| Hotline: 0983.970.780

Hai ứng viên tổng thống Pháp - đối chọi nước và lửa

Thứ Sáu 05/05/2017 , 07:01 (GMT+7)

Về chính sách ngoại giao, hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen có những quan điểm đối chọi nhau trên hầu hết các hồ sơ...

2019362689
Hai ứng cử viên Marine Le Pen và Emmanuel Macron chuẩn bị cho một cuộc tranh luận trên truyền hình

Chương trình tranh cử của hai ứng viên - bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron, ở vòng hai lại đối chọi nhau, phản ánh hai quan niệm hoàn toàn khác nhau về nước Pháp hiện nay và nước Pháp trong tương lai theo cách nhìn của họ.
 

Về cương lĩnh môi trường

Lập trường của ứng cử viên Macron là tiếp tục “hai cuộc cải cách lớn” đã được đặt nền móng dưới thời tổng thống François Hollande. Đó là hai đạo luật về chuyển sang năng lượng xanh và về đa dạng sinh thái. Chủ trương của ông Macron gắn liền mục tiêu duy trì mức 50% năng lượng hạt nhân, ở ngưỡng năm 2025, với việc đóng cửa nhà máy Fessenheim (nhà máy điện hạt nhân có tuổi thọ lâu đời nhất tại Pháp).

Trong khi đó, bà Marine Le Pen không muốn đóng cửa nhà máy này, và muốn cơ quan điện lực Pháp thảo ra một kế hoạch kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng, hiện đang được quy định là không quá 40 năm.

Đối với ứng cử viên Emmanuel Macron, “việc chuyển sang một xã hội thân thiện với thiên nhiên chính là cốt lõi của các chính sách, những thập niên tới sẽ là giai đoạn quyết định” đối với cuộc chuyển đổi sang một xã hội Sinh Thái.

Trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump có lập trường mập mờ về môi trường, ông Macron chủ trương nước Pháp phải nỗ lực để Liên minh châu Âu đặt Hoa Kỳ trước trách nhiệm của mình (mục tiêu hành động thứ 6 trong cương lĩnh “Môi trường và chuyển đổi sang xã hội Sinh Thái”).

Về cương lĩnh môi trường của ứng cử viên Marine Le Pen, bà chủ trương bảo vệ sinh thái ở mức tối thiểu. Trong số 144 cam kết tranh cử, bà Le Pen chỉ dành cho môi trường, sinh thái khoảng một chục điều. Cụ thể là, một nền sinh thái thực sự gắn liền với “việc sản xuất và tiêu thụ gần nhất có thể được, và tái chế rác thải tại chỗ”. Chính sách môi trường của Marine Le Pen, cũng như các chính sách khác đều gắn liền với chủ trương cốt lõi của ứng viên này, đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, khép cửa biên giới. Bà Le Pen cũng như phong trào của bà có quan điểm chống lại thỏa thuận quốc tế về khí hậu, được ký kết tại Paris hồi 2015 (COP 21), được coi là một nỗ lực quốc tế quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực môi trường.

Theo một số nhà quan sát, quan điểm “sinh thái yêu nước” mà bà Marine Le Pen chủ trương không mang tính hệ thống, không dựa trên một lập trường tổng thể. Các đề xuất về bảo vệ môi trường chung chung thiếu các biện pháp cụ thể của ứng cử viên Le Pen bị đánh giá chủ yếu như là một biện pháp tranh cử, “nhằm thu hút một bộ phận các cử tri, có tâm lý lo sợ toàn cầu hóa”.

Trong khi đó, quan điểm của Emmanuel Macron là tiếp tục các đạo luật chủ yếu về chuyển sang năng lượng xanh và đa dạng sinh thái của nhiệm kỳ chính phủ 5 năm vừa qua. Chương trình của ông Macron chưa đủ mạnh, nhưng có một lô-gíc xuyên suốt trong tiếp cận.
 

Chính sách ngoại giao: EU, Nga và Syria

Về chính sách ngoại giao, hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen có những quan điểm đối chọi nhau trên hầu hết các hồ sơ, kể cả vai trò của nước Pháp trên trường quốc tế.

Với châu Âu, bà Le Pen thì chủ trương một châu Âu “của những quốc gia có chủ quyền và của các dân tộc tự do”. Nếu đắc cử tổng thống, ngay trong những tháng đầu tiên cầm quyền, bà sẽ trả lại cho dân Pháp “chủ quyền về tiền tệ, lập pháp, lãnh thổ và kinh tế”. Bà cũng dự trù tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa nước Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, ông Macron muốn đẩy mạnh hơn nữa hội nhập châu Âu, vì theo ông, tương lai của nước Pháp là trong Liên minh châu Âu và khối đồng tiền chung Euro. Ông muốn ngay từ mùa thu năm nay sẽ tổ chức các “hội nghị dân chủ” ở từng quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, để chính người dân ở các nước tham gia vào việc đề ra một “lộ trình” cho Ủy ban châu Âu. Trong mỗi cuộc mít tinh tranh cử, ông đều cho phân phát rất nhiều cờ Liên minh châu Âu bên cạnh cờ Pháp, trong khi ở các cuộc mít tinh của bà Le Pen chỉ có quốc kỳ Pháp.

Về quan hệ giữa Pháp với các cường quốc khác, ai cũng thấy rõ là bà Le Pen có lập trường rất thân Nga và bà đã sang Moscow để tiếp kiến tổng thống Vladimir Putin vào tháng Ba vừa qua. Ứng cử viên cực hữu đã ca ngợi ông Putin là có một nhãn quan mới về một “thế giới đa cực”. Trong khi đó, ông Macron vẫn cho rằng nước Nga của Putin đang thi hành một chính sách ngoại giao “nguy hiểm”, bất chấp luật pháp quốc tế.

Về hồ sơ quốc tế nóng bỏng nhất hiện nay là Syria, hai ứng cử viên tổng thống Pháp cũng có nhiều khác biệt. Bà Le Pen vẫn cho rằng tổng thống Bachar al-Assad là “giải pháp duy nhất” để tiêu diệt lực lượng Hồi Giáo cực đoan ở Syria và theo ứng cử viên cực hữu, quốc tế phải tiếp tục đối thoại với ông Assad, vì không có ai khác đáng tin cậy.

Trong khi đó, ông Macron ban đầu cũng cho rằng không nên đặt điều kiện tiên quyết là Assad phải ra đi, nhưng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 4/4, mà chính quyền Syria bị tố cáo là thủ phạm, lập trường của ứng cử viên này đã thay đổi. Nay cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp đòi phải đưa Tổng thống Syria ra xét xử trước các tòa án quốc tế về những tội ác đã gây ra. Tuy nhiên, ông Macron cho rằng ưu tiên số một hiện nay vẫn là phải nhổ tận gốc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trái ngược với ông Macron, bà Le Pen chủ trương nước Pháp ra khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối NATO, Liên minh Bắc Đại Tây dương. Về phần mình, ông Macron muốn là NATO chỉ can thiệp bên ngoài khu vực địa lý của khối này khi các lợi ích của nước Pháp bị đe dọa.

Ai cán đích trước? 

Chuyên gia Jean Chiche tại Trung tâm Nghiên cứu chính trị thuộc Học viện Chính trị Paris (CEVIPOF) nhận định kết quả thăm dò cho thấy bà Marine Le Pen không thể nào đuổi kịp tỉ lệ 60% cử tri ủng hộ ông Emmanuel Macron. Khoảng cách này rất đáng kể vì cần khoảng 6 triệu cử tri thay đổi ý kiến thì tỉ lệ mới quân bình.

Báo Ouest France ngày 3/5 dẫn lời ông Jean-Daniel Lévy ở Công ty thăm dò dư luận Harris Interactive giải thích: “Đến nay mọi yếu tố đều chứng minh ông Macron sẽ thắng cử”. Chúng ta hãy cùng chờ đến ngày Chủ nhật 7/5.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.