| Hotline: 0983.970.780

Gom về một chút ngọc nhân gian

Thứ Hai 02/09/2013 , 15:31 (GMT+7)

Tôi lại tìm về ngôi nhà sàn bé nhỏ dưới chân núi Kông Chro hùng vỹ, bên dòng sông Ba thơ mộng.

Tôi lại tìm về ngôi nhà sàn bé nhỏ dưới chân núi Kông Chro hùng vỹ, bên dòng sông Ba thơ mộng. Bây giờ, ngôi nhà sàn ấy đã được chuyển sang bên cạnh cách vị trí cũ khoảng mười mét, thay vào đó là ngôi nhà xây khang trang mà trong ngôi nhà ấy, đôi vợ chồng nghệ sỹ già đang sống hạnh phúc bên nhau: Nghệ sỹ violon Lê Đức Thịnh và Nghệ nhân dân gian Việt Nam - bà H’Ben (dân tộc BarNah).


Càng đến cuối đời, tình yêu của đôi vợ chồng Nghệ nhân dân gian H’Ben cùng nhạc sỹ Đức Thịnh lại càng nồng thắm hơn

LỚN LÊN TỪ THIẾU NỮ BARNAH

H’Ben sinh ra và lớn lên ở xã Yang Trung (huyện Kông Chro, Gia Lai). Thời thiếu nữ, H’Ben nổi tiếng khắp vùng không chỉ vì sắc đẹp hiếm gặp của một thiếu nữ BarNah, mà còn bởi giọng hát ngọt ngào, thánh thót như chim rừng, trong trẻo như nước suối ban mai giữa đại ngàn Tây Nguyên. Bao nhiêu trai làng mê mẩn sắc đẹp và giọng ca trời ban của nàng, tuy nhiên trái tim của H’Ben thì chưa đặt vào một ai cả, nàng chỉ biết đi nương làm rẫy, đi suối cõng nước và cất lên tiếng hát cùng lũ chim rừng…

Năm 1955, H’Ben đột ngột quyết định xin đi tập kết ra Bắc. Quyết định này làm sửng sốt cả gia đình, cả ngôi làng BarNah nơi nàng đang sinh sống; quyết định này cũng làm tan nát trái tim bao trai làng đang âm thầm hướng về nàng.

Ra Bắc, H’ben được học văn hóa, rồi học ở Nhạc viện Hà Nội. Vừa mới xuất hiện ở Hà Nội và cất lên giọng hát trong trẻo của người BarNah, H’Ben đã làm rung động trái tim của một vị anh hùng dân tộc rất nổi tiếng: Anh hùng Núp (dân tộc BarNah ở làng S’tơ, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai)- lúc ấy cũng đang học tập và công tác tại Hà Nội. Tuy nhiên mãi đến năm 1959, dưới sự tác động của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Núp mới lấy được cô gái BarNah xinh đẹp và tài hoa ấy.

Trước đó, Núp đã có một đời vợ là H’Liêu. H’Liêu mất năm 1954, theo luật tục Tây Nguyên, Núp làm lễ nối dây với em ruột của H’Liêu là Chrơ- khi ấy, Chrơ mới chỉ 12 tuổi. Sau khi làm lễ nối dây với Chrơ, Núp tập kết ra Bắc, và bặt tin với Chrơ từ ngày ấy.

Một năm sau khi làm vợ Núp, H’Ben nhận được tin từ Tây Nguyên: Chrơ vẫn còn sống và đang mòn mỏi đợi Núp ở quê nhà. Vậy là, H’Ben đành ngậm ngùi chia tay Anh hùng Núp, nhường lại hạnh phúc cho Chrơ khi mà H’Ben đã kịp có một người con với Núp và chưa kịp có tình yêu thật sự với vị anh hùng này.

Một mình nuôi đứa con bị dị tật bẩm sinh của Núp, H’Ben lao vào học tập và biểu diễn. Khi còn học ở Nhạc viện Hà Nội, sắc đẹp và giọng ca của H’Ben đã làm rung động trái tim của một chàng trai- nghệ sỹ đất Hà Thành: Nhạc sỹ lê Đức Thịnh- lúc ấy đang là giảng viên ở Nhạc viện Hà Nội.

Mặc cho sự ngăn cản của gia đình Đức Thịnh, năm 1966, H’Ben và Đức Thịnh tổ chức một lễ cưới linh đình (lúc bấy giờ) tại Hà Nội. Lúc này, H’Ben và Đức Thịnh cùng về công tác ở Đoàn Ca múa Nhân dân Tây Nguyên (sau giải phóng, đoàn được biên chế về Gia Lai và mang tên Đoàn Ca múa nhạc Đam San). Khi còn ở Hà Nội, trong chiến tranh ác liệt, tên tuổi của H’Ben đã sánh cùng Nhật Lai, Kim Nhớ, Tường Vy… mà theo nhạc sỹ Tô Ngọc Thanh thì: Giọng ca của H’Ben như một sứ giả của Văn hóa Tây Nguyên.

Năm 1967, H’Ben cùng những tên tuổi của nền âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ, lưu diễn 8 tháng ở 12 nước xã hội chủ nghĩa. Đến đâu, giọng ca của H’Ben cũng được bạn bè quốc tế cổ vũ nồng nhiệt. Nhiều hôm, khán giả quốc tế yêu cầu H’Ben hát đi hát lại nhiều lần. “Tuy mệt, nhưng hạnh phúc dâng trào”, H’Ben nói.

CHIM RỪNG BAY VỀ TỔ ẤM

Có lần được gặp Bác Hồ, H’Ben nhớ mãi lời dặn của Người: “Càng nhớ quê, Chim Rừng càng phải cố gắng học giỏi, hát hay, chờ ngày thống nhất về giúp quê hương”.

Nhớ lời dặn của Bác, sau giải phóng năm 1975, Chim Rừng H’ben “bay” về tổ ấm. Về đây, H’Ben làm giảng viên, rồi làm Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghệ thuật Tây Nguyên. Một lần nữa, bỏ qua sự ngăn cản của gia đình, nhạc sỹ Lê Đức Thịnh- chàng trai Hà Thành tài hoa quyết đi theo tình yêu với H’Ben, tình yêu với dân ca Tây Nguyên mà H’Ben đã truyền sang mình.

Sau ngày về hưu, vợ chồng ông Thịnh- bà H’Ben về sống trong ngôi nhà sàn nhỏ ngay bên bờ dòng sông Ba thơ mộng, thuộc thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro, Gia Lai). Từ đây, trong ngôi nhà sàn nhỏ này luôn vang lên tiếng violon thanh thoát cùng giọng hát ngọt ngào của đôi vợ chồng nghệ sỹ già.

Hàng đêm, bà H’Ben tập trung trai gái trong vùng đến nhà, dạy cho họ hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Tuy nhiên, “những bài hát mình thuộc là rất nhỏ so với kho tàng dân ca Tây Nguyên đang còn trong dân gian- bà H’Ben nói- nếu không sưu tầm, ghi chép và truyền lại cho thế hệ sau thì sẽ bị mai một và sau này, không ai còn được biết đến nữa”.

Với suy nghĩ như vậy, ông bà quyết tâm tìm vào những bản làng xa xôi, gặp những người già, nghe họ hát dân ca và ghi âm, chép lại lời. Sau mỗi chuyến đi, về nhà, đôi vợ chồng nghệ sỹ già lại chong đèn dầu, chỉnh sửa lại lời và chuyển thành nhạc để có được những bài dân ca hoàn chỉnh.

Tất nhiên ngay sau đó, những bài dân ca vừa sưu tầm được ấy, được ông bà truyền lại ngay cho đám thanh niên trong vùng. Có thể nói, đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất của ông bà, bởi ông bà luôn được ở bên nhau dù trong những chuyến đi sưu tầm, cùng làm rẫy, ăn cơm với những người nơi hai vợ chồng đặt chân đến, cùng nhau chỉnh lý, chép nhạc, cùng nhau dạy lại dân ca cho đám con cháu sau này…

Tình yêu đối lứa với tình yêu dân ca Tây Nguyên đã quyện vào làm một. Với chiếc xe đạp cà tàng, không một sự tài trợ nào, đôi chân của họ đã đặt đến vùng đất cực Tây Quảng Ngãi để sưu tầm dân ca của người H’Rê; quay về vùng Đông Trường sơn như Kbang, Kông Chro, Đăk Pơ với những làn điệu mộc mạc mà chân tình của dân ca BarNah; ngược lên Tây Trường sơn, đến với những vùng đất như Phú Thiện, Ayun Pa, Cheo Reo, biên giới Đức Cơ, Ia Grai… để đến với những làn điệu ngọt ngào, đắm đuối của dân ca J’rai…

Suốt bao năm rong ruổi trên hầu khắp vùng đất Bắc Tây Nguyên, ông bà đã sưu tầm được hàng trăm bài dân ca của các dân tộc Tây Nguyên. Hôm tôi đến thăm nhà, bà H’Ben đưa cho tôi xem một tập sách- tập nhạc chép tay và được phô tô ra làm nhiều bản. Đây là tập nhạc do ông bà sưu tầm được trong suốt thời gian lăn lộn khắp các bản làng Tây Nguyên.

Tập nhạc mới chỉ gồm 126 bài dân ca BarNah và J’rai ở Gia Lai (số ông bà sưu tầm được là nhiều hơn thế, tuy nhiên trong tập sách này mới chỉ khoanh vùng ở dân ca của 2 dân tộc chính ở Gia Lai). Nội dung những bài dân ca trong tập nhạc này là tình yêu đôi lứa; tình yêu quê hương đất nước; tình yêu buôn làng, yêu dân tộc; tình yêu nương rẫy ruộng đồng; là cách trồng lúa, trỉa ngô, là những bài hát đuổi chim không cho phá lúa; là những kinh nghiệm trong sản xuất và đấu tranh chống thiên nhiên huyền bí…

Bây giờ, bà đã tám mốt, ông đã bảy chín. Ông Thịnh bị tai biến và phải ngồi xe lăn từ nhiều năm nay. Từ ngày ông bị bệnh, bà gần như không còn đi sưu tầm dân ca nữa. Hàng ngày, bà chăm hai sào ngô bên bờ sông Ba để làm thức ăn cho gà, lợn trong nhà. Thời gian còn lại bà dành hết để chăm ông, chăm người con bị dị tật bẩm sinh “ra ngẩn vào ngơ” (theo lời bà nói) Đinh Trung Kiên (54 tuổi, con của bà với Anh hùng Núp).

Ông bà cũng có với nhau một người con trai tên là Lê Trung Thăng (năm nay 44 tuổi). Thăng đi theo nghiệp bố Thịnh, học ở Nhạc viện Huế, về biểu diễn ở Đoàn Đam San. Tuy nhiên, con đường nghệ thuật của Thăng không được dài để rồi sau đó, anh chuyển về làm Công an huyện Kông Chro.

Lần đến thăm ông bà mới đây (hôm 12/8), tôi hỏi bà: "Ước muốn lớn nhất của cô bây giờ là gì?”. Bà H’Ben ngậm ngùi trả lời tôi: “Cô muốn dạy lại- như cô đã từng dạy cho lũ trẻ biết hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Cô mong chú khỏe để cô chú lại cùng được đi sưu tầm”.

Tôi hỏi: “Sao cô không in thành sách và phát hành những bài dân ca mà cô chú đã sưu tầm được?”- bà lại ngậm ngùi: “Cô không có tiền. Khi nào cô phô tô thêm mấy bản nữa, lên Pleiku, cô sẽ tìm đến nhà, tặng Lâm một cuốn. Bây giờ ở nhà chỉ còn mỗi cuốn này thôi”.

Một cuốn sách nhạc chép tay với những khuôn nhạc mộc mạc, đôi chỗ còn không thẳng hàng, nhưng với tôi- mà không- với cả những người dân Tây Nguyên thì đó là những hạt ngọc quý, sáng lấp lánh mà vợ chồng người nghệ sỹ già một đời gom nhặt.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.