| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh đột phá từ “hai giảm, ba tăng”

Thứ Sáu 16/01/2015 , 07:45 (GMT+7)

Là một địa phương có điểm xuất phát thấp, sau 4 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã có 26 xã về đích, vươn lên tốp dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng NTM.

Sự phát triển đột phá nói trên bắt nguồn từ tư duy lãnh đạo, chỉ đạo được quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị, đó là phương châm “Hai giảm, ba tăng” mà ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh, đã đúc kết.

11-51-30_img_6563
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (đội mũ trắng) tham quan mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả ở Cẩm Xuyên

Bốn năm đại thắng

Bốn năm qua đã thành thông lệ, vào thứ 7 hằng tuần đoàn kiểm tra NTM của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự dẫn đầu đã có mặt ở hầu hết các địa phương để kiểm tra, nắm tình hình thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Thông qua những ngày “thứ 7 NTM” này lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, đồng thời gợi mở, hướng dẫn các địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.

Cùng với đó, cán bộ Văn phòng Điều phối Chương trình NTM hầu như không có ngày nghỉ, trong những giấc ngủ vẫn chập chờn kế hoạch làm NTM, những đêm tuyên truyền về tận các miền quê với hình thức phong phú, sinh động đã nhân lên khí thế sôi nổi giữa các thôn, xóm.

Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, tâm sự, về với các địa phương xây dựng NTM mới hiểu hết được lòng dân. Bằng việc trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng, xã nghèo Thanh Lộc (Can Lộc) trên dưới một lòng cùng nhau hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Xốc lại tinh thần đồng tâm chung sức, chỉ trong vòng 9 tháng cuối năm 2014, người dân Xuân Viên (Nghi Xuân) đã hoàn thành thêm 9 tiêu chí để về đích một cách đầy thuyết phục.

“Suy cho cùng, xây dựng NTM là chăm lo cho đời sống nhân dân. Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, không có con đường nào khác ngoài chăm lo phát triển SX, giữ gìn văn hóa, bảo vệ môi trường”, ông Oánh bộc bạch.

Khi ý Đảng hợp lòng dân, chủ trương được hiện thực hóa bằng những chính sách, cách làm cụ thể, sáng tạo mà thực tiễn. Trước năm 2010, mỗi năm Hà Tĩnh chỉ dành 5 - 7 tỷ đồng cho chính sách nông nghiệp thì năm 2011 là 30 tỷ đồng, năm 2012 lên 65 tỷ đồng, năm 2013 là 80 tỷ đồng và năm 2014 là 170 tỷ đồng.

Liên kết hóa trong SX, DN hóa sản phẩm, xã hội hóa đầu tư, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học công nghệ mới tạo sự đột phá và bền vững. Đây cũng là yếu tố cốt lõi mà Hà Tĩnh luôn đặt vị trí hàng đầu xuyên suốt trong tiến trình xây dựng NTM.

Hà Tĩnh cũng đã xây dựng dự thảo quy định sửa đổi, bổ sung tỷ lệ được sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung công việc cụ thể có sử dụng vốn Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2015-2020. Qua đó Văn phòng Điều phối NTM đã khảo sát cụ thể ở các xã nhằm có sự phân bổ đúng, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn.

Bốn năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã huy động tổng nguồn lực được 2.755.033 triệu đồng, đạt được kết quả toàn diện, rõ nét, lan tỏa về chiều rộng và từng bước đi vào chiều sâu; 28 khu dân cư kiểu mẫu, 270 vườn mẫu đạt chuẩn hiện diện và nhân ra diện rộng, hơn 5.556 mô hình kinh tế hiệu quả (năm 2014 hình thành mới 2.556 mô hình SX, kinh doanh hiệu quả, trong năm số mô hình liên kết với DN tăng thêm 317 mô hình), thành lập mới được 206 DN, 449 tổ hợp tác, 114 HTX, không còn xã “trắng” mô hình kinh tế hiệu quả.

11-51-30_dsc_0809
Ông Võ Kim Cự (phải), Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh, kiểm tra tình hình xây dựng NTM tại xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh)

Trong đợt thẩm định lần đầu, Hà Tĩnh có 7 xã: Tùng Ảnh (Đức Thọ), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Kỳ Tân (Kỳ Anh), Thiên Lộc (Can Lộc), Thuận Lộc (TX. Hồng Lĩnh), Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh) hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Song hành với thành công của công cuộc xây dựng NTM, năm 2014, Hà Tĩnh thu ngân sách đạt 12 ngàn tỷ đồng, so với 4 năm về trước vượt trên 10 ngàn tỷ đồng, đây là con số rất đáng khâm phục.

Đến nay tỉnh có thêm 19 xã về đích, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 26 xã gồm: Sơn Châu, Sơn Kim 1 (Hương Sơn); Hương Trà, Gia Phố (Hương Khê); Xuân Viên, Xuân Mỹ (Nghi Xuân); Hương Minh (Vũ Quang); Thạch Tân, Thạch Long (Thạch Hà); Cẩm Thăng, Cẩm Thành (Cẩm Xuyên); Yên Hồ, Trường Sơn (Đức Thọ); Thạch Bằng (Lộc Hà); Kỳ Phương, Kỳ Trung (Kỳ Anh); Thạch Môn (TP. Hà Tĩnh); Khánh Lộc, Thanh Lộc (Can Lộc). Đây quả là một kỳ tích vượt lên gần gấp 3 lần so với năm trước.

Đột phá từ "hai giảm, ba tăng"

Trong các cuộc tiếp xúc và làm việc về NTM ở các cơ sở, ông Võ Kim Cự luôn nhấn mạnh: “Sáng dậy, mỗi người quên ăn cơm, quên đánh răng, rửa mặt mới được quên nhiệm vụ xây dựng NTM. Bởi vậy hằng ngày, chúng ta phải nghĩ làm gì, làm như thế nào, để giảm xã dưới 7 tiêu chí, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng xã đạt chuẩn, tăng DN, tăng mô hình SX hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân…”.

Thời điểm bắt đầu triển khai chương trình ở Hà Tĩnh, bình quân mỗi xã mới đạt 4,1 tiêu chí, 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Qua 4 năm thực hiện, đến nay bình quân đạt 8,7 tiêu chí/xã, 26 xã đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt từ 13-18 tiêu chí; 135 xã đạt từ 7-15 tiêu chí và 38 xã đạt dưới 7 tiêu chí, đến nay không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 57 xã so với năm 2011.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nói, Hà Tĩnh xác định quan điểm, phương châm xây dựng NTM là vừa chỉ đạo, vừa rút kinh nghiệm, vừa tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các xã trên địa bàn, xác định rõ lộ trình và bước đi phù hợp.

Giai đoạn đầu với quan điểm chỉ đạo “vừa điểm”, “vừa diện” hiện nay là “nâng đầu, đỡ cuối”, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Để phát huy vai trò chủ thể, sức mạnh nội lực của người dân, công tác tuyên truyền vận động luôn được dành thời lượng xứng đáng.

Thông qua các hình thức tuyên truyền, vai trò trách nhiệm của người dân ngày càng thể hiện rõ nét, không còn tư tưởng trông chờ ỉ lại; ý thức về văn hóa, văn minh môi trường, chỉnh trang khu dân cư, thôn xóm được gìn giữ, phát huy.

Ông Tăng Minh Lộc, Chánh văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, ghi nhận: “Trong bộn bề khó khăn nhưng Hà Tĩnh vẫn trở thành một trong ba tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM, là địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, quyết liệt. Bài học trong quá trình lãnh đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đang được Hà Tĩnh tích lũy không chỉ để tiếp tục chỉ lối trên chặng đường mới của tỉnh nhà mà còn được đúc kết thành nhiều bài học quý cho các địa phương trên cả nước học tập”.

Khi chủ trương của Đảng hợp lòng dân đã thấm sâu vào trong cách nghĩ, cách làm thì những trái ngọt của kết quả NTM là phần thưởng xứng đáng cho sự phấn đấu không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.