| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội "cán đích" 5.500 ha rau an toàn

Thứ Hai 26/05/2014 , 08:10 (GMT+7)

Tính đến quýI/2014, Hà Nội đạt 4.500 ha RAT (được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SX RAT); 150 ha SX RAT theo VietGAP và 12 ha SX rau hữu cơ.

Trong những năm qua, Chi cục BVTV Hà Nội (Sở NN-PTNT) triển khai công tác quản lý, hỗ trợ phát triển SX rau an toàn (RAT) và thu lại kết quả lớn khi hình thành nên nhiều vùng chuyên canh RAT có thương hiệu cho Thủ đô.

Nhằm hỗ trợ người trồng rau khâu SX, tiêu thụ, phân phối cũng như nâng cao nhận thức về RAT với người tiêu dùng, bắt đầu từ số báo này, NNVN hợp tác với Chi cục BVTV Hà Nội mở Chuyên mục RAT Hà Nội để đăng tải thông tin toàn diện về lĩnh vực RAT của Thủ đô.

Lột xác

Theo số liệu Chi cục BVTV Hà Nội cung cấp, tính đến quýI/2014, Hà Nội đạt 4.500 ha RAT (được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SX RAT); 150 ha SX RAT theo VietGAP và 12 ha SX rau hữu cơ. Có được thành quả như ngày hôm nay là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp Hà Nội.

Hà Nội hiện có tổng diện tích canh tác rau trên 12.000 ha với chủng loại rau được SX khá phong phú, trên 40 loại. Năng suất rau trung bình đạt 19 - 20 tấn/ha/vụ, sản lượng rau ước đạt 570.000 tấn/năm.

Theo khảo sát, nhu cầu tiêu rau xanh của Thủ đô khoảng 2.600 tấn/ngày, tương đương 950.000 tấn/năm. Do đó, với diện tích canh tác rau như trên, Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau xanh của người dân hàng ngày, còn lại 40% phải nhập từ các địa phương khác.

Phải ghi nhận, Hà Nội là địa phương làm RAT quyết liệt. Để thúc đẩy phát triển SX và tiêu thụ RAT, tháng 5/2009, UBND TP. Hà Nội đã ban hành hẳn một Đề án về SX và tiêu thụ RAT cho TP giai đoạn 2009 - 2015 với mục tiêu 5.000 - 5.500 ha.

Là đơn vị đầu mối được Sở NN-PTNT giao nhiệm vụ tham mưu và chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực phát triển RAT, Chi cục BVTV Hà Nội đã có những bước đi chắc chắn, sâu sát, quyết liệt nên chỉ sau một thời gian ngắn, các vùng trồng rau của Hà Nội như được lột xác cả về diện mạo và chất lượng. Dù đâu đó vẫn còn những "hạt sạn”, song với lĩnh vực nhạy cảm, đặc thù và khó làm như rau thì đó đã là một thành công lớn.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết: "Tính đến hết năm 2013, Hà Nội đã quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SX RAT cho 4.500 ha RAT phân bố ở 116 xã trọng điểm rau.

Đến quý I/2014 đã tiếp tục rà soát, định vị được thêm 500 ha RAT để tập trung quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận nâng tổng diện tích RAT lên 5.000 ha. Trong đó, phối hợp với các địa phương xây dựng các vùng SX RAT tập trung quản lý khép kín từ khâu SX đến tiêu thụ như Văn Đức (Gia Lâm) 250 ha, Duyên Hà (Thanh Trì) 57 ha, Thanh Đa (Phúc Thọ) 50 ha, Vân Côn (Hoài Đức) 40 ha...".

Quá trình đi thực tế các vùng RAT đã được cấp giấy chứng nhận của Hà Nội, chúng tôi nhận thấy ý thức và trách nhiệm của người dân được nâng lên rõ rệt so với trước đây. Việc sử dụng phân tươi để tưới rau gần như không còn, tập quán sử dụng thuốc BVTV đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và trách nhiệm.

Thành quả này có được là nhờ cả một quá trình tuyên truyền bền bỉ thông qua các lớp huấn luyện IPM (kéo dài 1 vụ SX) nhằm nâng cao kỹ thuật SX RAT, lớp đào tạo SX RAT theo VietGAP (cho các vùng VietGAP)...

Từ kết quả thí điểm gắn nhãn, dán tem nhận diện cho RAT, năm 2013, Sở NN-PTNT Hà Nội đã giao Chi cục BVTV lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “RAU AN TOÀN HÀ NỘI” tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) nhằm bảo hộ nhãn hiệu, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Hiện tại, đang trong quá trình thẩm định nội dung chờ cấp văn bằng bảo hộ.

Tại các vùng SX tập trung, nông dân được thử nghiệm và chuyển giao TBKT có hiệu quả vào SX RAT như sử dụng bả Protein để phòng trừ ruồi hại trên rau ăn quả; làm rào chắn bọ nhảy trên rau cải; đặt bẫy Pheromone phòng trừ sâu hại rau, bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang... Nhờ đó, việc sử dụng thuốc hóa học độc hại trên rau được ngăn chặn từ gốc rễ.

Đặt nền móng tiêu thụ

Có một thực trạng cố hữu tồn tại rất nhiều năm nay chưa được giải đáp thỏa đáng là người tiêu dùng luôn nghi ngờ với các sản phẩm RAT. Thực tế, trong nhiều năm qua Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc nghiêm trọng nào liên quan đến rau.

Năm 2013, Chi cục BVTV Hà Nội tiến hành lấy 1.340 mẫu rau, trong đó gồm 950 mẫu SX, 390 mẫu rau sơ chế, kinh doanh. Kết quả chỉ có 0,52% mẫu rau tại vùng SX có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa cho phép, qua đó chứng minh cho thành quả của công tác quản lý chỉ đạo RAT.

Để tạo niềm tin của người tiêu dùng với RAT, bắt đầu từ năm 2011 Chi cục BVTV thí điểm gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT bán buôn tại một số xã trọng điểm với quy mô hàng trăm ha, lượng RAT được gắn nhãn tăng lên theo từng tháng.

Chưa dừng lại ở đó, để tăng sức thuyết phục, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm RAT, tháng 9/2012, Chi cục đã triển khai dán tem nhận diện “RAU AN TOÀN HÀ NỘI” cho RAT bán lẻ đưa đến các cửa hàng, siêu thị, chợ...

Sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng nhận được phản hồi rất tích cực. Tính đến quý I/2014, đã có 38 cơ sở tham gia, mỗi cơ sở được cấp 1 mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và quản lý nguồn gốc. Qua đó, cho thấy sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo, cán bộ Chi cục BVTV trong cuộc “trường chinh” đưa RAT đến tay người tiêu dùng.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất