| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội của tôi

Thứ Năm 02/09/2010 , 18:50 (GMT+7)

"Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội", lời bài hát ấy đã nói hộ nỗi lòng của cả triệu người con đất Việt đối với Thủ đô yêu dấu...

"Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội", lời bài hát ấy đã nói hộ nỗi lòng của cả triệu người con đất Việt đối với Thủ đô yêu dấu. Nỗi nhớ, niềm yêu Hà Nội trong trái tim mỗi người hẳn nhiên khác nhau. Thi sĩ Phan Huyền Thư, nhạc sĩ Đỗ Bảo, ca sĩ Hà Anh Tuấn viết cho NNVN những dòng tâm tình về Hà Nội như để chia sẻ với những độc giả hâm mộ trước thời khắc Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi.

Đạn bom và giấc mơ hòa bình chính là Hà Nội của đời tôi 

Nhà thơ Phan Huyền Thư

Năm 1972, mẹ sinh tôi ở Bệnh viện Bạch Mai, chỉ tám tháng sau đó, Bệnh viện Bạch Mai bị bom B52 tàn phá. Nghe mẹ kể, cả nhà tôi chạy sơ tán về quê nội ở Thạch Thất - Chùa Thầy, tài sản của cả nhà chỉ vẻn vẹn chất trên chiếc xe đạp cà tàng, chăn màn, quần áo, sách vở… Bố dắt xe đạp chở cả gia tài còn mẹ gánh tôi một bên với thúng quần áo tã lót, một bên là bếp dầu và nồi niêu bát đĩa…

Đang đi giữa đường đến Đập Phùng thì lại có báo động máy bay oanh tạc… chưa ai kịp chạy xuống hầm trú ẩn thì bom đã nổ… Sau trận bom bất ngờ, mẹ gào khóc tìm tôi vì quang gánh tung mỗi nơi một thúng… bố tìm thấy tôi sau chiếc thúng lật úp giữa um tùm bụi mía Đập Phùng… nhấc chiếc thúng ra, tôi vẫn tròn xoe mắt nằm mút tay… không một tiếng khóc. Bố mẹ bảo tôi gan dạ từ nhỏ... Sau này nick chat và user name trên mạng của tôi được nhiều người nhớ đến là: b52soc (sóc là tên gọi thân mật ở nhà của tôi có người bạn thân lại bảo tôi, b52 soc lại viết tắt của social là “xã hội b52”…)

Mỗi khi xem lại những thước phim tư liệu về Bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá, mỗi lần thấy cảnh các em bé sơ sinh nằm chung trong những chếc nôi dưới hầm bệnh viện, tôi lại nhói trong ngực như chợt gặp lại hình ảnh ngày mình chào đời trong bom đạn… Vâng, bom đạn - đạn bom và giấc mơ hòa bình… chính là Hà Nội của đời tôi, chính là Hà Nội mà tôi sinh ra, chính là Hà Nội mà vì thế mà tôi cố gắng để sống tốt, sống thay cho những em bé không được làm người trong năm 1972…

Tôi may mắn có duyên nợ với một ông chồng là bạn học chung từ cấp III. Vào lớp Mười - hệ cải cách, tôi mới 13 tuổi (vì đi học sớm một năm). Đó là năm 1985, chúng tôi luôn nói với nhau mình may mắn vì có chung tuổi thơ, có chung kỷ niệm, có chung quá khứ, có chung gian khổ và tất nhiên là có chung Hà Nội nữa… Kỷ niệm khó quên của tôi với người bạn đời là những năm tháng lao động Xã hội chủ nghĩa, chúng tôi chính là lực lượng xung kích đi đổ móng, san nền cho khu tập thể Quỳnh Lôi, hàng tuần, cứ vào chiều thứ Năm là chúng tôi cùng nhau đi sàng xi măng, bột đá và thạch cao để cùng ép gạch đá hoa cho Xưởng Lao động công ích của Trường Thăng Long…

Chúng tôi có chung những kỷ niệm, có chung những vất vả và ngờ nghệch của thời bao cấp, có chung những đau xót khi đoàn quân những người nhập cư mang vào Hà Nội bao nhiêu nếp sống khác lạ, đôi khi làm méo mó, xô lệch phong thái hào hoa phong nhã của người Hà Nội, chúng tôi có chung những hẫng hụt trước những thay đổi chóng mặt của các giá trị đạo đức khi Hà Nội lao vào cơn bão kinh tế thị trường… Tôi chỉ có mỗi một niềm tự hào để nhắc với các con mình mỗi khi đưa các cháu đến Nhà bia Văn Miếu, đứng trước bia cụ Phan Bảng được lập từ đời nhà Lê, để nhắc các cháu tinh thần Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí -Tín… mà tôi đã được ông bà, cha mẹ dạy bảo theo nếp nhà…

Hà Nội với tôi là từng gốc cây ở công viên Thống Nhất, những buổi tối mùa hè chúng tôi đi đổ dế hoặc nhặt ve lột; Hà Nội là những tiếng rao đêm trong màu đông rét mướt, tiếng tàu điện leng keng mỗi Chủ nhật tôi đi học đàn, học hát; Hà Nội là những đêm triền miên mất điện, tiếng kẻng tập thể dục buổi sáng, những hàng người xếp hàng trước các cửa hàng thực phẩm thời bao cấp; Hà Nội của tôi xa rồi, những đêm giao thừa thơm nồng tiếng pháo, từng ô tem phiếu và chiếc thẻ đọc sách thư viện ố vàng…

Hà Nội là nơi tôi sinh ra, tôi lớn lên, tôi trưởng thành, hy vọng, thất vọng, rung động, đau khổ và chấp nhận cuộc đời… Hà Nội là những gì luôn bất ổn, luôn cựa quậy và luôn cam chịu trong con người tôi.

Nhà thơ Phan Huyền Thư 

Hà Nội của tôi, những mùa đông yêu dấu

Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Là một nhạc sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, khi những ca khúc của tôi như Bức thư tình đầu tiên, Bức thư tình thứ 2, Điều hoang đường nhất… được nhiều bạn trẻ biết đến, ai cũng hỏi tôi: Sao anh không viết một ca khúc về Hà Nội? Quả thực, tôi muốn viết một ca khúc về Hà Nội, về mùa đông Hà Nội từ nhiều năm rồi nhưng mãi đến năm 2005 khi tôi 27 tuổi, tôi mới viết Những mùa đông yêu dấu, đơn giản giống như đến lúc để viết ra, đã đến lúc cảm xúc rõ rệt. Kỉ niệm của tôi về Hà Nội gắn với những câu chữ, những mùa đông Hà Nội để khi cảm xúc chín muồi, tôi mới viết rằng Hà Nội của tôi, những mùa đông yêu dấu, rằng thì Hà Nội sẽ không là Hà Nội của tôi nếu ở những mùa khác.

Mùa đông Hà Nội ấy cho tôi thấy những ngôi nhà mặt phố phường giống như những khuôn mặt người nằm ngủ, bảng lảng sương khói. Mở đầu tôi viết về cảnh vật ấy, “những hàng cây chơ vơ, nối nhau về xa tít mờ, nối nhau những khuôn mặt phố”,  đó là cái thân quen nhất. Khi Hà Nội trong khung cảnh ấy, cảnh vật nào cũng nhân cách hóa nó thế, tức là tôi giống như được làm một người tí hon, cái tôi trở về với cái ý nghĩa gì đó thật nhỏ bé, hay cũng là trở về với sự ngây thơ của một đứa bé nữa. Nên tôi viết “Hà Nội hàng năm từng khi gió về, nhắc tôi rằng con tim rất ngây thơ. Yêu một giây phút miệt mài, thương còn thương suốt cuộc đời…”

Thực sự từng chữ trong bài hát này là bộn bề rất nhiều tâm sự, chẳng hạn như tôi có gửi gắm cả nỗi mong rằng Hà Nội nên là thành phố bình yên, thơ mộng với “những bước chân không hối hả, những khuôn mặt không vất vả”, cũng bởi vì suốt tuổi thơ tôi chứng kiến cuộc sống dù rất nhiều cái kham khổ nhưng Hà Nội khi tôi còn nhỏ là như thế, người Hà Nội xưa là như thế, cái đó là vốn quý. Hà Nội cần có không gian cho con người hít thở, sống, và yêu thương. Ít nhất cũng phải có không gian cho trẻ con vui chơi, khám phá.

Bây giờ con người Hà Nội vội vàng hơn xưa nhiều, thỉnh thoảng tôi nghĩ làm sao con người có thể đến đích trước chuyến xe đang mang chở chính mình. “Chuyến xe” ấy tôi cũng gửi gắm vào ca khúc này dù nó không nhằm diễn giải cụ thể điều tôi suy nghĩ ở trên.

Cuộc sống thay đổi, có rất nhiều điều ta không biết trước, sương mù ở Hà Nội cho tôi điều kiện để tôi đặt những hoài nghi sau “những ô cửa kính mờ”, tôi cần khám phá và đi giải đáp dần dần. Trong quá trình ấy, tiếp tục yêu Hà Nội cũng như mùa đông Hà Nội, thì có một quan niệm tôi luôn tin rằng, tôi đã và sẽ có thêm “những giấc mơ không thành”, và cả “những hạnh phúc ngọt lành”.

Mùa đông Hà Nội nhiều cái hay, khi đó tôi viết được, cảm nhận được về chính mình với cuộc sống Hà Nội nói chung. Con người Hà Nội vào đông là những con người cô đơn, họ có thể đã đang và sẽ ngày càng khác nhau rất nhiều điểm, nhưng mùa đông làm cho người trú ngụ tại Hà Nội luôn giống nhau ở một điểm là ai ai cũng cần được sưởi ấm, theo mọi nghĩa. Tôi đặt tên bài là Những mùa đông yêu dấu, cái tên cũng như là để sưới ấm.

Nhạc sĩ ĐỖ BẢO 

CÓ MỘT MÙA HÀ NỘI

Ca sĩ Hà Anh Tuấn

Tôi xa Hà Nội từ bé, tôi theo gia đình vào TP.HCM học và sau đó, sang Đức du học. Lúc đó, Hà Nội của tôi là một thế giới rộng lớn nhưng thật xa xăm, trong kí ức của tôi, Hà Nội đẹp một cách cũ kĩ, nhiều cây cối, tôi nhớ cả những cây sấu mỗi mùa lá rụng đến những tiếng rao đêm. Lạ thật, tôi đi nhiều nơi lắm nhưng cái tôi ấn tượng nhất về Hà Nội là cảm giác được mùa một cách rõ rệt, khiến người ta có thể thốt lên: “Ồ, Hà Nội. Trời vào thu” nhưng khó có thể tìm được cảm giác đó ở một nơi khác trên đất nước mình.

Năm 2006, tôi về nước để tham gia cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn. Lần quay lại Hà Nội này, đặt chân xuống đã có nhiều cảm xúc ùa về, có thể là nỗi nhớ. Sau này, mỗi khi ra Hà Nội diễn, tôi thường hát bài Nỗi nhớ mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang, phỏng thơ Thảo Phương. Tôi nao lòng khi hát: “Gió mùa đông bắc se lòng, chút lá thu vàng đã rụng. Giờ đây cũng bỏ ta đi….”

Hà Nội hôm nay hiện đại, năng động, nhiều phố phường, quán xá. Tôi hay ngồi ở quán cà phê để trải nghiệm phố phường Hà Nội, con người Hà Nội, có thể nhiều người cho rằng, cà phê Hà Nội không ngon như cà phê Sài Gòn nhưng có lẽ, tôi thích vậy, vì ngồi đây là tôi đã nhấm nháp cả mùi vị của thời gian và nỗi nhớ. Nhiều khi tôi để ý đến một gánh hàng rong hay chỉ là một em bé Hà Nội lững thững dạo bước trên vỉa hè cũng cho tôi cảm nhận được cuộc sống rất riêng. Hà Nội của tôi là vậy, đến từ những điều bình thường nhất.

Nhiều bạn bè hỏi tôi, có bao giờ  có ý định ra Hà Nội làm việc nhưng tôi nghĩ, Hà Nội của tôi cũng như bao người khác, “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”, công việc của tôi hiện tại phù hợp với TP.HCM hơn nên tôi ở đây. Tôi vốn thích sống chậm, nên nhìn Hà Nội cũng chậm và tôi tin vậy, góc nhìn chậm sẽ dựng “khuôn hình Hà Nội” của tôi đẹp hơn, ồn áo và vội vã quá sẽ mất đi chất thơ vốn có.

Ca sĩ HÀ ANH TUẤN

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất