| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh hết thời chôn rác

Thứ Ba 04/09/2012 , 10:47 (GMT+7)

Vào những ngày đầu tháng 9, chúng tôi về thăm huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và được chứng kiến cảnh nhộn nhịp trên công trường xây dựng nhà máy xử lý rác thải thuộc xã Cẩm Quan.

Rác thải đang là vấn nạn nan giải nhất hiện nay ở các tỉnh miền Trung nói riêng, cả nước nói chung, với hơn 15 triệu tấn rác thải ra môi trường mỗi năm.

Để giải quyết bài toán trên Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 06/10/2008 về việc "Phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung và phía Nam đến 2020". Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Hà Tĩnh đã đi tắt đón đầu bằng dự án "Nhà máy sản xuất và chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt", xử lý triệt để 100%, không chôn lấp.

Vào những ngày đầu tháng 9, chúng tôi về thăm quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được chứng kiến cảnh nhộn nhịp trên công trường xây dựng nhà máy (NM) xử lý rác thải thuộc xã Cẩm Quan. Trước mắt chúng tôi cả một khu đất rộng lớn, bốn phía là đồi núi, cách xa khu dân cư khoảng chừng 5 cây số, toàn bộ quần thể NM xử lý rác nằm lọt thỏm giữa thung lũng. Hàng chục xe, máy đang khẩn trương san ủi diện tích mặt bằng còn lại.

Ông Lê Quang Đức, Giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh (chủ đầu tư) vui vẻ nói: "Sau khi dự án được phê duyệt, cuối 2011 chúng tôi bắt tay vào xây dựng trên tổng diện tích 6ha đất đồi núi. Do yêu cầu cấp bách của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đề ra, buộc chúng tôi phải tập trung mọi nguồn lực thi công 24/24h, đồng loạt ra quân xây dựng 6 nhà xưởng lớn, máy móc cùng các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng".


Dây chuyền tách lọc rác sau khi được cải tiến

Cũng theo ông Đức, sau khi rác được tập kết về NM sẽ được cân đong đo đếm chuẩn mực rồi đưa vào dây chuyền tách lọc trước ủ đến các công đoạn nhà ủ nóng, ủ chín, tách lọc sau ủ, ủ đốt và lò đốt.

Sau lời giới thiệu của ông Đức, chúng tôi vào những nơi đang gấp rút xây dựng như: hệ thống bể xử lý khói, mùi hôi, nguồn nước. Đứng bên hồ điều hòa như một biển nước lớn nhìn sang bên kia núi là nhà ăn, nhà điều hành; nằm cạnh nhà xử lý chính là cả một gara ô tô, xe máy, xưởng sửa chữa cơ khí và đài cấp nước.

Kỹ sư Phạm Xuân Kỳ, Cty CP Đầu tư - Phát triển công nghệ môi trường Bình Phước, đơn vị đảm nhận gói thầu "Cải tạo lại toàn bộ hệ thống công nghệ - thiết bị của Vương quốc Bỉ", dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền xử lý đang chạy thử. Tại đây kỹ sư Nguyễn Văn Trung, người giúp việc đắc lực cho ông Kỳ nói: "Dây chuyền xử lý được đưa vào chạy thử đã mấy ngày nay, tuy bước đầu chạy thử các hệ thống dây chuyền vừa mới được cải tạo, lắp đặt nhưng hầu hết đều vào guồng vận hành đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu đề ra. Đặc biệt, xử lý rác về số 0 (tức là xử lý 100% không chôn lấp)".

Giám đốc Lê Quang Đức kể với chúng tôi, từ trước tới nay, rác thải ở TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận chưa hề được xử lý, chỉ có tập trung rác về phường Đại Nài, khoanh vùng tập kết rác vào đấy để chôn lấp. Cuối 2008, dân sống trong vùng không thể chịu nổi ô nhiễm nên kiến nghị lên cấp trên và buộc phải đóng cửa.

Không còn chỗ tập kết rác nên chỉ sau một thời gian ngắn cả TP Hà Tĩnh ngập chìm trong rác, nạn ô nhiễm môi trường, ruồi nhặng, hôi thối bao trùm lên cả TP. Mặc dầu lãnh đạo tỉnh cũng như các ban ngành chạy đôn chạy đáo đề ra nhiều biện pháp như làm NM xử lý rác ở xã Thạch Hội lên đến cả xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) rồi khu vực đồi núi Truông Bát nhưng vẫn không thể tìm ra nơi để xây dựng NM.

NM xử lý rác ở Hà Tĩnh là mô hình đáng được nhân rộng, góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, xây dựng NTM, thúc đẩy nền kinh tế Hà Tĩnh đi lên.

Tại cuộc họp UBND tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 25/9/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự quyết định: Xây dựng NM sản xuất và chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên. Sau quyết định đó, ông Cự điện thoại cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước để kiểm tra lại thông tin mà ông biết được ở Bình Phước có NM cải tạo hệ thống xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn cao. Sau khi biết thông tin chính xác, ông Cự cử ngay một đoàn công tác đại diện các cơ quan chức năng vào Bình Phước để mắt thấy tai nghe về công nghệ xử lý rác nơi đây.

Thế là cỗ máy xử lý rác thải hãng Ménart (Vương quốc Bỉ) được chuyển giao về Hà Tĩnh. Đây là 1 trong 3 cỗ máy được chuyển giao về Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Hai cỗ máy trước được chuyển giao về Hà Nam và Bình Định. Theo thông tin chúng tôi nắm được, cỗ máy ở Hà Nam, sau khi lắp đặt đưa vào vận hành chỉ xử lý được 10%, còn 90% rác thải vẫn phải chôn lấp; do đó cỗ máy này phải ngừng hoạt động. Còn cỗ máy tại Quy Nhơn (Bình Định) cũng hoạt động không hiệu quả.

Riêng cỗ máy tại Hà Tĩnh được mổ xẻ, cải tạo đến trên 90% do kỹ sư Phạm Xuân Kỳ với cộng sự Nguyễn Xuân Trung thực hiện. Sau khi đưa vào vận hành thử, công suất NM xử lý rác đạt bình quân mỗi ngày trên 200 tấn, đảm bảo đạt tiêu chuẩn về công suất. Quy trình xử lý rác bao gồm: tách lọc phần hữu cơ ra để SX phân bón (30%); tách lọc nhựa, nilon chế biến sản phẩm nhựa tái chế (25%); đốt, tiêu hủy (30%), còn lại khoảng 15% chất rắn khác được đưa vào hệ thống SX gạch không nung. Với quy trình trên khẳng định việc chôn lấp bằng 0.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất