| Hotline: 0983.970.780

Hải đội tự vệ trên biển

Thứ Hai 20/06/2011 , 10:22 (GMT+7)

Trước thời bão giá như hiện nay, nhiều bà con ngư dân tại địa phương đã tự động liên kết lại với nhau để cùng bám biển làm ăn.

Cà Mau là địa phương có nhiều cửa biển lớn nhất nhì khu vực ĐBSCL như cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời); Khánh Hội (U Minh); Cái Đôi Vàm (Phú Tân)…với đội ghe tàu hùng hậu. Riêng tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời có hơn 1 ngàn ghe tàu lớn nhỏ hành nghề khai thác thủy hải sản.

Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, từ nhiên liệu, ngư cụ… đều đồng loạt tăng giá, đã gây không ít khó khăn cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, trong cái khó cũng có cái hay. Đó là, tập cho bà con ngư dân bỏ dần thói quen làm ăn nhỏ lẻ, tự liên kết lại với nhau để làm ăn, khai thác lớn.

Liên kết làm giàu

Ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cho biết, trước thời bão giá như hiện nay, nhiều bà con ngư dân tại địa phương đã tự động liên kết lại với nhau để cùng bám biển làm ăn. Họ tập hợp lại với nhau, khoảng 5- 7 tàu đánh bắt làm thành một đội khai thác. Để giảm chi phí, sau một chuyến biển mỗi đội cử ra một thành viên làm công tác hậu cần đưa sản phẩm vào bờ để bán. Đồng thời, tiếp nhiêu liệu, lương thực, nước đá… cho các thành viên trong đội đang neo đậu ngoài biển. Cứ thế mà xoay vòng làm ăn.

Theo ông Hiền, đây là một biện pháp hay trong khai thác biển của bà con ngư dân. Chính việc làm này đã giảm bớt chi phí rất lớn cho mỗi phương tiện đánh bắt. Ngoài ra, tại thị trấn Sông Đốc nói riêng và nhiều cửa biển khác trong tỉnh Cà Mau nói chung còn hình thành nên dịch vụ tàu rỗi. Nghĩa là những đội ghe tàu chuyên phục vụ và làm công tác hậu cần cho ngư dân bám biển. Hiện đội tàu rỗi của tỉnh Cà Mau có hơn 150 chiếc được trang bị hiện đại, sẵn sàng phục vụ cho ngư dân trên biển.

Ông Đặng Thành, chủ một cửa hàng xăng dầu, lại có ghe tàu khai thác biển tại thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) bày tỏ: “Rất mừng là nhiều bà con đã biết hợp tác, liên kết để làm ăn và cùng có lợi. Tàu nào khai thác chỉ chuyên bám biển để đánh bắt, tàu nào chuyên hậu cần thì lo việc phục vụ. Chứ không như trước đấy, bà con làm ăn nhỏ lẽ, cạnh tranh nhau đến gay gắt mà không mang lại hiệu quả như hiện nay".

Còn đối với ngư dân Nguyễn Hoàng Thiện tại cửa biển Sông Đốc khẳng định: “Việc bà con ngư dân hợp tác lại với nhau làm ăn như hiện nay tiết kiệm được chi phí rất lớn”. Ông Thiện phân tích: "Nếu như trước đây ghe tàu của tui cứ sau mỗi chuyến biển phải trở vào đất liền bán sản phẩm, rồi lại ra khơi đánh bắt. Như vậy, vừa tốn thời gian, tốn chi phí nhiên liệu có khi tới vài triệu đồng. Còn như hiện nay, tàu của tui đánh bắt xong là có tàu rỗi đến chở sản phẩm vào bờ bán xong lại mang mọi thứ trở ra cho anh em đang bám biển, tiết kiệm được rất nhiều".

Ngư dân Phạm Văn Giới tại Sông Đốc, có 4 tàu đánh bắt xa bờ vui mừng không kém khi bà con ngư dân có ý thức cao trong khai thác như hiện nay. Ông Giới nói: “Nhờ hình thức liên kết như thế này mà ngư dân chúng tôi khai thác được nhiều cá, nhiều tôm hơn, mang lại thu nhập kinh tế từ việc đánh bắt thủy sản ngày càng cao. Ví dụ, nếu thành viên trong đội phát hiện ngư trường nào có nhiều tôm, cá thì thông báo cho các thành viên khác trong đội của mình đến cùng khai thác”.

Không chỉ có ngư dân liên kết mà ngay cả doanh nghiệp xăng dầu, hải sản cũng biết tự liên kết để làm ăn. Cụ thể, là nhiều doanh nghiệp đám mạnh dạn đầu tư, bỏ chi phí đóng mới nhiều tàu có trọng tải và công suất lớn để làm tàu rỗi.

Nhiều doanh nghiệp tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời còn tính đến chuyện mua tàu đông lạnh để trực tiếp mua bán sản phẩm thủy sản với bà con ngư dân ngay trên biển. Đây là hướng làm ăn mới, nếu như thực hiện được sẽ giúp bà con ngư dân tăng thêm thu nhập, vì không phải thuê tàu rỗi hay cử thành viên trong đội làm công tác vận chuyển, hậu cần nữa. Mà họ có thể bán sản phẩm của mình khi vừa đánh bắt được.

Chính quyền nhiệt tình hỗ trợ

Thiếu tá Võ Văn Sử, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 692 Sông Đốc (Trần Văn Thời) cho biết, hiện nay tình hình an ninh trật tự trên biển có nhiều diễn biến phức tạp. Nạn cướp biển, tranh chấp ngư trường đánh bắt… đang có xu hướng gia tăng. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi khai thác và đánh bắt thủy hải sản một cách hợp pháp cho bà con ngư dân ở địa phương là một việc làm hết sức cần thiết và có nhiều ý nghĩa.

Theo Thiếu tá Võ Văn Sử, đơn vị luôn phối hợp với các cơ quan, ban ngành khác có liên quan để tuyên truyền cho bà con ngư dân hiểu đúng, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đánh bắt trên biển. Để từ đó bà con ngư dân có thể đánh bắt và khai thác đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Đồn biên phòng Sông Đốc còn xây dựng “đội tàu thuyền an toàn” để giúp ngư dân khi có sự cố xảy ra. Tổ chức, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc chặt chẽ với bà con ngư dân khai thác trên biển, chủ động thông báo và ứng cứu kịp thời khi có thiên tai.

Ông Từ Văn Hiền nói, ngoài những việc làm như trang bị cho ngư dân kiến thức cơ bản trên biển, phạm vi được phép đánh bắt, trang bị các phương tiện đảm bảo an toàn khi đánh bắt ngoài khơi…, địa phương còn thành lập “hải đội tự vệ trên biển”, những thành viên trong hải đội được trang bị tư tưởng, lập trường, kiến thức tác chiến trên biển…để tự bảo vệ mình khi gặp bất trắc trên biển.

Hàng năm địa phương đều mở các lớp tập huấn cho thuyền viên trong hải đội một cách tinh nhuệ nhằm giúp bà con ngư dân khai thác thủy hải sản một cách hợp pháp, đúng luật trên vùng biển nước ta.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.