| Hotline: 0983.970.780

"Hai Lúa" tự chế máy phun cao áp

Thứ Ba 07/09/2010 , 10:24 (GMT+7)

Chính những nông dân Hai Lúa đã tự sáng chế ra chiếc máy phun siêu cao áp để ngăn chặn dịch bệnh đang đe doạ "làm cỏ" các cánh rừng cao su.

Trong lúc các nhà BVTV “bỏ quên Miền Đông”, các tiến sĩ nông cơ vẫn mải mê trong phòng thí nghiệm, các công ty cao su đang điên đầu thì một lần nữa trong lúc nước sôi lửa bỏng chính những nông dân Hai Lúa đã tự sáng chế ra chiếc máy phun siêu cao áp để ngăn chặn dịch bệnh đang đe doạ "làm cỏ" các cánh rừng cao su.

>> Đại dịch ''ết'' trên cao su

TỪ PHUN XỊT BẰNG MÁY CAO ÁP

Tháng 6/2010, bệnh vàng rụng lá trên cao su bộc phát đầu tiên ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ngay lập tức các thợ cơ khí vườn đã độ ngay chiếc máy bơm rửa xe thành máy phun thuốc cao áp chuyên dùng cho phun xịt cao su. Máy rửa xe loại 2 ngựa được liên kết truyền động với trục máy cày bằng cu roa. Dung dịch thuốc pha sẵn trong thùng chứa dung tích 500 – 1.000 lít, đặt trên rơ mooc được máy bơm đẩy theo ống phun được gắn trên sào cầm tay, lên cao. Dịch vụ phun thuốc cho cao su ra đời tuy còn nhiều nhược điểm nhưng đã góp phần hạn chế tốc độ lây lan của dịch.

Cái khó của việc phun thuốc cho cao su, nhất là những vườn cao su trên 10 tuổi, là cây đã có độ cao từ 15 m trở lên nên đã vấp phải một chướng ngại cực lớn là nếu phun hạt thuốc mịn thì không thể phun cao, chỉ một số cành lá phía dưới tiếp xúc được với thuốc. Nếu muốn phun cao thì buộc phải mở “béc” lớn, và khi đã mở béc lớn thì 10 phần thuốc thì có đến 7 phần rớt xuống đất và việc lan tỏa của những hạt thuốc nào bám được vào mặt lá cũng không cao. Chính vì vậy mà sau khi phun xịt 2-3 lần thì bệnh chỉ “tạm đứng” sau đó tái nhiễm lại. Mặt khác, việc phải có 2 người, cầm 2 sào phải luôn luôn ngửa mặt để điều khiền cần bơm, mặt lúc nào cũng ướt nước thuốc tạo nên nguy cơ nhiễm độc rất cao. Vì những lẽ trên, cả người dân và cán bộ đều ý thức được rằng – Dụng cụ phun xịt là yếu tố quyết định đến việc dập dịch vàng lá trên cao su hiện nay.

ĐẾN MÁY PHUN SIÊU ÁP

Sáng ngày 1/9, nhiều người dân ấp Cái Sắn, xã Lai Uyên, h. Bến Cát – Bình Dương tụ tập tại nhà ông Nguyễn Văn Long (Hai Long) để xem chủ nhà thử nghiệm chiếc máy phun xịt siêu cao áp tự chế. Vốn có kiến thức cơ khí được học từ trường Trung học cơ khí giao thông vận tải, lại bị thiêu đốt hàng ngày với hai chục mẫu cao su đang bị bệnh, ông Hai Long đã không chấp nhận kiểu phun “5 ăn 5 thua” của chiếc máy phun bằng máy rửa xe trên nên ông Long đã cùng các thợ cơ khí tại huyện Bến Cát mày mò sáng chế ra chiếc máy phun siêu cao áp mới. Nguyên lý làm việc của máy này là hạt thuốc sau khi máy bơm bắn ra được gia tốc tiếp bằng một chiếc quạt siêu tốc. Luồng gió siêu tốc này sẽ xé nhỏ các hạt thuốc thành li ti, rẽ các cành lá cao su và bắn lên cao, nhờ vậy hạt thuốc được bám nhiều hơn, đều hơn vào lá cây, hạn chế được lượng thuốc rơi vãi xuống đất.

Theo ông Hai Long, cái khó trong việc chế tạo chiếc máy bơm siêu cao áp nằm ở chỗ… cái quạt. Vì muốn tạo ra được luồng gió siêu tốc thì chiếc quạt phải quay với tốc độ xấp xỉ 3.000 vòng/phút. Ở tốc độ cao như vậy chỉ cần hơi lệch tâm một chút thì cũng đủ tạo nên lực xoắn cực lớn, đủ bẻ gãy các chi tiết. Bởi vậy quạt không thể “tự chế” mà phải được chế tạo ở các nhà máy có quy trình công nghệ hoàn chỉnh.

Theo ông Long, giá thành để chế một chiếc máy phun siêu cao áp với công suất như máy của ông hiện tại là khoảng 10 triệu đồng (không kể rơ mooc và bình chứa), trong đó riêng quạt giá 5.000.000 đ.

Vì không kinh doanh cơ khí nên ông sẵn sàng chia sẻ, tư vấn cho cộng đồng. Ngoài máy phun thuốc, ông còn sáng chế ra các nông cơ khác như máy tự động rải phân, máy thổi lá cao su.

Bạn đọc có thể liên hệ với ông Nguyễn Văn Long theo địa chỉ trên, ĐT: 0988157180.

Chiếc máy của ông Hai Long cũng được gắn trên máy cày loại nhỏ và sử dụng động lực từ trục. Chiếc quạt siêu tốc 12 cánh có đường kính 0,8 m, đặt trong hộp tròn có độ dày 0,15 m. Đầu ra chiếc quạt được gắn với một đoạn ống nhựa Bình Minh loại 150 mm dùng làm ống gia tốc (có thể lắp ráp dễ dàng cho gọn lúc di chuyển). Khoảng giữa ống nhựa khoét 2 lỗ để nhét 2 ống phun vào trong lòng ống (vẫn sử dụng máy rửa xe loại 2 ngựa), 2 béc phun được gắn thấp hơn miệng ống 10 cm. Khoảng cách từ mặt đất lên đỉnh ống nhựa gia tốc là 3,5 m. Bồn chứa loại 500 lít, được kéo theo trên chiếc rơ mooc nhỏ. Máy động lực là máy cày hiệu Yanma công suất 20 ngựa.

Qua thực nghiệm tại vườn nhà, ông Long và bà con ấp Cái Sắn rất vui mừng vì phần lớn những nhược điểm của chiếc máy phun thường đã được khắc phục. Máy phun cao hơn, hạt mịn đến bông ra, lại không cần 2 người điều khiển cần bơm mà chỉ cần 1 người vừa lái máy vừa bơm, trong lúc năng suất lại tăng lên gấp rưỡi, nếu có thuốc pha sẵn thì máy có thể phun được 15 ha/8 giờ. Tuy nhiên, với công suất như chiếc máy của ông Hai Long hiện tại chỉ phun được tối đa 13 m (cao su trồng năm thứ 9 trở lại). Để phun được ở độ cao 15-16 m (cho tất cả các vườn cao su), ông Long đang nghiên cứu chế tạo chiếc máy có quạt lớn hơn, ống cao áp cao hơn (dự kiến đoạn trên được sử dụng vải kỹ thuật thay cho ống nhựa) gắn máy động lực có công suất cao hơn (30 ngựa).

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm