| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 07/06/2012 , 09:35 (GMT+7)

09:35 - 07/06/2012

"Hai không" đi đâu?

Không còn gì để bào chữa, biện bạch với những hình ảnh sống động, chi tiết rõ ràng, cái mặt nạ "thành tích" của ngành giáo dục lại một lần nữa rơi rụng...

Không còn gì để bào chữa, biện bạch với những hình ảnh sống động, chi tiết rõ ràng, cái mặt nạ "thành tích" của ngành giáo dục lại một lần nữa rơi rụng bởi một clip tự quay ở Bắc Giang vừa được đưa lên mạng hôm qua.

>> Sốc với clip tiêu cực thi ở Bắc Giang

Hàng chục năm nay cứ đến kỳ thi tốt nghiệp PTTH những người nặng lòng với sự nghiệp trồng người lại... lo, chỉ bởi căn bệnh "thành tích" đã tồn tại, đã di căn từ rất lâu rồi khó bề cứu chữa, khi mà từ thầy cô đến một bộ phận cha mẹ học sinh chỉ nhăm nhăm tìm kiếm những con số tốt nghiệp "trong mơ" nên tìm cách để "tống cổ" học sinh ra khỏi trường nhường chỗ cho lớp trò mới.


Hình ảnh những thí sinh trao đổi và chép tài liệu xuất hiện trong clip - Ảnh chụp từ clip

Chỉ đến khi có sự xuất hiện của hai ông thầy: thầy Đỗ Việt Khoa với những hình ảnh tự quay về cảnh gian lận phòng thi và thầy Nguyễn Thiện Nhân với tuyên bố "Hai không" nổi tiếng trên cương vị Bộ trưởng GD&ĐT. Hai ông thầy ấy gặp nhau và với phác đồ điều trị cực mạnh, căn bệnh thành tích thoái lui. Thế nhưng nhiều người lại bị sốc thuốc khi tỷ lệ trượt tốt nghiệp năm đó quá cao đặt ra hàng loạt câu hỏi: cơ hội ĐH cho các em thế nào, lấy đâu ra trường cho lớp học sinh mới? Thế là nhân nhượng cho thi lại, thế là thầy Đỗ Việt Khoa cô đơn, đến ngày nào đó không chịu nổi nữa đành bỏ nghề. Vị tư lệnh của chiến dịch "Hai không" lặng lẽ rời hầm chỉ huy...

Và sau đó nhiều scandal liên quan đến thi cử, như chuyện 13 Sở GD&ĐT ở miền Tây toan tính thông thầu, chuyện nhiều tỉnh top cuối đột ngột giật giải "trạng nguyên" về tỷ lệ đỗ... cứ được báo chí xới lên rồi sau đó lại chìm xuồng, không có một quyết định mạnh tay nào của Bộ được đưa ra cả! Ngót 5 năm đã trôi qua, chưa có ý kiến nào đề nghị kỷ niệm năm chẵn chiến dịch "Hai không" lịch sử ấy và những con sóng thời gian đang nhấn chìm những lo toan của những bậc làm cha mẹ.

Dường như với họ chỉ có lo cho con chọn đại học nào, chứ việc tốt nghiệp PTTH là việc... đương nhiên, vì chuyện PHẢI ĐỖ, đó là trách nhiệm của ngành giáo dục! Để đến hôm nay đoạn clip lạnh lùng lại xới tung lên và những người có thói quen hoài niệm lại thầm nhớ về một thuở trong ngành giáo dục người ta từng nói thật. "Hai không" đi đâu?

Bình luận mới nhất