| Hotline: 0983.970.780

Hai người phụ nữ trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"

Thứ Tư 22/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Khi nhắc đến bộ phim nổi tiếng nhất của mình, Hoàng Tích Chỉ chỉ kể về những người phụ nữ mà ông cho là có ảnh hưởng cực lớn đến “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Sau 5 năm liều mình dưới mưa bom bão đạn, hai nghệ sĩ tài danh - nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Nguyễn Hải Ninh đã tạo nên kịch bản bộ phim truyện nhựa dài hai tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Lúc đầu kịch bản là “Bão tuyến”, sau đổi thành “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

"Người đàn bà bằng sắt"

Quá tuổi bát thập, lại trải qua mấy cơn tai biến nhưng nhà biên kịch điện ảnh Hoàng Tích Chỉ vẫn còn minh mẫn. Những ký ức về những năm tháng cống hiến cho điện ảnh trong ông vẫn mồn một như chỉ mới ngày hôm qua.

Lạ một điều, khi nhắc đến bộ phim nổi tiếng nhất của mình, Hoàng Tích Chỉ chỉ kể về những người phụ nữ mà ông cho là có ảnh hưởng cực lớn đến “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

“Năm 1960, mình và Hải Ninh đi thực tế ở “chảo lửa” Vĩnh Linh (Quảng Trị) với mục đích thực hiện một bộ phim vừa phản ánh những đau thương mất mát của chiến tranh vừa phải nói lên được sự tự hào của những người con mảnh đất này. Đi xe đạp mấy trăm cây số mới vào được giới tuyến Vĩnh Linh. Tại đây bọn mình đã gặp một người phụ nữ mà sau này cô trở thành nguyên mẫu của nhân vật Dịu trong phim”.

Hoàng Tích Chỉ kể rằng, nguyên mẫu của nhân vật Dịu là một nữ chiến sỹ địa phương có cuộc đời đau thương nhưng rất dũng cảm. Mới đầu, khi các đồng chí công an ở Cửa Tùng giới thiệu, cả ông lẫn đạo diễn Hải Ninh đều hết sức ngạc nhiên, còn tưởng là nhầm.

Đó là người phụ nữ có dáng vóc khắc khổ của nông thôn nhưng lại ăn mặc kệch cỡm với một cái áo cổ rộng và ngắn cũn cỡn, hở hết cả bụng. Sau đó mọi người mới giải thích cho hai nhà làm phim, chị là cán bộ cốt cán của ta, đang được cài ở bờ Nam để hoạt động nên phải ăn mặc theo "mốt Lệ Xuân", chấp nhận các "điều lệ", "quy cách" của chính quyền Ngô Đình Diệm để dễ bề hoạt động trong lòng địch.

Nghe kể, chị có chồng tập kết ra Bắc. Chính quyền miền Nam bắt chị tập trung cùng những phụ nữ có chồng tập kết, ép làm giấy ly hôn và phải lấy người miền Nam. Khi họ phản đối đã bị nhốt vào “trại ly hôn” để “tuyên truyền, cải tạo”. Chị là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất nên bị đưa giam hết nhà tù này sang nhà tù khác.

Điều còn ám ảnh nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cho đến tận hôm nay là thái độ bình thản đến lạ lùng của người phụ nữ đó khi kể về cuộc đời đau thương của mình. Đó cũng là giây phút ông nhận ra, nhân vật chính của “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” không phải đi tìm nữa. Giây phút ấy ông phải thốt lên rằng: “Đây là người đàn bà bằng sắt”.

Cũng chính nhà biên kịch già thừa nhận, có một phần sự thật về cuộc đời người phụ nữ này các ông không dám đưa lên phim vì quá khốc liệt. Trong đó có một chi tiết, phần đời phía sau của chị buộc phải chung sống với một người đàn ông bị câm để khỏi phải lấy giặc làm chồng.

Đối với riêng Hoàng Tích Chỉ, cho đến giờ ông vẫn luôn ân hận vì không biết tên nguyên mẫu của Dịu. “Bọn mình gặp nhau hai lần nhưng chị ấy muốn giấu tên. Không biết do nguyên tắc bí mật hay sự khiêm nhường, kín đáo của người con gái miền Trung ấy nữa. Chị nói một câu đến giờ tôi vẫn xem như lời hẹn: “Khi mô thống nhứt, gặp lại tui sẽ nói tên”, nhà biên kịch nổi tiếng nhớ lại.

10-35-40_hongtichchi
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ

Cho đến tận bây giờ lời hẹn ấy vẫn chưa thành. Sau năm 1972, Hoàng Tích Chỉ đã nhiều lần trở lại mảnh đất Vĩnh Linh để tìm cô gái “có giọng nói miền Trung rất nặng” ấy, nhưng vô vọng. Ông ân hận vì không biết tên tuổi, địa chỉ của cô mặc dù ông biết mình không có lỗi, có chăng lỗi tại sự khốc liệt của chiến tranh.

Lời hẹn không thành của Trà Giang

“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Dịu - một chiến sĩ cách mạng Quảng Trị. Chuyện phim xảy ra sau cuộc chiến chống thực dân Pháp kết thúc, chính quyền phía Nam tăng cường đàn áp, cố dập tắt phong trào đấu tranh đòi triệt để thi hành hiệp định hòa bình của dân chúng. Sau khi chồng tập kết ra Bắc, chị Dịu ở lại bờ Nam của sông Bến Hải đấu tranh cùng nhân dân và trở thành hạt nhân cách mạng...
Tại Liên hoan Phim quốc tế Matxcơva năm 1973, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đã vinh dự dành được Giải thưởng Danh dự của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới.

Một người phụ nữ khác có những ảnh hưởng cực lớn đến “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” là o du kích Hoàng Thị Thảo. Trước khi vào vai Dịu, diễn viên Trà Giang đã có cuộc gặp gỡ tình cờ với o du kích chỉ mới 22 tuổi nhưng đã là Huyện ủy viên, Bí thư kiêm Xã đội trưởng xã Gio Hà (Gio Linh, Quảng Trị). Cuộc gặp gỡ mà Trà Giang tâm sự rằng đã tạo cảm hứng cho cô hóa thân hoàn hảo vào nhân vật Dịu.

Trà Giang kể rằng, thời gian quay phim, dù đã dành nhiều thời gian cho việc tập đi đứng, nói năng, chèo thuyền trên dòng Nhật Lệ theo yêu cầu “địa phương hoá” của đạo diễn, nhưng bản thân chị vẫn luôn cảm thấy thiếu cảm hứng khi diễn xuất.

Trong một lần đi thực tế tại giới tuyến Vĩnh Linh, chị được gặp cô du kích Hoàng Thị Thảo, người có hoàn cảnh khá tương đồng với nhân vật Dịu trong phim. Cả gia đình Thảo cũng bị giặc tàn sát gần hết trong hai cuộc chiến tranh như Dịu. Có khác chăng Dịu thì đằm sâu với những nỗi niềm của một người vợ, người mẹ, còn Thảo thì bừng tỏa trong vẻ đẹp lạ kỳ.

Trà Giang đã khóc nhiều trước câu chuyện thương tâm của Thảo. Chuyện đời của o du kích khiến Trà Giang thực sự lay động, tạo cảm xúc vô tận cho cô hóa thân vào vai Dịu trên phim. Và cũng giống như câu chuyện của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ. Họ lấy ngày thống để hẹn gặp nhau. Vậy mà trước khi Trà Giang nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim quốc tế Matxcơva 1973 cũng là lúc o du kích Hoàng Thị Thảo đã hi sinh ở chiến trường miền Nam.

Đất nước hòa bình, Trà Giang trở thành cái tên quá nổi tiếng, chị đã trở lại bờ cát Cửa Tùng với “tín vật” duy nhất trên tay là bức ảnh đạo diễn Hải Ninh chụp chị và o Thảo. Trong ảnh, hai người con gái tựa đầu vào vai nhau, người nữ chiến sĩ với chiếc mũ tai bèo hất ngược phía sau, mái tóc đen dày đổ xuống, nét mặt đầy xúc động.

Trà Giang ngậm ngùi nhớ lại lần quay về tìm người cũ: “Vào năm 1999, đi Liên hoan Phim ở Huế, tôi và đạo diễn Hải Ninh trở về Gio Linh tìm o Thảo. Đến Huyện ủy Gio Linh, mọi người ồ lên khi nhận ra người trong ảnh đúng là o du kích năm xưa nhưng đã hi sinh mất rồi. Chúng tôi đến thăm gia đình Thảo. Nhìn bức ảnh hai chị em, tôi và em dâu của Thảo cứ ôm nhau khóc suốt hàng giờ liền”.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất