| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội hình thành vùng chuyên canh khoai lang

Thứ Hai 30/01/2012 , 09:46 (GMT+7)

Trồng khoai lang hợp với cơ cấu chuyển dịch cây trồng theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho bà con nông dân ở một số huyện thuộc ngoại thành Hà Nội...

Hà Nội hình thành vùng chuyên canh khoai lang đặc sản

Những năm gần đây khoai lang đang được coi là cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông bởi quy trình canh tác đơn giản, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân trong khi hiệu quả kinh tế khá cao mà chi phí lại thấp.

Hoàng Long là giống khoai lang đặc sản của Việt Nam với chất lượng thơm, ngon, dẻo được thị trường ưa chuộng. Trồng khoai lang hợp với cơ cấu chuyển dịch cây trồng theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho bà con nông dân ở một số huyện thuộc ngoại thành Hà Nội có chân đất canh tác khó khăn như: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh… Mới đây Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội đã cùng xã Đồng Thái (Ba Vì) mà trực tiếp là Ban quản lý HTX Tri Lai tham gia mô hình thực nghiệm trồng khoai Hoàng Long với quy mô sản xuất 3 ha.

Việc ký hợp đồng thực nghiệm sản xuất khoai với HTX Tri Lai trong vụ thu đông năm 2011 đã giúp HTX chủ động điều hành sản xuất kịp thời ngay từ những ngày đầu vụ. Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng Ban quản lý HTX tập huấn kỹ thuật, chỉ đạo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế, bảo quản đúng quy trình kỹ thuật...

Kết quả khá khả quan. Với năng suất 800-850kg/sào tức 23-24 tấn/ha, vụ khoai lang Hoàng Long năm 2011 ở Tri Lai đã cho thu 209.000.000 đồng/ha. Với chi phí cực thấp, mô hình trồng khoai lang đặc sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với các cây màu khác trong vùng. Hạch toán cụ thể, chi phí sản xuất 14.000.000 đồng/ha (trong đó giống 3.350.000 đồng, phân bón 10.230.000 đồng, chi phí khác 420.000 đồng) thì hiệu quả kinh tế ước đạt 195.000.000 đồng/ha.

Ngoài thu nhập từ sản phẩm chính là củ, một số hộ xã viên còn thu nhập từ nguồn bán hom giống với bình quân mỗi sào được 800.000 - 1.000.000 đồng hay bán ngọn khoai lang làm rau sạch cho nhà hàng đặc sản, cho nhân dân trong vùng; bán hoặc tận dụng dây khoai lang cho chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia súc…

Tuy nhiên, qua mô hình thực nghiệm này có thể thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế như hệ thống cơ sở vật chất, máy móc thiết bị làm đất, thu hoạch, công nghệ sơ chế, bảo quản chưa đồng bộ. Trình độ quản lý, kỹ thuật cũng như việc tuyên truyền, xúc tiến thương mại, sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao của cán bộ, nông dân còn hạn chế, dẫn đến giá trị sản phẩm hàng hóa đạt được còn chưa cao. Công tác quy vùng sản xuất chưa ổn định…

Do vậy Hà Nội xác định phương hướng sản xuất khoai lang Hoàng Long năm 2012 sẽ tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm khoai lang đặc sản Tri Lai - Đồng Thái - Ba Vì. Xây dựng, phát triển vùng sản xuất khoai lang đặc sản Hoàng Long tại Tri Lai và các vùng phụ cận với quy mô bước đầu 150 - 200 ha, năng suất bình quân phấn đấu đạt 27 - 30 tấn/ha/vụ. Xây dựng được các mô hình sản xuất khoai lang đặc sản hiệu quả kinh tế cao làm tiền đề mở rộng diện tích ở những năm tiếp theo ở những địa phương có địa hình canh tác phức tạp, không chủ động được nguồn nước tưới (Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh…) góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo định hướng phát triển nền kinh tế hàng hóa nông nghiệp đô thị.

Để làm được điều đó Hà Nội xác định hàng loạt những giải pháp thực hiện một cách đồng bộ như sau: Tăng cường mối quan hệ hợp tác 4 nhà tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao. Đào tạo nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật cao cho vùng sản xuất khoai lang đặc sản để tiến tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm khoai lang đặc sản Hoàng Long. Tăng cường công tác tuyên truyền trên báo, đài truyền hình Trung ương, Hà Nội để cán bộ, nông dân hiểu được mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của mô hình, quyền lợi, trách nhiệm của người sản xuất, người tiêu dùng khi tham gia. Từ đó xây dựng được nhiều vùng sản xuất khoai lang đặc sản tại một số huyện ngoại thành Hà Nội. Ngoài ra cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh, phòng chống thiên tai, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả cao.

Tập trung công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất khoai lang năm 2012. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch và triển khai đúng nội dung, yêu cầu tiến độ của kế hoạch, nhằm đạt được hiệu quả cao trong sản xuất khoai lang năm 2012.

Hà Nội đang kiến xây dựng Dự án phát triển sản xuất khoai lang đặc sản thành vùng hàng hóa quy mô 500 ha giai đoạn 2012 - 2015, phát triển sản xuất có hiệu quả, hướng tới xuất khẩu, phấn đấu đạt 300 - 350 triệu đồng/ha đất canh tác/năm. Mở rộng diện tích khoai lang Hoàng Long nhằm khôi phục và phát triển giống khoai bản địa đang có nguy cơ bị các giống ngoại chiếm ưu thế.

Kỹ thuật trồng khoai lang: Dây giống phải đảm bảo khỏe mạnh, không sâu bệnh chưa ra rễ và hoa; dây bánh tẻ. Tuổi dây từ 45 - 75 ngày tuổi. Chỉ sử dụng dây đoạn 1 và 2 kể từ ngọn để làm dây giống, độ dài dây giống 25 - 30 cm. Mật độ trồng: 38.000 - 40.000 dây/ha; khoảng cách dao động 5 - 6 dây/m chiều dài luống. Trồng hàng đơn, vùi dây giống ở giữa dọc theo luống và nối đuôi nhau (đoạn dây này song song với mặt luống), ngọn trên mặt luống 5 - 10 cm (2 đốt), độ sâu vùi khoảng 5 cm.

Thường xuyên giữ đất ẩm, độ ẩm thích hợp khoảng 65 - 80%. Bấm ngọn: tiến hành sau trồng khoảng 25 - 30 ngày để tăng cường sinh trưởng, phát triển thân lá giai đoạn đầu, tăng cường tích lũy chất hữu cơ. Nhấc dây làm đứt rễ con để tập trung dinh dưỡng về củ. Nhấc dây cần tiến hành thường xuyên, nhấc xong phải đặt đúng vị trí cũ không lật dây, tránh gây tổn thương đến thân lá.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.