê.

Ba, những người buôn bán trung gian, hoặc trường hợp NM mua gom gỗ của nhiều hộ dân sau khi khai thác, người mua cũng phải lập bảng kê và ghi rõ từng lô gỗ mua của những hộ nào. Bốn, nhiều DN mua gỗ tại cổng NM, chủ rừng (chủ yếu hộ trồng rừng cá nhân) vận chuyển về bán cho NM, trường hợp này chủ rừng hoặc người vận chuyển phải lập bảng kê.

"Việc lập bảng kê là đương nhiên. Nhưng sắp tới đây sẽ bỏ hẳn công đoạn xác nhận của kiểm lâm và chính quyền địa phương khi khai thác và vận chuyển GRT. Qua khảo sát, chúng tôi biết kiểm lâm và chính quyền địa phương không có đủ thời gian và con người để thực hiện việc xác nhận từng xe gỗ. Chúng tôi cũng biết, hiện nay, việc xác nhận được thực hiện mỗi tháng 1 lần, 1 kiểu hợp thức hóa rất vô lý nên sẽ hủy bỏ quy định này”, ông Tuấn nói.

Cũng theo Thứ trưởng, 1 quy định nữa của Thông tư 01 về đầu ra của GRT cũng sẽ được sửa đổi. Đó là quy định từng xe gỗ phải có hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn XK. Sắp tới, quy định này sẽ được sửa, 1 lô hàng xuất (bao nhiêu xe cũng được) chỉ cần 1 hóa đơn. Nhưng từng xe, các DN phải có 1 hóa đơn kiêm vận chuyển nội bộ, và DN phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nó. Để xuất 1 chuyến tàu dăm gỗ, nếu như phải làm thủ tục phiếu xuất từng xe một thì chắc phải đến 1.000 cái. Bây giờ chỉ còn 1, sẽ giảm bớt cho các DN rất nhiều vướng mắc.

Thêm 1 quy định nữa sẽ được sửa là, trong năm nay, đối với GRT sẽ không còn yêu cầu khắt khe gỗ có đường kính từ 10 cm trở lên phải được đo đếm, lập bảng kê từng lóng một. Cho phép cả 1 lô gỗ có 1 phiếu xuất và cân đo từng phương tiện theo phương thức 1 khối gỗ bằng 1 tấn quy đổi, hoặc 1 ster bằng 0,7 khối.

Khi vận chuyển về đến NM, DN có thể dùng gỗ có đường kính nhỏ đưa vào băm dăm, gỗ lớn đưa vào chế biến. Khi đó, DN tự làm bảng kê phân loại số lượng gỗ lớn, nhỏ dựa trên bảng kê tổng hợp từng lô gỗ và phải vào sổ bản kê lại này. Cơ quan kiểm lâm dựa trên cơ sở đó để kiểm tra.

Những phát sinh

Sau khi đưa ra hướng thông thoáng cho GRT đối với việc khai thác và vận chuyển trong nội địa, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lại được nghe nhiều DN “kêu” về những vướng mắc khi NK GRT về để SX. Người đại diện Cty Chế biến lâm sản XK Phước Hưng (Khu CN Phú Tài-TP Quy Nhơn)- DN sử dụng 100% GRT NK bày tỏ: Đối với GRT NK thì thừa yếu tố hợp pháp bởi từng lô gỗ đều có chứng nhận FSC, có bảng kê chi tiết, bảng kê lý lịch nguồn gốc, nhưng chỉ thiếu dấu búa của kiểm lâm.

"Theo quy định tại cảng Quy Nhơn, trước khi được đưa gỗ về NM, chúng tôi phải mời lực lượng kiểm lâm sở tại đến tại cảng để đóng búa, thực tế này này sinh nhiều bất cập. GRT thường có đường kính nhỏ, số lượng nhiều, diện tích bãi cảng không đủ dung chứa để trải tất cả những lóng gỗ ra đóng búa.

Thêm vào đó, do lực lượng kiểm lâm mỏng nên để thực hiện việc đóng búa cho 1 tàu gỗ phải từ 10 ngày đến nửa tháng mới hoàn thành. Nếu không thực hiện công đoạn này, lô gỗ ấy sẽ không được cho là hợp pháp, sau này sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc khác khi xuất khẩu hàng”.

Để minh họa cho những bất cập vừa nêu, đại diện Cty Phước Hưng bộc bạch thêm: “Hiện nay, nhiều DN ở Bình Định, trong đó có Cty tôi đã từng gặp phải vướng mắc trên. Có lần, để hợp thức hóa cho lô gỗ trong điều kiện nêu trên, chúng tôi mời kiểm lâm đến đóng búa. Thế nhưng khi tiếp cận thực tế, ngay cả kiểm lâm thấy đây là nhiệm vụ “bất khả thi” nên giao búa cho chúng tôi tự đóng (!). Sau vụ việc này, cả kiểm lâm lẫn DN chúng tôi đều bị chỉ trích vì sai nguyên tắc”.

Đại diện 1 DN khác ở tỉnh Bình Dương cho biết thêm, tình trạng trên cũng xảy ra tương tự tại địa bàn DN này đang hoạt động. Vừa rồi, Cty có nhập về 3 container GRT từ Coasta Rica, lô gỗ có đeo thẻ bài, chứng chỉ đàng hoàng, chỉ không có dấu búa. Thế nhưng theo quy định gỗ có đường kính từ 20 cm trở lên phải có dấu búa của kiểm lâm.

Cty này cho dỡ hàng ra trước rồi mới mời kiểm lâm Bình Dương xuống đóng búa cho đỡ tốn thời gian. Khi lực lượng kiểm lâm xuống thì bảo rằng không đóng xuể, phải xếp lên. Cty lại phải mất nửa tháng trời để bốc gỗ lên. Mất chi phí rất lớn, nhưng mất mát lớn hơn là GRT nằm cả tháng trời ngoài bãi bị hư hỏng nhiều gây thiệt hại về kinh tế.

“Các DN cần phải bám sát pháp luật, nếu cơ quan nào làm khó dễ, sai quy định thì DN phải lên tiếng tố cáo. Đối với GRT NK, sắp tới chúng tôi cũng sẽ xem xét hủy bỏ và sửa đổi những quy định bất cập so với thực tế như GRT nội địa”, ông Hà Công Tuấn.

Ông Nguyễn Liêm, GĐ Cty Lâm Việt ở Khánh Bình, Tân Uyên (Bình Dương) bức xúc: “Không chỉ NK, có lô hàng XK chúng tôi cũng bị kẹt. Vừa rồi, Cty tôi có 3 container hàng XK “nằm bẹp gí” tại cảng suốt cả tháng, tôi chạy tối mặt vẫn không giải quyết được. Hải quan thì đòi phải có xác nhận của kiểm lâm. Chạy lên kiểm lâm thì cơ quan này bảo rằng đối với GRT mua của hộ cá nhân không cần kiểm lâm can thiệp, chỉ cần chính quyền địa phương xác nhận là đủ. Chạy ngược lại Hải quan thì cơ quan này vẫn nhất nhất đòi cho được sự xác nhận của kiểm lâm. Cuối cùng tôi đành “bó tay”, trong khi khách hàng bên châu Âu đang đợi. Tôi cấp tốc gọi điện xin gia hạn, may là họ chấp thuận chứ họ phạt mình cũng phải chịu”.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định: “Với những trường hợp trên, cơ quan chức năng đã làm sai quy định. Quy định hiện nay về đóng búa kiểm lâm đối với gỗ NK không phân biệt GRT hay gỗ rừng tự nhiên. Quy định này không phải tại Thông tư 01, mà của Quyết định 44, đã ra đời cách đây 6 năm (2006) và rất là thông thoáng. Theo khoản 1 điều 7 của Quyết định 44, những lô hàng có thẻ thì không phải đóng búa. Chỉ đóng búa gỗ tròn có đường kính từ 25 cm trở lên (nếu không có thẻ lẫn dấu búa của nước xuất bán), gỗ tròn có đường kính nhỏ hơn và gỗ xẻ không có quy định đóng búa”.

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.