| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội đêm vĩnh biệt

Chủ Nhật 13/10/2013 , 19:43 (GMT+7)

Điều gì thôi thúc hàng trăm nghìn đồng bào cùng hướng chung trái tim, kiên nhẫn xếp hàng cả ngày dài, chờ được một lần chắp tay vái trước linh cữu Đại tướng?

Họ, những thị dân Thủ đô quanh năm bon chen, quần quật với công việc kinh doanh, những em bé chỉ mới nghe từ chiến tranh qua trang sách, những học sinh sinh viên vùi đầu với sách vở... Điều gì thôi thúc hàng trăm nghìn đồng bào cùng hướng chung trái tim, kiên nhẫn xếp hàng cả ngày dài, chờ được một lần chắp tay vái trước linh cữu Đại tướng?


Biển người đêm vĩnh biệt Đại tướng trên đường Hàn Thuyên.

Đêm 12/10, đêm cuối cùng linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở lại với người dân Thủ đô. Dẫu biết rằng ngày mai, Đại tướng sẽ về quê hương đất tổ Quảng Bình như ý nguyện của Người. Nhưng sự nuối tiếc, cô đơn, nóng lòng, thấp thỏm cứ dâng trào, hiện rõ trên khuôn mặt của hàng nghìn người dân đang kiên nhẫn xếp hàng lặng lẽ chờ đến lượt vào viếng Đại tướng.

Gần 21h đêm (thời điểm kết thúc lễ viếng theo thông báo trước đó của Ban tổ chức lễ tang), nhưng dòng người vẫn ken kín từ các hướng đường Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Phan Chu Trinh... đổ về hướng phố Tăng Bạt Hổ - Lê Thánh Tông, nơi có Nhà tang lễ Quốc gia như không ngưng nghỉ. Không còn xếp hàng 2, hàng 3 nữa, dòng người đã chật kín con đường Hàn Thuyên, kéo dài hàng km ra tới phía đường Phan Chu Trinh.

Hòa vào dòng người ấy, tôi như quên hẳn mình là phóng viên đang tác nghiệp. Hai vợ chồng trẻ trạc 35 tuổi đứng cạnh tôi tay vẫn ôm bó hoa cúc vàng, chị vợ tên Nguyễn Thị Tuyết, quê xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị kinh doanh cửa hàng hoa quả ở chợ Long Biên. Công việc kinh doanh rất bận nhưng hôm được tin Đại tướng mất, hai vợ chồng chị đã tạm gác công việc, kiên nhẫn chờ suốt cả ngày và đêm 9/10, tới tận 7h sáng hôm sau (10/10) thì đã được vào viếng một lần tại tư gia của Đại tướng (số 30 Hoàng Diệu). “Tôi không được biết chiến tranh, nhưng bố tôi là thương binh, đi bộ đội ở chiến trường Quảng Trị. Ông cụ kể rất nhiều về Đại tướng, về những cuộc chiến. Vì thế dù đã được viếng một lần, nhưng hôm nay, vợ chồng tôi muốn viếng Đại tướng một lần nữa để chào vĩnh biệt trước khi người về an nghỉ tại quê hương. Hai vợ chồng tôi xếp hàng từ phố Phan Chu Trinh từ lúc 5h chiều, nghe nói sắp hết giờ viếng nhưng chúng tôi cứ đợi bằng được thì mới về” - chị Tuyết mắt ngân ngấn hướng về dòng người phía trước.

20h50, những người dân cuối cùng may mắn kịp vào viếng Đại tướng. Mắt đỏ hoe, chị Phạm Thị Quyên (34 tuổi, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) lặng lẽ dắt tay cậu con trai Nguyễn Bảo Anh (học sinh lớp 4A1, trường Tiểu học Tô Hiến Thành) vừa rời Nhà tang lễ Quốc gia. Chị Quyên làm đầu bếp cho một quán phở trên phố Hàng Bồ, cả tuần nay nghe tin Đại tướng mất nên đã quyết tâm nghỉ việc một ngày, tới xếp hàng từ 14h chiều nhưng mãi tới gần 21h đêm mới được vào viếng. “Cháu đọc sách và nghe cô giáo nói Đại tướng là người anh hùng cứu nước, giải phóng dân tộc nên cháu bảo mẹ cháu đưa đi viếng. Lớp con hôm nay cũng có nhiều bạn đi viếng nữa” - cháu Bảo Anh giải thích.

21h55, tôi quay lại phía đường Hàn Thuyên khi dòng người vẫn đổ về ngày càng đông. Từ phía đầu phố Tăng Bạt Hổ, có người chạy vội về phía đường Hàn Thuyên nói to: “Chín giờ chưa đóng cửa, cho viếng tới 12 giờ đêm bà con nhé!”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.