| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh sản xuất chè sạch theo chuỗi

Thứ Hai 11/12/2017 , 14:05 (GMT+7)

Với sự tham gia hỗ trợ tích cực của dự án CIDA trong việc du nhập các bộ giống mới, thay đổi quy trình sản xuất... chuỗi sản phẩm chè sạch đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Quan trọng hơn, tư duy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn dần được hình thành, góp phần giúp ngành chè phát triển bền vững.


Năng suất, hiệu quả kinh tế cây chè vùng thượng Kỳ Anh tăng lên đáng kể nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị (Ảnh: TN - TP)

Gần một tuần nay dù thời tiết bất thuận, mưa dầm dề nhưng ông Trần Văn Tuần, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng chè công nghiệp Kỳ Thượng sáng nào cũng bắc loa kêu gọi các thành viên trong tổ tranh thủ thu hoạch chè, chuyển đến nhà máy để phơi sấy. Để thu hoạch được cả đồi chè mơn mởn phủ xanh núi rừng, hễ trời hửng mưa là bà con gùi sọt lên nương hái chè búp.

Ông Tuần cho biết: Đặc thù cây chè khác với các cây trồng khác, khi chè bắt đầu cho thu hoạch thì cả năm đều “liền mắt liền tay”, cứ vài ba ngày lại phải lên nương hái một lần theo hình thức cuốn chiếu. Tuy nhiên, thời điểm búp chè ngon nhất, đẹp nhất rơi vào tháng 4, 5, 6 trong năm.

“Mùa mưa bà con vất vả hơn thời tiết nắng ráo vì chè không phơi được mà phải đi sấy. Hơn nữa, khi thu hoạch phụ thuộc thời tiết nên nhiều hôm giờ người ta nghỉ trưa mình mới lên nương”, ông Trần Văn Tuần chia sẻ.

Gia đình ông Tuần làm 1,5 mẫu giống chè PH1, mấy ngày nay dù thu hoạch không đều nhưng sản lượng thu về đã được hơn 4 tạ. Thu hái xong, ông Tuần vận chuyển đến nơi tập kết để Xí nghiệp Chè 12/9 thu mua theo hợp đồng kinh tế.

Mặc dù vất vả nhưng hầu hết người dân xã Kỳ Thượng đều rất phấn khởi bởi từ khi xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm chè đến nay năng suất chè búp tươi tăng lên đáng kể, bình quân đạt khoảng 17 tấn/ha. Đặc biệt, người dân được tiếp cận quy trình sản xuất mới theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc BVTV từ đó tạo ra sản phẩm chè an toàn.

Được biết năm 2013, chuỗi sản phẩm chè thông qua sự hỗ trợ của dự án CIDA bắt đầu triển khai tại Kỳ Anh. Thông qua các tổ hợp tác, người trồng chè được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới, tăng vị thế khả năng cạnh tranh.

Liên kết giữa nông dân với nhau để đáp ứng nhu cầu thị tường tốt hơn, đồng thời tăng khả năng quản lý về chất lượng sản phẩm, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Chè Kỳ Anh ngoài cung ứng thị trường trong nước còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực và châu Âu (Ảnh: TN - TP)

Đến năm 2015, Tiểu ban quản lý dự án tại Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ một số hoạt động như mở rộng diện tích trồng mới, hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ sản xuất và thu hái, thành lập tổ dịch vụ BVTV và hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho tổ hoạt động nhằm kiểm soát chất lượng chè búp tươi.

Đặc biệt, xây dựng giá trị khác biệt cho sản phẩm chè Kỳ Thượng và phát triển đa dạng hóa thị trường đầu ra nhằm đưa sản phẩm chè vươn ra các nước có giá trị cao hơn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ sản xuất bộ giống kém chất lượng, chăm sóc, phun thuốc BVTV không tuân thủ quy trình, nay người dân sản xuất chè vùng thượng Kỳ Anh đã quen với kỷ luật “sắt” của hàng dãy nguyên tắc, đó là “4 đúng”, ghi chép quy trình, thời gian bón phân, phun thuốc BVTV, thời gian cách ly trước khi thu hái vào sổ tay; cập nhật số liệu, quá trình sinh trưởng của cây chè hàng tuần, hàng tháng...

“Những việc làm trên đã thành thói quen của chúng tôi rồi. Nói thật thời gian đầu cũng không ít lần tôi bón phân, phun thuốc BVTV theo quán tính, không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ chuyên môn nhưng sau nhiều lần bị nhắc nhở tự nhiên việc chấp hành quy định thành thói quen tốt”, chị Huyền, một chủ hộ trồng chè ở Kỳ Thượng chia sẻ.

Ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh cho biết, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chè công nghiệp được huyện xác định là cây trồng chủ lực vừa giúp dân các xã vùng thượng (Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Trung, Kỳ Tây) xóa đói giảm nghèo vừa vươn lên khá giả.

Đến thời điểm này, tổng diện tích chè toàn huyện đạt 417ha; trong đó, diện tích đưa vào khai thác 350ha. Bình quân năng suất đạt gần 12 tấn/ha, một số vùng áp dụng quy trình sản xuất theo chuỗi năng suất đạt trên 15 tấn/ha.

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế huyện mong muốn Cty Cổ phần Chè Hà Tĩnh sớm triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến chè tại xã Kỳ Thượng, giúp nông dân ổn định sản xuất.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỉnh tiên phong ban hành năm cao điểm phòng, chống bệnh dại

Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước ban hành tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại.

Gượng dậy từ gian khó

GIA LAI Trong giai đoạn ngành mía đường lao đao, giá mía giảm mạnh, nông dân quay lưng với cây mía, số nhà máy đường và diện tích mía nguyên liệu cả nước giảm đến một nửa…