| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội lập 'phòng tuyến' ngăn chặn cúm gia cầm

Thứ Sáu 07/04/2017 , 15:05 (GMT+7)

Virus cúm A/H7N9 được phát hiện trên gia cầm, môi trường và người ở 16 tỉnh của Trung Quốc, phát tán trong gia cầm và lây lan sang người từ đầu năm 2013. Nguy cơ rất lớn lây lan...

Nguy cơ rất lớn lây lan vào Việt Nam qua những tỉnh giáp ranh…
 

Rốt ráo phòng ngừa

Tính đến ngày 22/2/2017 ở Trung Quốc đã tìm thấy virus lây nhiễm cho 1.230 người nhiễm và khiến 428 người tử vong (tỷ lệ tử vong gần 40%). Bởi các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt nên nguy cơ virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) chưa có ở Việt Nam xâm nhập vào là rất cao.

09-31-29_dsc_7083
Không chỉ giám sát thú y tại Hà Nội mà còn phải giám sát thú y ở các tỉnh có hàng bán vào

Thủ đô Hà Nội không nằm ngoài xu thế đó dù hệ thống phòng ngừa của địa phương này phải nói là khá mạnh gồm Chi cục Thú y với 4 phòng chức năng; 30 trạm thú y quận, huyện, thị xã; 1 đội kiểm dịch động vật lưu động và 3 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, tổng quân số 1.164 người.

Không lơ là trước nguy cơ hiển hiện, ngày 13/2/2017 Sở NN-PTNT và Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp tổ chức diễn tập ứng phó khẩn cấp chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 với tình huống giả định: Tại chợ buôn bán gia cầm Hà Vỹ phát hiện mẫu dương tính với cúm A/H7N9; Trên người phát hiện có trường hợp người mắc bệnh với biểu hiệu triệu chứng của cúm A/H7N9.

Ngành nông nghiệp, y tế và các ngành của địa phương đã diễn tập ứng phó khẩn cấp các biện pháp phòng, chống cúm A/H7N9, bao gồm: Cách ly khu vực chợ gia cầm, lập chốt kiểm soát, đóng cửa chợ, tổ chức tiêu hủy gia cầm, tiêu độc khử trùng khu vực chợ, phong tỏa khu vực nhà người bệnh, tổ chức điều tra dịch tễ ca bệnh, tiêu độc khử trùng khu vực xung quanh nhà người bệnh, cấp cứu bệnh nhân tại bệnh viện đa khoa, cách ly bệnh nhân và tiến hành các biện pháp xử lý y tế theo quy định…

Diễn tập được Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao.

Trong thời điểm nguy cơ xâm nhập của virus cúm gia cầm cao; Sở NN-PTNT Hà Nội đã chủ động hỗ trợ bổ sung hoặc đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã cấp hóa chất tăng cường vệ sinh tiêu độc tại chợ kinh doanh gia cầm – sản phẩm gia cầm với tần suất 2 ngày/lần và định kỳ đóng của chợ tổng vệ sinh tiêu độc.

Hướng dẫn các đơn vị chức năng phân tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm; Chỉ đạo hệ thống từ thành phố đến cơ sở bám sát địa bàn, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới hộ chăn nuôi nhằm đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời để khoanh vùng, khống chế không để lây lan rộng; Duy trì chế độ báo cáo hàng ngày về đường dây nóng của Chi cục Thú y (04.33800115)...
 

Liên kết sức mạnh

Tuy nhiên trong việc ngăn ngừa dịch bệnh, Thủ đô không thể làm đơn độc được vì hiện nhu cầu tiêu thụ gia súc, gia cầm đang vượt quá khả năng sản xuất của mình.

09-31-29_dsc_6964
Một trang trại chăn nuôi lợn sinh sản

Đến nay Hà Nội đã ký kết với 24 tỉnh, thành phố phía Bắc trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật. Hàng năm đều có trao đổi thông tin và kinh nghiệm về qui hoạch phát triển chăn nuôi, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng hệ thống thú y cơ sở; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Tăng cường kiểm soát chất lượng các sản phẩm của chăn nuôi được đưa vào thị trường các tỉnh, thành phố nhằm giám sát tốt từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, phân phối, tiêu thụ. Truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi đưa vào thị trường. Khuyến khích và kết nối, thu hút các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa các tỉnh, thành theo quy mô vùng, liên vùng giữa các tỉnh, thành phố cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và ngược lại.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như trong công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển về Hà Nội của một số tỉnh còn nhiều trường hợp sơ suất. Đến nay Nghị định 119/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi không còn phù hợp nên gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm.

Việc bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh dẫn đến tình trạng động vật sản phẩm động vật từ các địa phương giáp ranh vào địa bàn các tỉnh với danh nghĩa là lưu thông nội tỉnh nên rất khó quản lý, kiểm tra và xử lý các vi phạm. Việc cung cấp thông tin kiểm dịch giữa các tỉnh không có mẫu biểu thống nhất, nên công tác tổng hợp số liệu gặp rất nhiều khó khăn. Chưa cập nhập thường xuyên danh sách các cơ sở giết mổ, sơ chế, kinh doanh đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm…

Việc kiểm soát động vật, sản phẩm động vật còn nhiều hạn chế do số lượng động vật, sản phẩm động vật nhập về Hà Nội hàng ngày rất lớn trong khi đó số lượng cán bộ thú y không đủ để kiểm tra, kiểm soát hết. Sản phẩm động vật nhập về Hà Nội của một số tỉnh chưa kiểm tra, kiểm soát và niêm phong chặt chẽ vì vậy trong quá trình vận chuyển chủ hàng đã thay đổi, đánh tráo hàng hóa không đảm bảo tiêu thụ trên thị trường.

Để kiểm soát ngày một chặt chẽ hơn, Hà Nội kiến nghị Bộ NN-PTNT cập nhật, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, các nước trong khu vực để thông báo đến các tỉnh, thành phố, hướng dẫn các biện pháp chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác kiểm dịch động vật nhằm kiểm soát chặt chẽ công tác kinh doanh, vận chuyển động vật.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo các ban, ngành tăng cường phối hợp cùng Sở NN-PTNT thanh, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo các huyện, thị xã quy hoạch các điểm, khu chăn nuôi, giết mổ tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Bố trí kinh phí mua bổ sung trang thiết bị, vật tư, tập huấn nâng cao năng lực hệ thống thú y và trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

 

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.