| Hotline: 0983.970.780

Gốc của hiếu trung

Chủ Nhật 17/02/2013 , 08:30 (GMT+7)

Ăn Tết, ai cũng nói vậy dù bây giờ đã qua thời không được ăn, sang thời không ăn được.

TỪ CHUYỆN MỘT NÔNG DÂN

Ăn Tết, ai cũng nói vậy dù bây giờ đã qua thời không được ăn, sang thời không ăn được. Đã có người đề nghị giờ nên gọi là chơi Tết, nhưng xem ra không mấy đồng thuận, bởi nhiều người còn phải lo Tết. Thế rồi mỗi sớm mùng Một, người đứng tuổi như chúng tôi thường hay ngẫm ngợi: Một năm qua có gì hay dở? Mình đã làm được gì? Còn những gì muốn mà lực bất tòng tâm? Sang năm mới này mình phải làm gì? Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa, nghĩ về con cháu về tổ tiên ông bà cha mẹ. Ý nghĩ vấp ngay phải một sự thật: Bây giờ chữ trung đã mang nội hàm lợi ích nhóm, chữ hiếu đã chỉ còn bao hàm nuôi bố mẹ ăn no mặc ấm còn thì mặc các cụ trong cô độc tinh thần; chưa kể những đứa con gây tai tiếng cho cha mẹ, chơi bời hư hỏng đánh giết nhau hay thậm chí còn nghiện ngập phá tán làm đau xót lòng cha mẹ. Ô hay, nỗi bức xúc của mọi nhà mọi người hôm nay hóa ra là từ hiếu trung mà đến! Và bởi vì hiếu trung là gốc của con người nên trung hiếu lung lay thì bất yên toàn cộng đồng xã hội. Đó là nỗi lo âu của tôi những ngày tháng cuối năm cũ, nỗi lo âu làm người.

Vì sao cái gốc lung lay?

Tôi có chú em áp út, được thừa kế cơ ngơi của bố mẹ, gồm ba sào thổ cư ao vườn. Vợ chồng chịu thương chịu khó, gà lợn ngan đầy sân, đã có nhiều năm có trâu bò bê nghé, tôi về giỗ bố mẹ làm vài chục mâm cỗ không cần đi chợ. Thật mừng là chú em nông dân cơm cầy cá ao, rung đùi ung dung tự tại. Thế rồi từ khi thằng con út vào học cao đẳng, bao nhiêu gà lợn thóc lúa cứ lần lượt đội nón ra đi, biến thành tiền để nó đua đòi cuộc sống ngoài thành phố. Học xong không xin được việc, nợ vay sinh viên, nợ vay để nó ăn mặc, để nó bao tình nhân, bao ăn, bao sim số điện thoại, bao tiền nhà trọ, bao xăng xe. Nghe nói nợ đã lên bốn năm chục triệu, tôi không biết chắc, nhưng đoán rằng nếu bán nhà chưa chắc đã trả sạch nợ. Đành mượn câu thơ Tản Đà mà than thở:

Vốn trước cha ông mua để lại

Mà sau con cháu lấy làm chơi (Vịnh bức dư đồ rách)

Chỉ vì một đứa con bất hiếu.

Nó có hai thằng anh, không thi đỗ đại học đành đi làm thợ, chí thú rồi cũng nhà cửa sắm sanh. Riêng thằng út mặt mũi sáng sủa học trò, thi đại học chỉ thiếu nửa điểm. Nên được nuông chiều, bố chiều mẹ chiều, một điều thằng Cò hai điều thằng Cò. Tôi nghe ngứa tai, cấm chỉ; nhưng tôi cấm chỉ rồi thì tôi đi, ở nhà bố mẹ nó cứ thằng Cò ơi thằng Cò à. Chỉ mới ba năm cao học, hai năm thất nghiệp ngoài thành phố, thằng Cò đã phá tan cơ nghiệp của bố mẹ về cơ bản. Cả theo nghĩa đen. Một lần nó xin tiền không cho, nó cầm dao đuổi đánh hai thằng anh, lại một lần khác, nó đập vỡ TV, phá tủ để moi tiền. Bố mẹ nó sợ run cầm cập.

ĐẾN CHUYỆN CÁC VUA CHÚA

Đạo lý phương Đông quy định rất ngặt nghèo về đạo Hiếu đối với một ông vua. Vua là cha mẹ mọi thần dân, là con Trời, ông ta không phải sợ bất cứ ai, trừ sợ mang tội bất hiếu. Một bà Thái hậu là một thần dân, gọi vua con là Bệ hạ hay Hoàng thượng; nhưng bà ta có thể dùng gậy gia pháp để đánh vua con, thậm chí có thể bãi miễn vua con nếu tuyên bố ông ta bất hiếu. Về mặt này, Đạo lý nhằm bó buộc vua vào cái gốc hiếu trung, tuyệt đối thượng tôn đạo Hiếu, để đảm bảo chắc chắn rằng tổ tiên được thờ cúng vĩnh viễn, được “nuôi dưỡng” vĩnh viễn; nhưng mặt khác, lại không bó buộc ông ta phải nhân từ với con, con nếu có dấu hiệu bất hiếu, vua có quyền/ buộc phải giết con, chung quy cũng là nhằm thượng tôn đạo hiếu với tổ tiên. Đạo Hiếu Trung bó buộc tự do mà bó buộc tự do thì cũng là bó buộc phát triển, hạn chế sáng tạo, làm khác, làm mới. Nhưng ví thử không có sự ràng buộc, ông vua không còn biết sợ, muốn làm gì cứ làm, thì xã hội sẽ thế nào? Một đạo luật: Con kế nghiệp cha, ba năm không thay đổi việc cha đang làm dở, mới là con Hiếu. Ấy là đạo luật của sự tịnh tiến, tiếp tục, tránh những bước ngoặt làm xáo trộn, đình trệ và hỗn loạn.

Vua Lê Đại Hành dạy con không nghiêm, buông tuồng đạo lý, anh em giết nhau tranh đoạt ngôi vua, cái bất hiếu thành ngay sự bất trung, cơ nghiệp nhà tiền Lê mau chóng bị lụn bại. Bà Ỷ Lan bênh con, vị kỷ, bảo con giết anh, giết vợ bố và 72 cung nữ; về già sám hối, tô tượng đúc chuông để cầu xá tội, biến Phật giáo thành Quốc giáo, đưa 40% lao động chính của cả nước vào chùa gõ mõ tụng kinh; ấy cũng là bắt đầu làm lụn bại nhà Lý. Cũng có thể nói luật cấm hôn nhân ngoại huyết đã làm nhà Trần hiển hách khi mới lên thành ra yếu bấy về sau; Trần Thuận Tông mới 20 đã thích đạo giáo, ngại việc triều chính thực ra là một thứ bệnh ủ đã lâu từ nguyên nhân vì sợ mất độc quyền, đặc lợi. Suy cho cùng, sự lụn bại của các triều đại xưa cường tráng lẫm liệt đều do con vi khuẩn có tên là bất Hiếu bất Trung đục ruỗng.

Điều đáng nghĩ ngợi là các triều đại đang khởi nghĩa (cách mạng) đều rất coi trọng Trung Hiếu. Khi Hạng Vũ dọa nấu bố mẹ vợ con Lưu Bang nếu không chịu hàng, Lưu Bang đã nói câu nổi tiếng: “Ta với người đã kết giao huynh đệ, vậy cha mẹ ta cũng là cha mẹ người, nếu đem cha mẹ ngươi nấu canh thì cho ta một bát.” Một câu nói vừa cảnh báo tội bất hiếu của Hạng Vũ vừa làm yên lòng quân tướng theo mình khởi lập nghiệp lớn, có thể coi là nhờ vậy mà giữ được mạng cha mẹ, giỏi! Khi Hitler bắt được con trai cả của Stalin, Iacop Djugasvili, muốn đem trao trả để đổi lại một Thống chế Đức cũng vừa bị Liên Xô bắt, Stalin đã nói: “Tôi không đổi một Thống chế lấy một binh nhì”. Về sau, người Đức đã giết Iacop Djugasvili rồi tạo hiện trường giả là tù binh trốn trại và bị bắn chết, xác treo trên bờ rào. Con trai Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Anh bị chết tại trận trong cuộc viễn chinh tình nguyện tại Triều Tiên năm 1951, người ta hỏi ý kiến ông rằng có nên đưa di hài của con trai về an táng tại Bắc Kinh hay không, Mao Trạch Đông đã lập tức phê vào lá thư của Bành Đức Hoài: “Đồng ý với ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài, an táng Mao Ngạn Anh ở Triều Tiên cùng với hàng ngàn liệt sĩ quân tình nguyện Trung Quốc, không được cử hành bất cứ một nghi lễ đặc biệt nào”. Người con trai cuối cùng của ông, Mao Ngạn Thanh suốt đời làm một thường dân, vừa mất vào tuổi 84.

Kể lại chuyện này, tôi không có ý bảo những người ấy là con, cha không hiếu/ từ. Khi buộc phải lựa chọn giữa Trung và Hiếu (Từ) họ đều chọn Trung, bởi vì các đồng chí và nhân dân đã chọn họ làm người lãnh đạo, làm người cha tinh thần của họ - với người Cha (Vua) mọi đứa con (thần dân) đều như nhau. Nhân dân chẳng những không trách cứ sao Stalin và Mao Trạch Đông lại không nhân từ với con, mà còn thêm tôn kính họ hơn, cả họ và con trai họ, là đã chí công vô tư. Bởi vì, giả dụ Iacop Djugasvili được đánh đổi một Thống chế Đức, anh ta sẽ tự coi mình “đứng trên” rất nhiều người và sẽ gây ra cho đất nước những tai họa và mấy trăm triệu người Nga sẽ nghĩ gì về Stalin? Hàng vạn tình nguyện quân Trung Quốc tại chiến trường Triều Tiên sẽ nghĩ gì nếu Mao Ngạn Anh được đưa về an táng tại Bắc Kinh và điều gì sẽ xẩy ra nếu lòng dân đổ vỡ?

Khi tôi còn dạy tiểu học mấy chục năm trước đã nghe các ông giáo lớn tuổi nói câu "Dốt con thầy giáo, láo con cán bộ", hẳn câu thành ngữ này ra đời từ thực tế của họ. Gốc của thực tế ấy là con người, ít nhất là người Việt ta là rất hay dựa thế, rất thiếu ý thức tự khẳng định mình. Khi đứa trẻ biết học dốt vẫn cứ lên lớp, láo mấy vẫn cứ hạnh kiểm ngoan (vì thầy sợ bố nó, không dám trách phạt nó) thì nó sẽ không cần học, không cần ngoan ngoãn rèn luyện bản thân. Vì lẽ này, tôi đã viết về bệnh thành tích trong giáo dục có gốc từ ngoài ngành giáo dục; rằng một ông hiệu trưởng trường THPT liệu có dám để con ông chủ tịch, bí thư huyện trượt tốt nghiệp không? Liệu có dám để dù con một chủ tịch xã hạnh kiểm kém không? Vâng, bệnh thành tích là mãn tính, bắt đầu từ cơ địa sĩ diện (con tôi học “giỏi” đỗ cao là thể diện của tôi, là uy tín chính trị của tôi) cơ địa dối trá (làm thì láo báo cáo thì hay, trong phong trào tăng gia nhà nọ trồng 1 cây chuối, lên đến xã thì thành 3 vì con, bố, mẹ đều khai mình trồng) và cơ địa quan liêu (coi trọng bằng cấp bất biết thực lực, đưa việc lựa chọn quan chức vào một barem như thợ sửa xe đạp chọn cỡ bi qua một lỗ đục cỡ sẵn).

Từ một xã hội được đánh giá là suy thoái chính trị đạo đức hôm nay nhìn lại, đòi hỏi một cái nhìn toàn diện và dũng cảm, dũng cảm như chính mình chuẩn bị lên bàn mổ phanh. Nghị quyết 4 TW là một sự dũng cảm cần thiết, nhưng chưa đủ. Hình như bệnh ngại va chạm, sợ mang tiếng là mất đoàn kết nội bộ đã làm khiên mộc đỡ cú đánh của tay trái vào tay phải. Chúng ta có CT 03/TW/2011 về việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng chưa đủ. Bởi chính Bác, lúc sinh thời có nói, Bác có hai điểm các chú không nên học, là hút thuốc lá và không lập gia đình. Về điểm này, tôi xin đề xuất là Đảng cần có thêm Chỉ thị về việc Học tập và làm theo tấm gương nuôi dạy con cháu của các nhà lãnh đạo tiền bối. Bởi vì, trước hết, họ là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt Chí Công Vô Tư.

Tôi không biết chi tiết câu chuyện, chỉ nghe một số cán bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh kể về Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh như một huyền thoại. Ông con trai muốn cha mình đưa mình vào một vị trí mà cụ xét thấy không đủ năng lực, nên không cho khiến ông tự gây một kết cục xấu cho mình. Chuyện này cần nêu lên để sánh ngang với nhân vật lịch sử, cháu gọi Thái sư Trần Thủ Độ là chú rể xin chức xã quan, chú bảo mày muốn làm xã quan thì phải chặt một ngón chân cho phân biệt với các xã quan đủ sức cân tài; ông cháu sợ quá xin thôi.

Cuộc đời các con của Cố Tổng bí thư Trường Chinh, cố Tổng bí thư Lê Duẩn cũng là những ví dụ phong phú về quá trình nuôi dạy con nghiêm cẩn của các cụ. Họ đều theo học các chuyên ngành khoa học, thậm chí ở vào đẳng cấp cao của ngành khoa học ấy như bà Lê Thị Diệu Muội, TSKH Sinh học rồi làm viện trưởng một viện trong Viện Khoa học Tự nhiên quốc gia. Mỗi cụ đều có con lớn nối chí cha đi hoạt động cách mạng sớm, ông Lê Thạch Hãn làm thư ý cho Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Trần Hữu Dực từ năm 16 tuổi (1946) về hưu với quân hàm Đại tá, chức vụ Cục trưởng một Cục trong Quân khu VII. Ông Đặng Vũ Kỳ con cụ Trường Chinh có là Ủy viên TW Đảng cũng là vào theo suất của Viện Mác Lê (như suất của Học viện Báo chí Tuyên truyền) vâng, ông Kỳ làm quản lý thì cũng là quản lý một cơ quan nghiên cứu khoa học chính trị. Ông Lê Kiên Thành thông minh và có nhiều chủ kiến, hoàn toàn có thể trở thành một quan chức xứng đáng ở cấp cao, nhưng ông đã nhen dựng một ngân hàng cổ phần (có lẽ) bằng vốn của thời theo học ngành Hàng không rồi làm ăn bên Nga? Con trai thứ cụ Trường Chinh, TS Đặng Việt Bích làm Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Viết văn Nguyễn Du đúng vào dịp cụ làm Tổng bí thư 1986. Từ Phó phụ trách, như Phó khoa chính thức thành Trưởng khoa hay thậm chí Phó hiệu trưởng có lẽ không cần hơn một cú điện thoại, nhưng đã không có cú điện thoại ấy. Thời ông Bích phụ trách Trường, tôi là nhân viên, chúng tôi cùng nhau bàn bạc rồi tìm sách và tư liệu để viết chung đề tài nghiên cứu về tham vọng canh tân đổi mới thời Tự Đức vì sao thất bại.

Ông Bích kể với tôi về việc cụ thân mẫu ông rút tiền tiết kiệm mua lợn giống, mua cám đưa cho cô em họ ngoài bãi Phúc Xá nuôi, đến Tết đem mổ thịt để chia cho các nhà con cháu – một cách tiết kiệm thật thông minh và đậm đà bản sắc Việt! Tôi vốn người không dễ tin, có đem chuyện hỏi bà Diệu Muội – là người tôi tin hơn. Bà Muội nói: “Đúng, quá đúng tính cách của cụ Nguyễn Thị Minh – một mệnh phụ phu nhân của thời đại. Ba chị vẫn dạy tụi chị: Các con phải học bác Trường Chinh về tính nghiêm cẩn trong nuôi dạy con cháu. Đặc biệt, ba chị rất nể trọng bác gái". Bà Muội có giọng nói cử chỉ vồn vã ân cần, không có gam tấc nào tỏ ra cách bậc với người tiếp xúc dù, trên danh nghĩa cổ điển, bà là một đại công chúa. Bà đặc biệt tự hào về các cậu em trai cùng cha khác mẹ, nói về họ bằng những lời trìu mến: "Vì là cậu út, Lê Kiên Trung thích được nuông chiều, nói năng ngang nhiên, sắp tốt nghiệp phổ thông vẫn không được kết nạp Đoàn. Mà theo quy chuẩn, chưa đoàn viên thì không vào đại học. Cậu út nhờ chị nói với ba can thiệp giúp. Chị nói ba, ba bảo cấm không cho xin xỏ can thiệp, đứa nào làm nhục ba, ba đánh đòn. Nhưng về một việc khác, hồi mốt quần loe từ Sài Gòn ra, có chỉ thị cấm, rạch Trung mặc quần loe đi lại trước ba, hỏi có đẹp không ba, ba bảo đẹp, đẹp. Trung nói thế mà chú Hoàn có lệnh cấm. Làm sao thế ba, trước đút chai bia 33 không lọt, rạch; bây giờ đút chai bia lọt còn thừa đâu rạch đó, là sao? Ba chị nói có chuyện thế à, rồi gọi điện cho chú Hoàn".

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có người con trai duy nhất Phạm Sơn Dương. Ông có tên như thế vì sinh ở Sơn Dương Tuyên Quang (1951); từng được Bác Hồ bế ẵm từ nhỏ, được cùng cha ăn cơm với Bác trong Chủ tịch Phủ. Với vị thế của cha, ông được nhiều nước bạn đề nghị cấp học bổng du học, nhưng thay vì du học, ông lại sớm vào quân đội học tập và rèn luyện với tư cách một thiếu sinh quân. Cũng còn vì thân mẫu ông, cụ Phạm Thị Cúc bị bệnh nan y từ khi còn trẻ, hệ lụy của mười tháng đi bộ vào Nam ra Bắc tìm chồng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một tấm gương mẫu mực về đức thanh liêm. Hồi sắp cưới vợ cho con, cụ tâm sự với người giúp việc: “Như tôi đây, theo phong tục của dân mình, cũng muốn có chiếc nhẫn vàng khoảng 2 chỉ để tặng con dâu, vậy mà cũng không có nổi. Nếu nói ra điều này với con trai, chắc rồi cũng sẽ được cậu ấy lo, nhưng nghĩ thấy thế nào ấy, cũng hơi kỳ phải không?”(*)

Ông Phạm Sơn Dương hiện là Thiếu tướng, Phó giám đốc Viện KHCN Quân sự Bộ Quốc phòng. Ông nói, tôi tự hào vì được là con của người cha được mọi người kính nể. Nhưng cũng tự hào vì mình đã đi trên đôi chân của chính mình, không dựa thế con ông cháu cha, từng bước từng bước một, từ binh nhì mà đến. Cha tôi chỉ để lại một sự nghiệp và dặn tôi tiếp tục, chứ cụ không để lại sổ tiết kiệm hay nhà lầu xe hơi nào. Và tôi hạnh phúc.

Vâng, “Và tôi hạnh phúc” là câu nói mà mọi bậc cha mẹ trên thế gian muốn nghe từ miệng con mình. Chỉ các bậc cha mẹ nông nổi mới muốn nghe câu khoe con giầu có, lương cao bổng hậu. Vì nhãn tiền đó, nhiều nhà lương cao bổng hậu mà rồi tai tiếng và bị khinh rẻ. Nếu lại là một gia đình có vị trí trong lịch sử thì rồi tai tiếng và bị khinh rẻ cũng sẽ đi cùng lịch sử.

Những ngày cuối năm này, mỗi khi nghĩ về vận mệnh và tương lai đất nước, ý nghĩ tôi lại luẩn quẩn trở về với gia đình chú em áp út của mình. Vì nuông chiều con, con hư, bị xóm riềng và các cháu anh em họ anh em ruột khinh ghét; nhà cửa xập xệ, cơn bão quái gở cuối tháng 9 âm lịch vừa qua xoay cho chưa sụp đổ còn phải nói là may. Tôi bảo các em và con cháu mình xúm vào tu sửa, có đứa còn cãi cứ mặc kệ chú thím ấy, tôi phải lấy quyền gia trưởng mà át đi, lập lý rằng đó là cơ đồ của ông bà tạo dựng một đời. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu ước mơ cay đắng chịu đựng, bây giờ mọi con cháu phải có trách nhiệm sửa chữa tôn tạo lại. Mà cũng không dám đưa tiền cho em, dẫu biết như thế làm chú em 53 tuổi rồi sẽ tủi, vì đưa cho em thì bị thằng nghịch tử nó trấn lột, nó ăn cướp bằng vũ khí TÌNH NGƯỜI.

Càng buồn lo vì mình cũng đã luống tuổi, thâu đêm không ngủ được, vục dậy thảo bức cuốn thư "Hiếu thuận từ" và đôi câu đối: Nghiêm phụ sinh hiếu tử, chí nhân dịch thế/ Từ mẫu dưỡng gia phong, phúc lộc mãn đường. Mang lễ đến xin chữ cụ Bách Tràng Tiền rồi thuê thợ sơn thếp, hôm khánh thành nhà chú em mang về treo trước cùng thờ bố mẹ. Như một cách kính cáo với các bậc tiền bối, chứ không biết làm gì hơn.

(*)Theo sách: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất