| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội: Trạm bơm, trường học sẽ bị tăng giá điện?

Thứ Tư 15/09/2010 , 09:43 (GMT+7)

Sở Công thương Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Công thương xin được tăng giá bán điện cho các trạm bơm tưới tiêu, trường học và điện sản xuất...

Giá điện phục vụ tưới tiêu tại Hà Nội đang được kiến nghị tăng giá

Sở Công thương Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Công thương xin được tăng giá bán điện cho các trạm bơm tưới tiêu, trường học và điện sản xuất nếu như các đối tượng này mua điện qua tổ chức kinh doanh điện nông thôn.

Theo ông Phạm Trung Sơn, PGĐ Sở thì trong cơ chế giá điện hiện nay, tất cả các tổ chức kinh doanh điện nông thôn ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề và sẽ tan rã dần vì những quy định về mức giá đầu vào - đầu ra bất hợp lý.

Ông Sơn phân tích, nếu phục vụ cho bơm tưới tiêu, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn sẽ phải mua buôn điện từ TCty Điện lực Hà Nội với giá là 703 đồng/kWh. Sau đó, các tổ chức này bán lẻ cho các trạm bơm tưới tiêu chỉ được phép tính giá là 717 đồng/kWh (giờ bình thường). Khi đó, các tổ chức trung gian này chỉ được ăn chênh lệnh 14 đồng/kWh. Ngoài ra, với tỷ lệ tổn thất điện năng lưới hạ áp nông thôn theo quy định là 10% thì khi cộng cả vào giá thành, giá bán lẻ điện cho trạm bơm tưới tiêu phải là 770 đồng/kWh thay vì mức 717 đồng/kWh trên. Như vậy, mỗi kWh điện bán cho đối tượng này, các tổ chức kinh doanh đang bị lỗ 53 đồng/kWh.

Đồng thời với việc kiến nghị tăng giá bán điện cho các trạm bơm tưới tiêu, Sở này cũng đề xuất tăng đối với giá mua buôn điện đầu vào cho các trường học. Theo lý luận của cơ quan quản lý điện Thủ đô thì giá mua điện của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn được quy định là 1.010 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán ra cho các trường học là 1.063 đồng/kWh, cho sản xuất là 1.023 đồng/kWh (giờ bình thường). Sở Công thương Hà Nội khẳng định, giá mua buôn điện cho sản xuất, trường học phải nhân với tỷ lệ 10% tổn thất điện năng, và do đó, mức giá đầu vào không còn là 1.010 đồng/kWh mà là 1.111 đồng/kWh. Vì thế, với mức giá bán lẻ đầu ra như trên, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn bán cho sản xuất đã lỗ 88 đồng/kWh và  bán cho trường học lỗ 48 đồng/kWh. Với phân tích đó, Sở kiến nghị  lên Bộ Công thương cân đối, điều chỉnh giá bán lẻ đầu ra cho 3 đối tượng trên mức tăng thêm 15%, bao gồm 10% là tổn thất điện năng.

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, mô hình kinh doanh điện nông thôn là thể hiện xu hướng xã hội hóa ngành điện, nhằm xóa bỏ độc quyền trong phân phối. Các mức giá trên khiến cho các tổ chức kinh doanh điện nông thôn không trụ được và rốt cục, coi như bị ép phải bàn giao lại cho ngành điện quản lý.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.