| Hotline: 0983.970.780

Gọt chân cho vừa giày?

Thứ Hai 13/02/2012 , 10:06 (GMT+7)

Với biện pháp phân bổ ngân sách kiểu “gọt chân cho vừa giày”, cán bộ công chức có sống được bằng lương?

Người lao động sẽ yên tâm làm việc khi có đồng lương hợp lý

Với biện pháp phân bổ ngân sách kiểu “gọt chân cho vừa giày”, cán bộ công chức có sống được bằng lương? Nguồn "quốc khố" hiện có đủ khả  năng chi trả tiền lương hợp lý?

Đó là 2 vấn được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo khoa học "Đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2011- 2020" do Viện Chiến lược & chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Cắt chỗ này, bồi chỗ khác

Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược & Chính sách tài chính cho biết, từ năm 2001 đến nay đã có 8 lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu (LTT). Trong đó 4 năm trở lại đây, mức LTT đã điều chỉnh tăng thêm 84,4%, nhưng cán bộ công chức (CBCC) làm việc ở thành phố lớn, khu đô thị lại không đủ sống.

Bất cập nhất là hệ thống thang, bảng lương không gắn được việc trả lương với vị trí công việc và kết quả thực hiện nhiệm vụ bởi quy định cứng nhắc: Có bằng đại học là hưởng lương chuyên viên, định kỳ 2- 3 năm tăng lương một lần; cơ chế trả lương còn nhiều yếu tố “phi thị trường”, người làm ít vẫn nhận lương cơ bản như người làm nhiều, người nhiều tuổi nhận lương cao hơn người ít tuổi.

Ngoài ra, 21 ngành được hưởng ở 16 loại phụ cấp ưu đãi khác nhau đang có xu hướng mở rộng hơn khiến ngân sách dành cho LTT ngày càng bị mỏng đi. Ông Thăng làm một bài toán nhanh: Một người vào biên chế thì phải tính lương cho người đó 40 năm sau, cộng các chế độ xã hội thì mới hy vọng sống được bằng lương.

TS Nguyễn Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện CL & CSTC thì khẳng định: Hiện có hai hệ thống tiền LTT song song tồn tại: Hệ thống chính sách tiền LTT một mức duy nhất áp dụng đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách và hệ thống tiền LTT phân biệt theo vùng áp dụng cho khu vực SX-KD. Đây là điểm khác biệt căn bản so với nhiều nước trên thế giới. Mọi cách tiếp cận để chi trả tiền lương của ta vẫn theo “hệ thống”: Cắt chỗ này, bồi sang chỗ khác mà không có ưu tiên, lộ trình.

Cải cách tiền lương: Dậm chân tại chỗ

Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động & xã hội (Bộ LĐ, TB- XH) bổ sung thêm: Nghịch lý cơ bản nhất tại VN là tạo nguồn ngân sách. Hiện nay cách làm của ta chỉ theo triết lý “gọt chân cho vừa giày”, luẩn quẩn mà không hề trả lương theo năng lực.

Hiện có khoảng 90% quốc gia có các quy định pháp lý liên quan đến lương tối thiểu khác nhau. Chẳng hạn như Hàn Quốc, LTT được xác định theo tiêu chí chi phí cho cuộc sống, mức lương của lao động tương đương và năng suất lao động.

Thái Lan áp dụng cho LTT ở thành phố cao hơn nông thôn. Trung Quốc thì linh hoạt để chính quyền địa phương được quy định mức LTT (có thể khác LTT do chính quyền Trung ương). Chi Lê thì điều chỉnh LTT hàng năm dựa trên tốc độ lạm phát...

Cũng tại hội thảo, đa phần chuyên gia cho rằng, để NSNN chi lương hợp lý và có nguồn cải cách tiền lương thì tinh giản biên chế là giải pháp khả thi nhất. TS Nguyễn Hải Mơ nói :"Tôi đề nghị sử dụng 20% ngân sách cho giáo dục nhưng phải "biến" một số trường hoạt động tốt, có uy tín chuyển sang xã hội hóa để Nhà nước có thể thu được tiền thuế, giảm đầu tư công. Đồng thời đổi mới công cụ giám sát, điều tiết, quản lý thu nhập ngoài lương, tiến tới bãi bỏ các khoản thu nhập ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như tiền bồi dưỡng họp, hỗ trợ xây dựng văn bản, đề án…".

Còn TS Trần Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng các giải pháp đưa ra "rất cũ rích" là giảm biên chế, giảm bao cấp cho các đơn vị sự nghiệp; chẳng hạn như tiền mua ô tô, điện thoại... phải do các cá nhân trả. “Cái này tôi nói nhiều lắm rồi nhưng có chuyển biến gì được đâu?”- bà Hà giãi bày. Tiếp đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cũng thừa nhận, để tránh trả lương theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” như hiện nay, là nâng mức tiết kiệm chi thường xuyên từ ngân sách từ 15- 20% (thay cho mức 10% như hiện nay).

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất