| Hotline: 0983.970.780

Hai luồng ý kiến khác nhau xử lý hình sự trẻ 14 - 16 tuổi

Thứ Năm 25/05/2017 , 07:01 (GMT+7)

Ngày 24/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015. Bên cạnh nhiều ý kiến không ủng hộ mở rộng phạm vi xử lý hình sự trẻ từ 14 - 16 tuổi thì không ít quan điểm cho rằng cần có quy định để răn đe.

Luật phải bảo vệ cho số đông

Đề cập đến Điều 12 trong Bộ luật, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng. Do đó đã là pháp luật thì phải nghiêm mới có tác dụng giáo dục, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng tội phạm đang ngày càng trẻ hóa với những hành động vi phạm phức tạp, tàn bạo, phi nhân tính cần được xử nghiêm để cảnh báo, răn đe, hướng tới một xã hội bình yên.

“Chúng ta biết rằng tuổi từ 14 - 16 phạm tội là cá biệt nhưng lại gây bất an cho số đông, luôn tạo cho mọi người cảm giác lo âu, sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ cho số đông. Luật xử nghiêm đối tượng này chính là xử một người nhưng cứu muôn người”, ĐB Phương nói.

Trái với những ý kiến trên, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) lại cho rằng, lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 là độ tuổi học sinh lớp 8, lớp 9. Bộ luật Hình sự 2015 mở rộng phạm vi xử lý với các em về ba tội danh đã không có sự phân hóa giữa trẻ em phạm tội với người lớn phạm tội.

18-18-56_db-nguyen-thi-thuy-bc-cn
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Cụ thể người lớn trưởng thành có hành vi đánh nhau gây thương tích từ 11% bắt đầu bị xử lý về hình sự thì trẻ em suy nghĩ thiếu chín chắn có hành vi và thương tích tương tự cũng bắt đầu bị xử lý hình sự là chưa phù hợp.

Từ phân tích trên, ĐB Thủy đề nghị xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. Điều quan trọng là để khi ta bắt tay sửa điều luật này chúng ta sẽ phải tự hỏi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong vi phạm của các em.

ĐB Thủy đề nghị chỉ xử lý về hình sự khi các cháu phạm vào loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như trước tới nay.
 

Giáo dục đơn thuần thì không đủ sức răn đe

Không đồng tình với quan điểm của bà Thủy, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tranh luận lại, cho rằng, cần phải có thái độ nhất quán khoa học trong xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với người từ 14 - 16 tuổi. Trước hết là hiểu đúng và thể hiện điều luật theo Điều 91 tức là các nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự.

18-18-56_db-luu-binh-nhuong-ben-tre
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)

Theo ĐB Nhưỡng, nhân đạo phải có đạo lý, chứ nhân đạo không cảm tính. Bây giờ xã hội phát triển, trẻ em đã được gia đình và xã hội chăm sóc tốt hơn. Ở đây chúng ta không đón lõng hành vi của các em để xử lý. Nói như các vị ĐB trước thì dường như chúng ta đang đón lõng các em để xử lý. Chỗ này không đúng với tinh thần của xã hội ngày nay.

“Tôi là người rất cứng rắn nhưng khi tôi xem một số clip các em đánh nhau, các em dùng tuýp đánh trẻ em nữ, xé quần áo, đón đường đập nhau, tôi không thể xem được hết. Đưa ra quốc tế, các vị cho những người nước ngoài xem thì liệu họ có đồng tình với các vị là không xử lý các em không?”, ĐB nêu vấn đề.

Cuối cùng ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng chỉ giáo dục đơn thuần thì sẽ không đủ sức răn đe và phòng, chống tội phạm. Vậy thì tại sao chúng ta lại không quy định trong luật. Ở đây không phải là bỏ tù các em như có ĐB nói đến câu chuyện chúng ta không có nhà tù, không đủ trại giam. Có ai nói là phải bỏ tù các em đâu. Chúng ta xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Trước nhiều ý kiến ĐBQH tranh luận có quan điểm khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nên sẽ gửi phiếu xin ý kiến các ĐB vào một trong 2 phương án của dự thảo. Phương án nào có đa số ý kiến thì Quốc hội chọn.

Xem thêm
Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.