| Hotline: 0983.970.780

Hai bức tranh tương phản về giữ và chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Thứ Hai 20/03/2017 , 13:15 (GMT+7)

Nhìn rộng ra, khắp huyện Hậu Lộc có trên 120ha đất lúa hoang hóa, một số ít nằm rải rác tại 4 xã Văn Lộc, Hoa Lộc, Phú Lộc và Quang Lộc. Trong khi đó, riêng Tiến Lộc bỏ hóa trên 100ha. Trái ngược ở Phú Lộc, xã giảm trên 40ha đất lúa để thay thế bằng các loại cây trồng..., thì 1ha cho đạt bình quân trên 200 triệu đồng.

Khảo sát thực tế cho thấy, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đang đối diện với khá nhiều thách thức, nhất là trên khía cạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả…
 

Đất nhiễm mặn, năng suất thấp

Hậu Lộc có 2 cửa sông lớn là lạch Trường và Lèn. Do tác động của quá trình biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn tiến phức tạp, điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của 5 xã phía đông của Kênh De (Hưng Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc và Ngư Lộc) và một số xã tiếp giáp khu vực phía tây (Liên Lộc, Phú Lộc, Quang Lộc, Hoa Lộc, Hòa Lộc).

17-19-20_2
Vợ chồng ông Hiếu, bà Sơn có 3 sào lúa, mỗi vụ thu nhập chưa nổi 1 triệu đồng

 

Để đối phó với tình hình nan giải trên, Huyện ủy, UBND huyện Hậu Lộc đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương gấp rút cải tạo hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ quá trình tưới tiêu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí đầu tư, tiến hành xây dựng công trình cung cấp nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, dù vậy đến nay vẫn chưa thể khắc phục.

Trao đổi với PV NNVN, ông Bùi Văn Thái, Phó Chủ tịch xã Đa Lộc thẳng thắn thừa nhận: Toàn xã có 382ha đất nông nghiệp, trong đó 193,5ha triển khai trồng lúa. Do không có hệ thống dẫn nước ngọt nên tình hình sản xuất gặp nhiều bất lợi, dù phía HTX triển khai bơm trực tiếp từ sông lên nhưng không mấy hiệu quả do nước biển xâm thực quá sâu. Hiện nay, tất cả diện tích lúa đều bị nhiễm mặn, năng suất tại một số vùng rất thấp, nhiều nơi không thể tiến hành gieo cấy.

Theo phản ánh của các hộ dân, nếu như trước đây họ vẫn có thể “chữa cháy” bằng hình thức chắt lọc nhằm hạn chế nhiễm mặn, nhưng bây giờ phải phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình xả nước ở các hồ đập và trông chờ vào lượng mưa từ thượng nguồn đổ về. 

Có những thời điểm bà con mỏi mắt ngóng chờ đằng đẵng cả tháng trời trong vô vọng, nhiều diện tích thiếu nước tưới trầm trọng nên cây lúa sinh trưởng chậm, còi cọc, đẻ nhánh hạn chế. Tình trạng trên xuất hiện phổ biến tại các thôn Đông Thành, Mỹ Điền, Vạn Thắng, Đông Hòa, Yên Lộc.

Trong vụ xuân 2017, phần lớn các hộ dân nơi đây phải tiến hành gieo cấy đến lần thứ ba, hao tổn công sức đã đành, bà con còn phải nai lưng “cõng” thêm hàng loạt chi phí phát sinh (phân gio, giống má, thuốc BVTV, thuê mướn nhân công…). Gánh nặng nối tiếp gánh nặng khiến người nông dân không tài nào ngóc đầu lên nổi.

Thực tế nhiều hộ dân tại xã Tiến Lộc không có nhu cầu sử dụng đất lúa, thế nhưng họ vẫn “cố sống cố chết” giữ khư khư cho bằng được. Có hộ lý giải với hy vọng sau được chuyển đổi thành trang trại hoặc làng nghề.

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà lụp xụp, ẩm thấp, lão nông Đỗ Văn Hiếu (SN 1954) và vợ là bà Vũ Thị Sơn, trú tại thôn Mỹ Điền thật thà chia sẻ, ông bà có với nhau 3 mặt con, không cam chịu với tình cảnh khốn khó, 2 người con trai quyết định bỏ xứ vào tận Lâm Đồng làm rẫy cà phê. Cuộc sống đỡ cơ cực hơn nên nhiều bận  họ thúc giục, động viên ông bà vào sống cùng.

“Ông nhà tôi là trưởng tộc nên dù có thế nào cũng phải ở lại để lo phần hương hỏa cho tổ tiên. Già cả rồi, nghề ngỗng lại không có, vợ chồng tôi trông chờ cả vào 3 sào ruộng ít ỏi, năm được mùa nhất năng suất đạt mức 2 tạ/sào, bằng không chỉ quanh quẩn 1,5 tạ. Trừ chi phí, mỗi vụ lãi chưa đến triệu đồng, chúng nó phải thường xuyên chu cấp mới sống nổi qua ngày”, bà Sơn chạnh lòng.

17-19-20_1
Vì thiếu nước tưới, trong vụ xuân 2017, bà Vũ Thị Sơn đã 3 lần phải gieo cấy lại
 

Bàn về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, ông Bùi Văn Thái khẳng định, dự kiến đến năm 2020, xã quyết tâm chuyển đổi 40/193,5ha diện tích lúa bị nhiễm mặn sang nuôi thủy hải sản, xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại và trồng các loại cây trồng phù hợp.
 

1 xã bỏ hoang trên 100ha đất lúa

Dưới sự định hướng, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và ngành nông nghiệp, tình trạng nông dân bỏ ruộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) lại nằm ngoài guồng quay đó.

Nhìn rộng ra, khắp huyện Hậu Lộc có trên 120ha đất lúa hoang hóa, một số ít nằm rải rác tại 4 xã Văn Lộc, Hoa Lộc, Phú Lộc và Quang Lộc. Trong khi đó, riêng Tiến Lộc bỏ hóa trên 100ha.

Được biết, tình trạng nông dân chán ruộng manh nha xuất hiện từ năm 2012 với diện tích bỏ hoang chừng 20 - 30ha, về sau tăng nhanh với tốc độ phi mã.

Khi được hỏi, ông Hoàng Văn Thiêm, Phó Chủ tịch xã Tiến Lộc ngao ngán khẳng định, hiện địa phương hoàn toàn bất lực không biết phải xử lý vấn đề này ra sao. Theo lời ông Thiêm, trong năm 2013 và 2014, UBND xã có phối hợp với Chủ nhiệm HTX, cán bộ của các thôn tiến hành lập văn bản, thống kê diện tích đất bỏ hoang rồi vận động người dân cho “mượn lại” để quản lý và tiến hành canh tác tránh lãng phí nguồn tài nguyên. Thế nhưng, các hộ không đồng ý phương án trên.

Năm 2016, UBND huyện Hậu Lộc cũng thành lập Đoàn thanh tra để tiếp tục xử lý vấn đề này, dù vậy nút thắt vẫn chưa được tháo bỏ.

17-19-20_4
Trên địa bàn xã Tiến Lộc có trên 100ha đất lúa bị bỏ hoang

 

“Đất không chịu trời thì trời đành chịu đất”, hàng năm UBND xã Tiến Lộc chủ động hỗ trợ nguồn kinh phí cải tạo, làm đất với mong muốn vận động, thu hút người dân sớm quay lại với ruộng đồng, thế nhưng mọi nỗ lực đều chỉ như muối bỏ bể.

Lý giải nguyên nhân, một hộ dân nói: “Trồng lúa mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ kéo dài trên 4 tháng. Công cán vất vả nhưng thu nhập quá rẻ mạt, đó là chưa kể đến những năm thiên tai, mất mùa. Với người nông dân chúng tôi, điều quan trọng nhất là giá trị kinh tế mang lại, bụng no thì đầu óc, chân tay mới linh hoạt được”.

Dạo quanh các làng Ngọ, Sơn, Bùi và Xuân Hội, dễ dàng bắt gặp những cánh đồng hoang hóa đã từ lâu thiếu bàn tay chăm bẵm của người nông dân. Tầng tầng, lớp lớp những thửa ruộng xộc xệch nối tiếp nhau ngập sâu trong nước, lại có những khu vực cằn cỗi, cỏ sậy, lau lách mọc um tùm, đảo mỏi mắt mới thi thoảng thấy những đám lúa nằm xen kẽ, trơ trọi đến não lòng.

Được biết, địa phương có nghề rèn truyền thống, thống kê sơ bộ hiện có trên 1.000 hộ dân lựa chọn ngành nghề này làm phương tiện mưu sinh. Bình quân hàng ngày mỗi thợ rèn kiếm được khoảng 200.000 đồng, với những người tay nghề cao thì thu nhập hàng tháng rơi vào khoảng 10 - 15 triệu đồng, hiệu quả kinh tế rõ ràng cao hơn trồng lúa.
 

Đến những cánh đồng vàng

Trái ngược với không khí ảm đảm, u buồn ở xã Tiến Lộc là bức tranh vô cùng sinh động những cánh đồng bờ xôi ruộng mật của xã Phú Lộc, lá cờ đầu về phát triển nông nghiệp toàn huyện Hậu Lộc.

Không chút do dự, ông Đoàn Văn Nga, Chủ tịch UBND xã đi luôn vào vấn đề: “Cái gì cũng phải có nguyên do của nó. Cán bộ, lãnh đạo sâu sát, có định hướng bài bản, đúng đắn, kết hợp với sự cần cù, chịu khó của người nông dân thì mọi nút thắt đều có hướng tháo gỡ”.

17-19-20_5
Ông Đoàn Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết, mô hình trồng cây hàng hóa cho thu nhập hàng trăm triệu/ha/năm

 

“Kết quả sau chuyển đổi hiệu quả ra sao", PV hỏi. “Sau quá trình khảo sát, đánh giá, địa phương quyết định đưa các loại rau màu giá trị cao vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa trước kia”, ông Nga khẳng định chắc nịch.

Quá trình triển khai, Phú Lộc luôn chủ động đi tắt đón đầu trong mọi tình huống. Ngay từ những năm 2000, nhận thấy xu thế tất yếu của việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, xã bắt tay thực hiện không chút do dự.

Theo đó, trên diện tích đất 2 lúa, xã Phú Lộc đã tiến hành chuyển đổi 30ha sang trồng các mặt hàng xuất khẩu (ớt, ngô ngọt, dưa bao tử…). Đối với 350ha đất 1 vụ lúa, 1 vụ màu, xã áp dụng chủ trương giảm trên 40ha đất lúa để thay thế bằng các loại cây trồng nói trên.

Hiện tại toàn xã có 200ha diện tích trồng cây hàng hóa, hầu hết các mặt hàng đều được bao tiêu toàn bộ nên lợi nhuận cao chót vót: 1ha cho doanh thu bình quân trên 200 triệu đồng, những nơi thâm canh tốt có vụ đạt đến 350 - 400 triệu đồng. Riêng vụ đông 2016 - 2017, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng.

Hỏi việc chuyển đổi, người nông dân Phú Lộc nói chắc nịch: “Trồng gì cũng hơn trồng lúa”.

Tổng diện tích đất lúa toàn huyện Hậu Lộc hiện có 5.900ha, kế hoạch đến năm 2020 giữ vững ổn định 4.900ha. Dự kiến 1.000ha chuyển đổi gồm 800ha đất 2 lúa sâu trũng, 50ha đất muối sản xuất kém hiệu quả và 150ha đất lúa - màu ở những nơi khó tưới.

Năm 2016, huyện tiến hành chuyển đổi thành công 100ha sang làm trang trại cá lúa kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây dược liệu và nuôi trồng thủy hải sản, kết quả bước đầu tương đối khả quan.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.