| Hotline: 0983.970.780

"Hạn chế vài trăm nghìn người nhập cư Hà Nội mỗi năm"

Thứ Năm 22/11/2012 , 08:37 (GMT+7)

"Nếu các điều kiện nhập cư vào thủ đô được siết chặt thì mỗi năm hạn chế được vài trăm nghìn người so với trước đây" - Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị trao đổi.

"Nếu các điều kiện nhập cư vào thủ đô được siết chặt thì mỗi năm hạn chế được vài trăm nghìn người so với trước đây, sau 4-5 năm giảm khoảng 1 triệu người", Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị trao đổi với báo chí sau khi Luật thủ đô được thông qua, chiều 21/11.

- Cảm xúc của Bí thư thế nào khi Luật thủ đô được Quốc hội thông qua?

- Là công dân thủ đô, đồng thời là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, tôi thấy việc thông qua luật đã thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với sự phát triển của thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Đây là tin vui với những người yêu mến thủ đô cũng như các công dân thủ đô.

Trước khi có Luật thủ đô, công việc mà Đảng bộ chính quyền và nhân dân thủ đô phải giải quyết hàng ngày rất lớn, rất khó khăn. Luật thủ đô ra đời là thuận lợi mới, là cơ sở pháp lý quan trọng, giao cho chính quyền những trách nhiệm mới. Tôi cho rằng những mong muốn của mọi người đối với thủ đô bây giờ còn lớn hơn nữa, nên trách nhiệm còn nặng hơn.

Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị: "Chính quyền không thể cấm máy móc, cũng không thể mở hoàn toàn"

Thưa ông, vẫn còn hơn 100 đại biểu chưa nhất trí hạn chế nhập cư thủ đô. Ông nghĩ gì trước lo ngại những biện pháp thắt chặt nhập cư có thể nảy sinh tiêu cực?

- Trong số đại biểu chưa đồng tình chừng nào đó phản ánh tình cảm của tầng lớp nhân dân khác. Chúng ta làm không tốt thì bất cứ chính sách gì cũng bị lợi dụng, ngay trước đây thời tem phiếu, nhập cư rất khó song vẫn có tiêu cực. Do đó, tiêu cực phụ thuộc vào thực thi chính sách mà không phụ thuộc vào quy định này hay khác.

Sau khi Luật được thông qua, chính quyền Hà Nội sẽ tập trung vào lĩnh vực gì tạo đột phá?

- Sau khi Quốc hội thông qua, tôi nghĩ đến những việc cần phải làm chứ không phải say sưa với niềm vui thông qua luật. Người dân mong muốn thủ đô xứng đáng với đất nước, khi có thêm những điều kiện thuận lợi mới thì lãnh đạo Hà Nội phải làm tốt hơn nhiệm vụ đấy, như quản lý quy hoạch đô thị, trật tự an toàn giao thông, môi trường, an ninh trật tự tốt hơn.

Tôi cho rằng khâu yếu nhất cần phải làm ngay là lập lại kỷ cương xã hội. Dường như ở đâu cũng thấy vi phạm trật tự kỷ cương xã hội từ lĩnh vực xây dựng, an ninh trật tự, lối sống nếp sống, rất nhiều người chưa có ý thức xứng đáng là công dân thủ đô. Chúng ta phải giáo dục đi liền với tăng xử phạt. Sáng nào bật truyền hình là có tuyên truyền về an toàn giao thông song ra đường vẫn đi lộn xộn.

Về quy hoạch chung, Hà Nội dự tính xây 5 thành phố vệ tinh, trước mắt là di chuyển các trụ sở bộ ngành như công an, nội vụ, ngoại giao. Một số nhà máy xí nghiệp đã di dời và thành phố sẽ di dời tiếp. Nhà cao tầng kiên quyết cấm xây quá 9 tầng trong các quận nội thành cũ. Trước kia khả năng nhà đầu tư thế nào thì cho xây thế ấy, nhưng nay xây dựng cao quá đã bị xử lý.

- Người dân có thể tin tưởng diện mạo của thủ đô được thay đổi như thế nào?

- Luật thủ đô ra đời không phải đem lại cho Hà Nội một đôi đũa thần, vung lên cái là mở ra, mà việc thay đổi là một quá trình. Bản thân Luật thủ đô cũng mất hơn 3 năm mới có đồng thuận như hôm nay nên trong thực tế cũng phải có thời gian, song tất nhiên sẽ có yếu tố tích cực.

Dựa vào những số liệu sau khi Hà Nội mở rộng, nếu như các điều kiện nhập cư được siết chặt thì mỗi năm hạn chế được vài trăm nghìn người so với trước đây, nên sau 4-5 năm cũng giảm 1 triệu người. Nếu lo chỗ ở, giáo dục, chữa bệnh, an ninh trật tự cho 1 triệu người cũng là vấn đề lớn.

Nhiều lần tôi nói điều kiện nhập cư là để đảm bảo cuộc sống của người sau khi nhập cư với các điều kiện trung bình tối thiểu, không phải để họ nhập cư rồi tự bươn trải, có học hành hay không có cũng được.

Luật thủ đô cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...

Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Luật thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013.

 

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất