| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Nhiều lò mổ có nguy cơ đóng cửa

Thứ Ba 22/05/2018 , 14:50 (GMT+7)

Mặc dù công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm được ngành NN-PTNT Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm, song do lợi nhuận từ kinh doanh không đáng kể, thậm chí thua lỗ; công tác vệ sinh ATTP tại các lò có phần hạn chế nên không ít cơ sở đứng trước nguy cơ đóng cửa.

20/39 lò đủ mức duy trì hoặc chịu lỗ

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 39 lò giết mổ gia súc tập trung thì có đến 20 lò đang đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu không có chính sách hỗ trợ. Thực tế, để có được hệ thống lò mổ như hiện nay cả ngành nông nghiệp tỉnh đã phải nỗ lực xây dựng trong nhiều năm. Tuy nhiên, đáng buồn, sau một thời gian hoạt động vì các yếu tố khách quan và chủ quan, số lượng lò mổ còn “sống” được khá khiêm tốn, trong khi lò đứng trước nguy cơ “chết yểu” chiếm đến gần hai phần.

08-26-16_nh1
Nhiều lò giết mổ gia súc tập trung ở Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh lý giải nguyên nhân, trước hết là do sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã đối với công tác quản lý giết mổ tập trung đang rất hạn chế. Hàng chục xã như Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh); Thanh Lộc, Yên Lộc, Mỹ Lộc, Quang Lộc, Sơn Lộc (Can Lộc); Yên Hồ, Đức Lạng, Liên Minh (Đức Thọ); Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Hương (Vũ Quang)... thường xuyên để xảy ra tình trạng gia súc giết mổ tại nhà mà không có chế tài, biện pháp xử lý triệt để.

“Tồn tại quanh đi quẩn lại ở các xã trên. Trong các cuộc họp hay văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngành đều yêu cầu xử lý tập thể, cá nhân nhưng thực tế các huyện không thực hiện, xã cũng làm ngơ vì nể nang quen biết, cuối cùng tồn tại vẫn duy trì mãi”, ông Hùng thở dài.

Nguyên nhân thứ hai, cũng là nguyên nhân chính đó là hiệu quả kinh tế quá thấp, thậm chí nhiều cơ sở phải bù lỗ. Theo tính toán, nếu muốn có lãi, bình quân mỗi ngày chủ lò phải giết mổ được từ 20 con lợn trở lên, tổng thu bình quân mới đạt 20 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí điện, nước, nhân công, khấu hao tài sản... chủ lò còn lãi khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng, số lượng lò đạt công suất trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện có 7 lò công suất giết mổ bình quân dưới 10 con/ngày và đang phải bù lỗ từ 3 - 5 triệu đồng/tháng; 13 lò công suất bình quân từ 10 - 20 con/ngày, đủ bù chi phí duy trì hoạt động.

Ông Hùng nói: “Một khi lò mổ hoạt động không mang lại hiệu quả kinh tế sẽ kéo theo hệ lụy dây chuyền. Ví dụ, cơ sở vật chất xuống cấp chủ lò không có tiền cũng không mặn mà sửa chữa, nâng cấp, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lây lan từ lò mổ. Ngược lại, lò không đảm bảo an toàn VSTP thì tể lô cũng không tin tưởng đưa gia súc vào giết mổ”.

08-26-16_2
Sở NN-PTNT đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng các lò mổ treo

Theo quy hoạch, một lò giết mổ tập trung được xây dựng để phục vụ 5 - 6 xã nhằm tiến tới xóa bỏ tình trạng giết mổ tại nhà. Tuy nhiên, hiện nay một số huyện như Vũ Quang, thị xã Kỳ Anh chưa xây dựng đủ lò giết mổ nên tể lô đang phải đi 10 - 20km để đưa gia súc đến cơ sở gần nhất, gây phiền hà, tốn kém cho người dân.
 

Đề xuất hỗ trợ

Ông Trần Hùng cho rằng, để duy trì, phát triển hệ thống lò giết mổ tập trung, sắp tới chính quyền cấp huyện, xã phải thực sự vào cuộc quyết liệt. Chế tài đã quy định rõ, khó khăn kiểu gì cũng làm được, quan trọng là chính quyền địa phương có quyết liệt, trách nhiệm hay không. Phải xử lý thật nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý, thực thi nhiệm vụ chuyên môn; các trường hợp giết mổ nhỏ lẻ, không qua kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y không đảm bảo làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...

Điển hình là huyện Hương Sơn. Đây là huyện thực hiện khá tốt công tác kiểm soát giết mổ tập trung. Mỗi khi phát hiện tể lô vi phạm Chủ tịch UBND huyện phát văn bản phê bình, thậm chí yêu cầu Chủ tịch xã viết bản kiểm điểm ngay.

Ngoài giải pháp trên, Sở NN-PTNT cũng đã đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các lò giết mổ tập trung. Cụ thể, hỗ trợ hệ thống giết mổ treo với định mức 50 triệu đồng/hệ thống và tối đa không quá 200 triệu đồng/lò giết mổ; hỗ trợ hệ thống xử lý nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh, mức tối đa không quá 100 triệu đồng/lò; hỗ trợ hệ thống phun tiêu độc khử trùng cơ sở giết mổ, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/lò; hỗ trợ thù lao cho người làm công tác kiểm soát giết mổ, mức 1,5 triệu đồng/tháng/người, số lượng 2 người/lò, thời gian hỗ trợ từ 24 tháng...

“Việc ban hành chính sách hỗ trợ các lò giết mổ tập trung thời điểm này là cực kỳ cần thiết, vừa mang hiệu quả xã hội, đảm bảo an toàn VSTP vừa giúp các chủ lò vượt qua cơn bĩ cực, duy trì hoạt động”, ông Hùng nói thêm.

 

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.