| Hotline: 0983.970.780

Hạn chế thất thoát thu hoạch lúa đông xuân

Thứ Sáu 26/02/2010 , 10:02 (GMT+7)

Khi thu hoạch lúa, gặt thủ công vẫn là phổ biến. Với điều kiện đó cần làm thế nào hạn chế thất thoát khi thu hoạch lúa?

Hiện nay nông dân ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân (ĐX). Áp dụng công nghệ tiên tiến trước, trong và sau thu hoạch giúp nông dân trồng lúa gia tăng sản lượng, nâng cao chất lượng hạt lúa, chủ động quyết định bán đúng lúc để có được lợi nhuận cao nhất. Theo phương thức thu hoạch phổ biến nhất hiện nay trong vùng vẫn là kết hợp giữa thủ công và cơ giới. Trong đó gặt lúa thủ công là phổ biến. Với điều kiện đó cần làm thế nào hạn chế thất thoát khi thu hoạch lúa?

Các đội gặt lúa thuê liên kết với chủ máy suốt đi làm dịch vụ từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Phần thất thoát chủ yếu do khâu cắt, chồng mớ, gom và chất đống. Chủ ruộng chọn thuê những đội có tay nghề và có tinh thần trách nhiệm. Chủ ruộng có quyền yêu cầu đội trưởng nhắc nhở những thành viên không làm rơi rụng thất thoát nhiều. Máy gặt xếp dãy cũng đang được nông dân sử dụng trong vùng. Ưu điểm của loại máy này là giúp giải quyết những trường hợp không thuê được lao động gặt thủ công.

Lúa gặt vừa đúng độ chín cho xếp thành từng băng trên mặt ruộng sẽ giảm rơi rụng hơn là để chín rục trên cây. Khuyết điểm của gặt xếp dãy là sau khi gặt xong phải thuê lao động thủ công gom lúa trên băng. Quá trình này vừa gây rơi rụng hạt vừa rất khó thuê lao động vì thu nhập của người làm thuê thấp, không khích lệ nhân công làm công đoạn này.

Đối với máy suốt lúa do nhiều hợp tác xã sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt. Chủ máy suốt thường liên kết với những đội cắt, gom lúa bó và suốt ra hạt. Chủ ruộng có thể yêu cầu người làm dịch vụ một số việc sau: Trải bạt bên dưới đống lúa bó để tận thu lúa rụng, đưa lúa bó vào thùng suốt vừa phải để giảm lượng lúa hạt thất thoát theo rơm, các đống lúa bó chất gần bờ đê để phóng rơm lên bờ, chủng trichoderma tưới nước, vun vén gọn từng bước theo quá trình hoai mục để làm phân bón.

Không nên suốt lúa giữa ruộng rồi đốt rơm, lãnh phí, ô nhiễm. Tập trung rơm để làm nấm là tối ưu. Nên cắt gom trong một ngày, sáng hôm sau suốt và chiều phơi cho se vỏ chạy mông thì hạt lúa mới giữ được màu vàng sáng. Vụ ĐX ít mưa, nắng ráo nên thu hoạch dễ dàng hơn vụ hè thu. Tổng lượng thất thoát trong khâu cắt, gom, suốt khoảng 4%.

Riêng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đang được phổ biến tại các tỉnh phía Nam, nhiều nhất là vùng ĐBSCL. Năng lực thu hoạch hiện giải quyết được 15% nhu cầu, còn cần khoảng 10.000 chiếc máy GĐLH nữa. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy phổ biến, sản xuất trong nước và nhập ngoại. Thành tựu mang tính chất đột phá gần đây là máy đã lội được xuống ruộng sình lầy và thu được lúa ướt trong vụ hè thu. Ưu điểm của máy GĐLH là thu hoạch nhanh, không lệ thuộc vào lao động thủ công, giá thu hoạch rẻ và chủ ruộng tiết kiệm được từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/ha, giảm thất thoát khoảng 2% so với thu hoạch thủ công.

Mỗi năm vùng ĐBSCL có khoảng 20 triệu tấn lúa, giảm thất thoát khoảng 2%, tương đương với 400.000 tấn lúa. Tính theo thời giá trung bình 5.000 đồng/kg thì giá trị tương ứng 2.000 tỷ đồng. Các chủ máy suốt cùng với thành viên đội gặt thuê nên hùn tiền lại mua máy GĐLH để làm dịch vụ. Người giàu tại nông thôn và thành thị cũng nên đầu tư vào lãnh vực dễ sinh lợi này. Thông thường chỉ sau hai năm, người đầu tư sẽ thu hồi vốn mua máy. Vài ba năm trước, máy GĐLH thương hiệu Việt Nam và Trung Quốc với giá vài trăm triệu đồng là phổ biến. Tuy nhiên trong năm nay, máy Nhật Bản đã thể hiện tính năng vượt trội mặc dù giá rất cao từ 400-500 triệu đồng mỗi chiếc, nhưng vẫn có rất nhiều người mua và đang tạo cơn sốt máy Nhật ở ĐBSCL.

Hiện nay tập quán phơi lúa mớ ngoài đồng cũng như phơi dãy sau khi gặt bằng máy xếp dãy vẫn còn. Tác hại của phơi mớ, phơi dãy là hạt lúa trên mặt khô nhiều, hạt bên dưới khô ít. Hạt bên trên chịu sự tác động của nhiệt độ cao vào ban ngày nhưng lại hút sương ẩm và chịu nhiệt độ thấp vào ban đêm. Hạt lúa khô không đồng đều nên khi xay chà gạo dễ bị gãy, tỷ lệ gạo nguyên thấp. Tốt nhất là phơi hoặc sấy cho khô vỏ ngay trong vòng 24 giờ sau khi cắt và suốt xong. Lúa sấy có chất lượng tốt hơn lúa phơi. Vào mùa nắng, có thể phơi trực tiếp từ ánh sáng mặt trời cũng cho kết quả tốt.

Phơi trên bạt PP, lưới cước trải tại ruộng hoặc sân xi măng chung quanh nhà. Trong mỗi ấp, nông dân nên hùn tiền lại mua máy để đo ẩm độ của hạt lúa sau khi phơi. Lúa khô đạt ẩm độ 14% thì có thể tồn trữ tốt. Hiện thời trong vùng bắt đầu hình thành những cụm phơi sấy tập trung. Một số nông dân có vị trí đất thuận lợi, gần trục lộ, đường sông, đã xây dựng kết cấu hạ tầng sân phơi, lò sấy để làm dịch vụ. Máy sấy tĩnh vỉ ngang là phổ biến trong vùng. Nhiều mẫu máy đã cải tiến, thay đổi hướng của luồng hơi nóng nên không cần công nhân đảo trộn mẻ lúa.

Lúa thu hoạch tốt, việc tồn trữ dài hạn giúp nông dân quyết định bán lúa vào thời điểm giá lúa cao nhất để gia tăng lợi nhuận. Công nghê tồn trữ yếm khí đã bắt đầu phát huy tác dụng tại ĐBSCL để tồn trữ lúa giống và lúa hàng hóa. Nguyên lý chung là khi trữ yếm khí, hạt lúa khô tiếp tục hô hấp làm giảm lượng dưỡng khí oxygen trong túi dẫn đến côn trùng kho vựa chết ngạt. Hô hấp thải ra thán khí CO2, làm ức chế sự gây hại của nấm mốc phát triển trên vỏ trấu. Ngoài ra lượng oxygen trong túi càng thấp, hạt hô hấp càng ít và càng sống lâu. Túi yếm khí của Viện Lúa ĐBSCL đã được chuyển giao về tỉnh Hậu Giang và Trà Vinh. Nông dân rất hoan nghênh kỹ thuật này. Một túi chứa được 40 kg lúa. Lúa giống phải phơi sấy khô ở ẩm độ dưới 12% khi tồn trữ yếm khí để làm giống.

Sau 12 tháng, tỷ lệ nảy mầm vẫn cao hơn 80%, đạt tiêu chuẩn làm giống. Lúa hàng hoá chỉ cần khô từ 14% trở xuống. Trữ trong túi yếm khí hạt lúa không bị mọt phá hại, không bị ẩm mốc, khi chà hạt gạo vẫn trắng không bị vàng. Tỷ lệ gạo nguyên gia tăng 10% khi xay chà. Chi phí tồn trữ yếm khí cho 1 kg lúa là khoảng 220 đồng. Nếu sử dụng túi nhiều lần trong 4 năm, thì chi phí cho 1 kg lúa giảm xuống còn 55 đồng/kg. Gạo đã xay chà xong được tồn trữ trong túi yếm khí cũng rất tốt. Kỹ thuật bổ sung CO2 hoặc nitrogen vào túi yếm khí để tăng thêm thời gian tồn trữ cũng khả thi.

Xay xát là công đoạn của các thương lái, chủ nhà máy xay xát, các công ty kinh doanh lương thực chứ không phải của nông dân. Tuy nhiên xu hướng tương lai vẫn có khả năng xảy ra là những nông dân liền canh, hùn đất lại, hùn vốn để hình thành các công ty sản xuất, chế biến và kinh doanh lương thực. Công ty sẽ chỉ trồng một giống, chọn giống lúa có chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo cho chính mình. Khi đó, người nông dân là thành viên của công ty cũng sẽ phải am hiểu kỹ thuật tiên tiến về xay xát chế biến lúa gạo.

Hiện nay, qui trình xay xát lúa với ẩm độ cao 16-17% là không khoa học, cần phải thay đổi. Lúa khi xay xát phải có ẩm độ khoảng 14% và tối đa không quá 15%. Nếu xay xát đúng ẩm độ 14% thì tỷ lệ thu hồi đạt 68%, trong đó có 52-54% gạo nguyên. Nếu xay xát ở ẩm độ cao (16-17%) tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 60-66% trong đó tỷ lệ gạo nguyên chỉ còn ở mức 40-48%.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.