| Hotline: 0983.970.780

Hai công trình thế kỷ

Thứ Năm 29/12/2011 , 10:21 (GMT+7)

Tháng 11 năm 2011, cán bộ và nhân dân các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An vui mừng khánh thành dự án thủy lợi Phước Hòa giai đoạn 1...

Tháng 11 năm 2011, cán bộ và nhân dân các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An vui mừng khánh thành dự án thủy lợi Phước Hòa giai đoạn 1. Có nghĩa là còn có giai đoạn II, nhưng mục tiêu cơ bản thì đã hoàn thành.

Dòng sông Bé như một nhát cắt sâu hoắm xuống bán bình nguyên Đông Nam Bộ. Lòng sông hẹp, Tiểu Giang, nôm na gọi là Sông Bé tưởng như không có một loại gầu guồng bơm tát nào đưa được nước dưới sông lên, đành để cho nó ngày ngày tuôn ra hạ lưu sông Đồng Nai một cách lãng phí.

Nhưng hôm nay đập dâng Phước Hòa đã chặn lại, dâng lên, bắt chảy ngược trút vào hồ Dầu Tiếng, túi nước mặt duy nhất của Tây Ninh và TP HCM. Khu đầu mối đồ sộ, đập dâng, bãi tràn, cống lấy nước, kênh dẫn, hạng mục nào cũng hoành tráng. Màu bê - tông, đá xây, đất đắp còn mới tinh khôi. Nước sông Bé mấy năm nay trong xanh vì thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Sơrok Phumiêng đã chặn hết phù sa và bùn cát lại, tại đây lại càng trong, cố tình để lộ ra cái bãi tràn lạ mắt, hình bông hướng dương cách điệu với những cánh hoa dài hơn.

Cửa tràn đập dâng Phước Hòa

Nước từ các cánh hoa tập trung đổ vào đài hoa, tuôn trả lại hạ lưu, một lượng nước vừa đủ duy trì “sự sống” của con sông phía cuối, bảo vệ môi trường sinh thái. Nước tung bọt trắng xóa như một cái đài phun ở công viên, nắng chiếu vào ánh lên những tia cầu vồng. Nơi đó cũng là “cái van” mùa lũ dùng để xả nước về biển, bảo đảm an toàn cho công trình và cho thượng lưu.

Từ khu đầu mối đồ sộ được bố trí một cách khoa học và đẹp, xe chúng tôi chầm chậm chạy dọc bờ kênh dẫn nước tới Dầu Tiếng. Mái lát bê - tông phẳng lì và trơn tru, đường bờ kênh vuông thành sắc cạnh. Dòng nước cuộn theo chiều xe chạy công suất thiết kế là 75 m3/s. Kênh dài chừng 40 km vượt qua nhiều địa hình có nhiều chia cắt để đến với Dầu Tiếng, trút nước vào hồ.

Chúng tôi dừng lại ở cây cầu máng đầu tiên vượt suối Thôn. Chiều dài tuy còn khiêm tốn trong ngành Thủy lợi là 75 m, nhưng to rộng, cầu giao thông đi trên máng nước tải 75 m3/s thì quả là đồ sộ. Lần xuống lòng suối thì lại càng kinh ngạc hơn khi chiều cao từ đáy suối lên đến mặt cầu là 16 m. Dọc đường đi chúng tôi thỉnh thoảng lại bắt gặp một cái cầu bê - tông qua kênh. Biển đề với sức chịu 1,5 tấn, ô tô du lịch hoặc vận tải loại nhỏ có thể qua lại.

Cách đầu mối Phước Hòa chừng hơn 15 km, hai cái cống bê - tông hoàn thiện sừng sững sẵn sàng chia nước cho hai khu tưới. Cống phía Bình Dương to hơn, sức tải 25 m3/s, hứa hẹn một trạm thủy điện có công suất kha khá giữa vùng cao su hẻo lánh. Cống Bình Phước nhỏ hơn sức tải 2 m3/s. Mặt kênh bắt đầu được thu hẹp và giữ nguyên cho đến hồ Dầu Tiếng. Qua chỗ chia bớt nước không xa, chúng tôi bắt gặp một cây cầu máng đồ sộ vượt suối Cam Xe.

Gọi đồ sộ vì dài tới 625 m, sức tải 50 m3/s, vừa là cầu giao thông lớn. Độ cao từ đáy sông lên đến mặt cầu trên 18 m. Công trình còn vượt qua nhiều bậc nước, nhiều cống qua đường. Nhưng cái đáng nói là công trình quá đẹp, thi công quá gọn, chi tiết đến cả an toàn cho xe chạy trên bờ kênh bằng hàng vạn cột mốc sơn trắng đỏ chạy dọc suốt hai bên bờ. 

Cầu máng suối Thôn trên kênh dẫn Phước Hòa – Dầu Tiếng

Dừng lại nơi tận cùng của kênh dẫn, đổ nước vào Dầu Tiếng, nhìn mặt hồ trải rộng hơn 1,5 tỉ m3 nước, Phước Hòa đang biến nó thành nồi cơm Thạch Sanh vĩ đại, anh bạn nhà báo cùng đi thốt lên: “Đáng gọi là công trình thế kỉ đấy chứ”.

Đúng thế! Cả hai, Dầu Tiếng và Phước Hòa hợp lại đáng gọi là công trình thế kỉ và cùng một đoàn thiết kế, tiền thân là Đoàn khảo sát thiết kế Nam Bộ, nay là Cty Cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi II (HEC II). Ở góc độ tính theo số tiền tiêu từ thu thuế của dân (ngân sách), Phước Hòa - Dầu Tiếng không thể so sánh với các đại gia giao thông, thủy điện.

Nhưng về lợi ích “nâng cao đời sống nhân dân" như lời Hồ Chủ tịch đã dạy cách đây 52 năm (9/1959) thì hơn 10 triệu dân của năm tỉnh thành nói trên ai cũng được hưởng. Chí ít là dùng trong sinh hoạt thì tiêu tiền ngân sách nhiều đến đâu cũng không so sánh được.

Thêm một điều ít ai biết là cả hai công trình ra đời cách nhau hơn 26 năm, gác lên hai thế kỉ nhưng đều trải qua đấu tranh quyết liệt về quan điểm.

Với hồ Dầu Tiếng, lãnh đạo địa phương nói không nên làm, xây hồ rồi không có nước, sức ta thiết kế sao nổi. Đói cho sạch, không vay vốn của ai ngoài “phe ta”. Bộ Thủy lợi dựa vào kết quả nghiên cứu của Đoàn khảo sát thiết kế Thủy lợi Nam Bộ, tiền thân của HEC II thì cương quyết: đủ nước, nhiều nước, ta đủ khả năng thiết kế, đồng tiền nào “nâng cao đời sống nhân dân” cũng tốt. Cái phải thắng đã thắng.

Với Phước Hòa, đề xuất của Cty Khảo sát thiết kế Thủy lợi II là chuyển nước sông Bé lên Dầu Tiếng, từ đó chuyển sang Long An, tưới chi tỉnh Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước) chỉ là phụ. Phe phản đối cho rằng việc chuyển nước từ lưu vực miền Đông sang miền Tây là phiêu lưu. Tưới cho Sông Bé không đáng kể vì tốc độ cao su hoá quá nhanh, mà vốn xây dựng công trình quá lớn. Cái phải thắng đã thắng.

Hai mươi năm mới có ngày hôm nay. So với tốc độ dự án sân bay, bến cảng, đường cao tốc thì thủy lợi Phước Hòa là “rùa bò”. Chỉ riêng việc giải ngân và thi công, ông Dennis Elleyson đại diện cho tổ chức tài trợ ADB, đã nói trong lễ khánh thành là lúc khởi sự ông thấy bà Trần Kim Vân (lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) còn là thanh nữ, nay khánh thành đợt I đã là một quý bà về chiều, tóc loáng thoáng vài ba sợi bạc. Dù sao cũng đã thắng lợi.

Thả cá trên hồ Dầu Tiếng

Mỗi mùa khô Phước Hòa chuyển vào hồ Dầu Tiếng bình quân trên 1 tỉ m3. Kho nước tổng cộng sẽ là 2,5 tỉ m3 cạnh một thành phố mà nhu cầu dùng nước của hồ sẽ lên tới 50 m3/s, đúng là hòn ngọc như ai đó ở Tây Ninh đã dẫn lời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Nhưng cũng sẽ là mối họa vĩ đại nếu không quản lý quy trình phòng lũ thật chắc, hoặc để nguồn nước hồ ô nhiễm như sông Đồng Nai hiện nay.

Tôi chợt nhớ đến bài báo “Từ hân hoan Phước Hòa đến nỗi lo hồ Dầu Tiếng” đăng trên NNVN số ra ngày 12/12/2011. Dự án phim trường du lịch nghỉ mát đặt trên đảo Nhím ngang với cao trình giữ nước 24,4 m đã được phê duyệt. Lưu lượng xả lũ thiết kế 2.800m3/s cũng không thấy ai nói năng gì! Cũng chưa thấy phương án bảo vệ nguồn nước trên kênh dẫn từ Phước Hòa đến Dầu Tiếng. Lấn chiếm gây ô nhiễm là cái chắc.

Hơn chục triệu người dân hạ du ăn uống nguồn nước Dầu Tiếng rồi sẽ ra sao đây. Hàng trăm bè cá, mấy trại lợn hàng mấy nghìn con trong lòng hồ. Người ta đã đắp đất làm hồ tư nhân trên một số suối nhỏ đưa nước vào hồ. Khi đã là hồ tư nhân biết đâu người ta lại nuôi ốc bươu vàng, nuôi đỉa để xuất khẩu.

Quy trình vận hành phòng lũ được thiết kế phải giữ cao trình nước thấp hơn 23,1 m trước ngày 1 tháng 11 hàng năm đã bị lãng quên. Cũng không ai hình dung khi hồ Dầu Tiếng xả lũ 2.800m3/s thì thành phố Hồ Chí Minh sẽ thế nào? Vì ai cũng tặc lưỡi “thiết kế vậy cho an toàn chứ làm gì có lũ lớn như vậy mà lo”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.