| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 15/05/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 15/05/2017

Hai lão nông và 2.745 hồ sơ thương binh giả, đáng thưởng!

Hai lão nông này đã làm được một việc mà cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Ninh, dù được trang bị đến “tận răng”, nào quyền hạn, nào nghiệp vụ, nào phương tiện...

Bức xúc trước nạn “chạy” thương binh giả ở địa phương để hưởng chính sách, đến nỗi người bị tai nạn giao thông vỡ mặt, người bị máy tuốt lúa nghiến vào tay, thậm chí người đi đánh bạc bị công an đuổi, chạy ngã gẫy chân... cũng thành thương binh. Hai lão nông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), đều trên dưới 80 tuổi, đã bỏ hàng chục năm, tốn kém hàng chục triệu đồng, bất chấp sự đe dọa của những kẻ bị tố cáo và cả sự ngăn cấm của vợ con, để thâm nhập vào “đường dây” làm hồ sơ thương binh giả. Kết quả là hai cụ đã phát hiện ra 2.745 trường hợp thương binh giả. Số thương binh giả đó được Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, và công nhận là chính xác.

Lão nông Nguyễn Công Uẩn

Có thể nói, hai lão nông này đã làm được một việc mà cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Ninh, dù được trang bị đến “tận răng”, nào quyền hạn, nào nghiệp vụ, nào phương tiện... nhưng cũng không làm nổi.

Con số 2.745 hồ sơ thương binh giả khiến dư luận kinh hoàng, bởi mức độ khủng khiếp của nạn thương binh giả. 2.745, đó chỉ mới là con số thương binh giả bị phát hiện ở huyện Thuận Thành và vài huyện cận kề. Nếu phanh phui hết những hồ sơ giả trên toàn tỉnh Bắc Ninh, thì con số đó là bao nhiêu? Và con số của cả 63 tỉnh, thành phố, sẽ là bao nhiêu?

Bằng việc phát hiện 2.745 hồ sơ thương binh giả, hai lão nông đã giúp ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh truy thu về cho ngân sách 150 tỷ đồng. Nếu không, cứ để cho 2.745 thương binh giả đó hưởng chế độ đến suốt đời, thì số tiền thuế của dân phải bỏ ra chắc chắn phải vượt con số 150 tỷ nhiều lần.

Những người không tham gia quân đội, không chiến đấu bất cứ ngày nào... không thể “bỗng dưng” trở thành thương binh được, nếu không có sự giúp sức của đội ngũ cán bộ, mà toàn là cán bộ cấp cao, những người đủ thẩm quyền ký công nhận một người là thương binh, được hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước. Những người ký công nhận những hồ sơ thương binh giả đó không bao giờ ký không, mà chắc chắn là ký vì tiền. Nếu cứ tính mỗi bộ hồ sơ thương binh giả được ký, người muốn trở thành “thương binh” phải bỏ ra bình quân 20 triệu đồng (theo kết quả điều tra của hai cụ), thì với 2.745 bộ hồ sơ đó, số tiền đã vào túi những người có quyền ký là hơn 50 tỷ đồng. Một con số không nhỏ.

Chính vì vậy, mà dư luận có quyền đòi hỏi: Cùng với việc hủy danh hiệu thương binh của những đối tượng trên, thu hồi số tiền mà họ đã được hưởng theo chế độ về cho ngân sách, còn phải truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã ký những bộ hồ sơ thương binh giả đó, đồng thời tịch thu số tiền bất chính mà họ đã nhận. Bởi đó rõ ràng là tham ô.

Lão nông Nguyễn Tiến Lãng

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành hồ sơ gửi các đơn vị liên quan như UBND tỉnh Bắc Ninh, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ)... xin ý kiến đề nghị khen thưởng hai lão nông trên. Nhưng các đơn vị đó vẫn còn phân vân.

Trời ơi. Còn phân vân gì nữa. Một thành tích như vậy mà không khen thưởng, thì còn khen thưởng ai?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm