| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội - Thành phố trong mộng tưởng

Thứ Sáu 27/01/2017 , 08:01 (GMT+7)

Quãng trung tuần tháng mười rồi, nhân có một người bạn từ Sài Gòn ra Hà Nội vì công chuyện, chúng tôi, mấy người bạn cũ thời đại học kéo nhau ra cà-phê Lục Thủy cạnh Hồ Gươm.

Khác hẳn cách đây vài năm, khi gặp còn có cái không khí của những kẻ đồng môn, nghĩa là còn những câu đùa trêu, tếu táo, cãi cọ. Giờ đã vào tuổi chớm già, lại thêm cái se se lạnh của buổi tối mùa thu miền Bắc, nên không khí gặp có phần trầm lắng.


Bùi Xuân Phái – Phố Hàng Mắm. 1984, sơn dầu. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam
 

Mọi người nhâm nhi cốc nước nhìn ra mặt hồ lung linh, lúc này đã lộng lẫy những hoa đèn, trên trời dưới nước. Tôi nghĩ đến cái ý của một nhà văn nước ngoài ví Hồ Gươm như một lẵng hoa giữa lòng thành phố.

Bỗng một người bạn nói: “Đã đi nhiều nước, đến tuổi này, giờ lắng lại mới thấy Hà Nội đẹp, đất nước mình thiên nhiên thật đẹp, chỉ có người mình làm cho nó xấu đi. Này nhé, có thủ đô nào có cái hồ rộng nằm chính giữa lòng thành phố? Rồi Hồ Tây nữa, mọi người có biết nó rộng bao nhiêu không, tới 500 hecta, chu vi 18 cây số.

Xưa kia chưa có nhiều nhà cao tầng, lúc hoàng hôn đứng bờ bên này hồ thấy như mặt trời lặn xuống nước bên kia hồ. Mà xưa nữa, tất cả các con hồ của thành phố nối thông nhau. Hồ Tây thông với sông Hồng, thông với Hồ Gươm, rồi với hồ Thuyền Quang, hồ Bảy Mẫu, với cả chục con hồ khác nữa. Nếu mà giữ được nguyên trạng như thế giờ ta đã có một thành phố sông hồ độc nhất vô nhị trên thế giới”.

Tôi chợt tự hỏi vì sao mỗi khi nói đến Hà Nội, người ta hay nhớ, hay nói về Hà Nội xưa. Nguyễn Tuân trong một bài tùy bút viết vào những năm 70 thế kỉ trước có kể, một chiều đông, đứng bên hồ phía phố Hàng Khay, nhìn những con sóng nhỏ lăn tăn theo gió mùa đông bắc thổi từ phía nhà Thủy Tạ, đền Ngọc Sơn lại, ông thấy vô cùng xúc cảm: chính những con sóng này đã từng như vậy từ thời Lê Thái Tổ, thế kỉ 15, rồi thời Lê - Trịnh. Có một Hà Nội mà chúng ta đang sống với ngổn ngang những lo toan, bực dọc, những thứ “nạn” đủ loại.

Nhưng còn có một Hà Nội trong tâm tưởng, trong giấc mộng trong nỗi nhớ của cộng đồng người Việt Nam, nó như chiều thứ tư của một Hà Nội bốn chiều trọn vẹn. Ta thử hình dung nếu không có phần Hà Nội ở chiều thứ tư ấy, Hà Nội sẽ nghèo nàn đến thế nào. Chính các tác phẩm văn học, nghệ thuật (hội họa, âm nhạc…) hay nhất là viết về cái Hà Nội này. Nhiều lắm, ở đây chỉ kể vài ví dụ.

Hình ảnh Hà Nội trong hoài nhớ bắt đầu có từ cuối thế kỉ 18 - đầu 19 khi vua Gia Long, năm 1802 chuyển đô và Phú Xuân, Thăng Long chỉ còn là Bắc thành, cố đô. Nổi tiếng là các bài thơ của nhà thơ hoài cổ bậc nhất Việt Nam, Bà Huyện Thanh Quan.

Viết về Thăng Long, Thanh Quan có hai bài là "Thăng Long thành hoài cổ" và "Qua Chùa Trấn Bắc". Trong thơ của Bà, Thăng Long xưa chỉ còn vài hồi quang hắt về hiện tại với “lối xưa xe ngựa”, “lâu đài”, “hành cung” đã cho ta một hình dung về một Kinh đô nhộn nhịp, vàng son, huyền ảo. Đối lập lại với cảnh hiện tại hoang vắng, lụi tàn.

Nguyễn Du, người cùng thời, cũng với tâm trạng ấy, sau mười năm gặp lại Thăng Long: “Thiên nhiên cự thất thành quan đạo/Nhất phiến tân thành một cố cung” (Những ngôi nhà đồ sộ nghìn xưa nay thành đường cái / Một tòa thành mới làm mất dấu vết cung điện cũ). Viết trực tiếp về Thăng Long Nguyễn Du có ba bài thơ: Hai bài thất ngôn bát cú và bài thơ dài "Long Thành cầm giả ca".

Cả ba bài đều bằng chữ Hán, được sáng tác năm 1813, khi nhà thơ đi sứ Trung Quốc, trên đường đi có nghỉ lại Thăng Long. Thăng Long là nơi Nguyễn Du sinh ra và suốt một thời tuổi trẻ sống ở đó trong môi trường quý tộc trừ một vài năm ông ở Sơn Nam trấn (vùng cận Nam Thăng Long) và có lúc chạy loạn về Thái Bình quê vợ (năm 1789). Nguyễn Du nếu không thể coi là quê Thăng Long thì hoàn toàn có thể gọi là người Thăng Long, người Hà Nội. Năm 1802, Gia Long diệt Tây Sơn, Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn, 1805 ông vào nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân. Vậy là sau chừng trên dưới 10 năm ông gặp lại Thăng Long.

Lúc này Nguyễn Du 47 tuổi, đầu đã bạc. Cả hai bài thơ đều nói đến mái tóc bạc: “Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long” (Bạc đầu rồi còn được thấy Thăng Long”. Thanh Quan hay nói đến cảnh, Nguyễn Du lại hay nói đến người. Ở cả ba bài, Nguyễn Du đều nói đến người Thăng Long, những “mĩ nhân”, “hiệp thiếu”, tức là những người hào hoa của Kinh đô xưa bây giờ đã tàn tạ. Bài "Long Thành cầm giả ca" kể lại cuộc gặp, sau 20 năm của nhà thơ với người con gái chơi đàn ở đất Thăng Long.

Lần trước (1793) là ở trong bữa tiệc ở Hồ Giám, khi đó nàng chừng hai mốt tuổi, vẻ mặt hoa đào, dáng điệu dễ thương. Giờ gặp lại nhà thơ thấy một người hoàn toàn khác: bé nhỏ, tóc hoa râm, đôi mày phờ phạc. Nhà thơ hết sức cảm hoài. Giống như Bạch Cư Dị trong bài thơ Tỳ Bà Hành, Nguyễn Du thương cảm những người kĩ nữ tài sắc mệnh bạc, song ở bài thơ của ông còn có cảm hoài về sự tàn phai của vẻ đẹp Kinh đô. Cô Cầm chính là biểu tượng của Thăng Long vì, như nhà thơ nói, nàng là người tài hoa nhất thành thời bấy giờ và tiếng đàn của nàng chung đúc thành “vật báu vô giá đất Tràng An” (Hoạt tố Tràng An vô giá bảo). Sắc đẹp tàn phai của cô Cầm cũng là vẻ đẹp đã mất của Thăng Long.

Hình ảnh “Hà Nội xưa”, “Mơ về Hà Nội”, “Hà Nội nơi xa”... ra đời trong bối cảnh xã hội li tán. Thế kỉ 18 là thế kỉ xáo trộn, nội chiến và li tán. Thế kỉ 20 cũng là thế kỉ li tán, vì chiến tranh, cả vì di cư kinh tế. Người Hà Nội đốt thành lên chiến khu kháng chiến năm 1946, cuộc di cư vào Nam năm 1954, đợt Nam tiến sau năm 1975... Có rất nhiều những giấc mơ về Hà Nội trong những năm văn nghệ sĩ đi Kháng chiến chống Pháp. Bàng Bá Lân có bài thơ "Mơ về Hà Nội" viết trên chiến khu Việt Bắc năm 1951: “Nghiên đá Đền Sơn cỏ sẫm rêu?/Kính Thiên Bút nọ đã lên meo?/Muốn về nâng bút dầm nghiên đá/ Pha nước Hồ Gươm viết thật nhiều.

Nguyễn Tuân trong bút kí "Tình chiến dịch" (Xuân 1950) cho biết đã bao lần từng đeo ba lô lưng đẫm mồ hôi tần ngần đứng bên những "thạch tiêu” trên quốc lộ hướng về Hà Nội mà suy nghĩ: “Đi đến đâu, dù sơn cùng thủy tận... tất cả những mạch thủy lục đều dắt tâm hồn người bộ hành về Hà Nội. Chốn ấy là một tâm sự làm nặng thêm bạc đà kháng chiến”.. Rồi Quang Dũng mơ về Hà Nội trên đường Tây Tiến, Huỳnh Văn Nghệ trong chiến trường khu V… nhiều lắm, không kể xiết.

Hồi đất nước bị chia cắt thành hai miền Bắc Nam, nhà văn Hà Nội di cư Vũ Bằng viết những bút kí về Hà Nội với cảm xúc “thương nhớ” rất ngọt ngào: “Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những chồi sơn trúc, thạch hương ở Nghi Tàm có còn chứa phong quang như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào? Con đường Bách Thảo thơm nức mùi lan tây, hàng đêm, ta vẫn đi cùng người vợ bé nhỏ, bồng bế con trên tay để đi thăm người bạn sống cô chích ở trong vườn bìm bịp bây giờ ra thế nào...".

Kí Vũ Bằng về những “món ngon Hà Nội”, tùy bút Nguyễn Tuân về Hà Nội “vang và bóng”, cũng như tranh Bùi Xuân Phái vẽ một con phố vắng lặng, cũ màu, nhịp sống uể oải, bóng người đơn côi, rồi trong âm nhạc của Anh Bằng hát “Tôi xa Hà Nội”, Trần Tiến hát “Hà Nội ngày ấy"... đều là cùng một lối cảm nhận, diễn giải về Hà Nội xưa, hình ảnh Hà Nội trong tâm tưởng.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất