| Hotline: 0983.970.780

Hám lợi khiến nhiều nạn nhân sập bẫy tín dụng đen

Thứ Ba 27/09/2016 , 14:45 (GMT+7)

Mánh khóe của các đối tượng hoạt động tín dụng "đen" ở Nghệ An là lợi dụng uy tín cá nhân để hỏi vay tiền những người thân quen. Sau đó, các đối tượng này lân la hỏi vay tiền của các hộ khác. Các đối tượng thường tự trang bị cho mình khối tài sản hào nhoáng bên ngoài...

Để dễ đang thuyết phục “con mồi”, các đối tượng thường tự trang bị cho mình khối tài sản hào nhoáng bên ngoài; trả ngay vài tháng lãi suất khi nhận tiền… Ngoài ra, tâm lý hám lợi là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nạn nhân sập bẫy tín dụng "đen”.

Trở lại vụ trùm phường Nguyễn Thị Loan, 41 tuổi ở xóm 8, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương. Cuối năm 2013, Loan đứng ra làm chủ phường hụi, huy động “vốn” của người dân trên địa bàn huyện Đô Lương và các vùng phụ cận. Lúc đó, Loan nói vay tiền để đầu tư bất động sản, đảo khế ngân hàng, đầu tư làm ăn. Khi vay tiền, Loan hào phóng trả luôn tiền lãi trước cho người cho vay.

Thấy dễ ăn, nhiều người dân đã rút sổ tiết kiệm, mang "sổ đỏ" đi vay tiền ngân hàng về cho Loan vay tiền để “hưởng chênh lệch lãi suất”. Thậm chí có người còn đi vay nặng lãi ở nơi khác và mang giấy tờ nhà đi “cắm” lấy tiền về cho Loan vay.

Không chỉ nông dân, thủ quỹ UBND xã Yên Sơn (Đô Lương) cũng mang tiền gia đình đến cho Loan vay 1 tỷ đồng; một cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Phủ Diễn mang tiền cá nhân và vay mượn của anh em, bạn bè hơn 6,6 tỷ đồng đến “dâng” cho Loan. Nhiều anh em, bạn bè mang sổ đi ngân hàng vay tiền giúp Loan. Tổng cộng có 31 gia đình bị Loan lừa, chiếm đoạt với số tiền 23,9 tỷ đồng.

Vụ vỡ nợ trên 80 tỷ đồng tại xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) cũng xuất phát từ sự nhẹ dạ cả tin của người dân. Được biết, để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, các con nợ đều tự trang bị cho mình vẻ bề ngoài hết sức hoành tráng.

Vợ chồng trùm phường Hồ Thị Sáng (SN 1987) và Trần Văn Mạnh (SN 1979) ở  xóm 7, đã xây một ngôi nhà 5 tầng, mỗi tầng đắp nổi những hàng chữ như "Cà phê Karaoke Ngoại hạng", buôn bán trao đổi vàng bạc đá quý, thức ăn gia súc tổng hợp, thế giới di động... Nhờ vậy, hai vợ chồng đã huy động khắp trong ngoài xã được số vốn lên đến khoảng hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, Sáng còn mượn nhiều bìa đất để thế chấp ngân hàng. Sau khi vỡ nợ, cả gia đình bỏ lại cơ ngơi trốn vào miền Nam.

Bà Trần Thị T. (SN 1968) ở xóm 5, xã Quỳnh Thanh làm nông nghiệp. Nhờ có đứa con đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, tích cóp mãi được mấy trăm triệu bỏ ngân hàng lấy lãi. Tháng 10/2015, vợ chồng Sáng, Mạnh đến gặp vợ chồng bà tỉ tê hỏi vay, trả gấp 3 lần lãi suất ngân hàng và hứa sẽ thanh toán đều đặn mỗi tháng nên hai vợ chồng đã đi rút số tiền 400 triệu đồng trong ngân hàng về cho vay.

Đổi lại, vợ chồng Sáng - Mạnh chỉ ghi cho một tờ giấy vay nợ, hẹn đến khi nào gia đình cần sẽ trả lại. Chưa dừng lại ở đó, hai tháng sau, Hồ Thị Sáng tiếp tục đến nói những lời như rót mật vào tai để bà T. đưa bìa đỏ của gia đình đi “cắm” ngân hàng vay cho Sáng thêm 500 triệu đồng.

00-32-10-5104301788
Tờ giấy vay tiền viết tay cẩu thả của các đối tượng giao cho người dân khi nhận tiền

 

Khác với Hồ Thị Sáng, Phan Thị Truyền (SN 1962) là một nông dân chăm chỉ, chân chất. Vẻ bề ngoài này đã đánh lừa rất nhiều khổ chủ. Mỗi khi nhận tiền của chủ nợ, Truyền trích luôn tiền trả lãi trước cả năm nên họ rất an tâm, tin tưởng.

Luật sư Vinh Diện, Trưởng Văn phòng luật sư Vinh Diện và cộng sự (TP Vinh) cho biết: Nếu chứng minh được cho vay theo tính chất bóc lột người vay thì có thể xử lý hình sự. Nếu chứng minh được sau khi vay, người vay bỏ trốn thì phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu người đi vay thông tin trái sự thật để người khác cho vay thì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đến kỳ vay ngân hàng, Truyền thuê hẳn một xe chở các khổ chủ mang bìa đỏ đến ngân hàng để họ tự làm thủ tục. Khi họ vừa cầm tiền ra khỏi ngân hàng, thị lập tức lấy luôn. Truyền còn sử dụng chiêu bài kêu gọi hùn vốn xây dựng đại lý bán thức ăn và xây dựng hồ nuôi tôm để “cuỗm” tiền của các hộ ngoài xã như ông Hồ Minh T. ở xóm 13, xã Quỳnh Thạch (2 tỷ đồng); ông Hồ H. ở xã Quỳnh Văn (1,2 tỷ đồng); bà Hoàng Hoa C. ở xã Quỳnh Văn (5,5 tỷ đồng)...

Để lấy lòng tin, thị dẫn khổ chủ đến tận các hồ tôm, các mảnh đất mặt tiền để họ được “mục sở thị” sự “giàu có” của mình. Chỉ đến lúc thị trốn khỏi địa phương, các chủ nợ mới ngã ngửa khi biết hồ tôm, đất đai mà thị nhận là của mình đều thuộc về người khác. Tài sản của thị chỉ có 3 gian nhà cấp 4, trong nhà không có vật dụng gì có giá trị.

Vợ chồng Trần Thị Xoan (SN 1981) và Hồ Sỹ Thịnh (SN 1977) ở xóm 13, xã Quỳnh Thanh, bắt đầu tổ chức thành lập phường hụi từ năm 2009. Đến nay, hai vợ chồng đã nhận tiền gửi của 135 hộ dân với tổng số tiền tự khai là 19,525 tỷ đồng; Trần Thị Thanh (SN 1983) cùng chồng là Bùi Kính (SN 1978) ở xóm 9 nhận của 29 hộ với số tiền 9,1 tỷ đồng; Trần Thị Yến (SN 1984) và chồng Nguyễn Bá Triều (SN 1976) ở xóm 7 nhận của 46 hộ dân với số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.

Tất cả những người này đều huy động vốn theo chiêu thức trả lãi suất cho các chủ nợ  2.000 đồng/triệu/ngày rồi cho các con nợ khác vay với lãi suất từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày. Sau khi tuyên bố vỡ nợ, cả 7 con nợ đều bỏ trốn khỏi địa bàn xã Quỳnh Thanh, với số tiền ước tính hơn 80 tỷ đồng.

00-32-10-6104301445
Tờ giấy vay tiền viết tay cẩu thả của các đối tượng giao cho người dân khi nhận tiền

 

Trở lại vụ việc bà Soa, ông Năm tại xóm 9, xã Diễn Thành (Diễn Châu). Theo nhận định của Công an huyện Diễn Châu, bản chất của việc thu gom phường, hụi ở các chợ và trong nhân dân là tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự, cơ quan Công an cũng như chính quyền địa phương không nắm được. Chỉ khi vỡ lở, các nạn nhân mới trình báo chính quyền và cơ quan công an. Bên cạnh đó, không ít nạn nhân, vì nhiều lý do đã không trình báo cơ quan chức năng khiến công tác điều tra vụ việc gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu, nhận diện và tránh xa các hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, một số người vì mất cảnh giác, cả tin nên đã bị “sập bẫy”. Để xảy ra những sự việc đáng tiếc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương”.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất