| Hotline: 0983.970.780

Hạn, mặn đe dọa lúa hè thu

Thứ Hai 11/03/2013 , 11:54 (GMT+7)

ĐBSCL chuẩn bị xuống giống vụ lúa HT 2013 trong bối cảnh hạn, mặn ngày càng gia tăng.

ĐBSCL chuẩn bị xuống giống vụ lúa HT 2013 trong bối cảnh hạn, mặn ngày càng gia tăng. Lo ngại lớn nhất là tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nên nhiều khả năng xảy ra hạn, mặn vào đầu và giữa vụ.

Vụ HT 2013, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có kế hoạch xuống giống 30.000 ha. Đến nay đã gieo sạ được gần 4.500 ha, trong đó 3.600 ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Để ngừa bệnh VL-LXL huyện khuyến cáo xuống giống tập trung đồng loạt, đúng lịch thời vụ. Tuyệt đối không sạ trễ lịch thời vụ và không chọn giống IR 50404; đồng thời phải áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa với mức trung bình 120 kg giống/ha...

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Nông cho biết, để đảm bảo nước tưới, tiêu kịp thời huyện đã chủ động khảo sát, lập kế hoạch và triển khai thi công nhiều công trình chống hạn mùa khô phục vụ SX, nạo vét các tuyến kênh bị bồi lắng kết hợp làm bờ bao với tổng chiều dài trên 200 km, phục vụ cho SX 3 vụ lúa/năm. Hiện đã nạo vét xong và đưa vào sử dụng công trình ô bao SX số 11 và 12 của xã Phú Thọ, đảm bảo nước tưới tiêu kể cả khi mực nước xuống thấp...


Nông dân ĐBSCL chủ động lấy nước SX lúa HT 2013

Theo ông Nguyễn Văn Thật, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), do nắng nóng kéo dài, mực nước ở các tuyến kênh tưới tiêu thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 20 - 30 cm. Vì vậy huyện đang tập trung triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nước tưới tiêu cho vụ HT. Kênh 2/9 thuộc ấp 4, xã An Phong có chiều dài 6,5 km là tuyến kênh dẫn nước tưới, tiêu cho gần 300 ha lúa HT đang chuẩn bị xuống giống đã xuất hiện tình trạng kiệt nước. Ông Phan Văn Thành ở ấp 4 cho biết: “Con kênh này cạn kiệt nhiều nhất là vào khoảng tháng 3 và tháng 4, lúc đó lòng kênh có chỗ chỉ còn từ 50 - 70 cm nước, nên việc bơm tưới của bà con gặp nhiều khó khăn”.

Đó cũng là tình trạng chung của 3 tuyến kênh còn lại trên địa bàn xã An Phong và Bình Thành. Trước tình trạng trên, ngay từ đầu năm, huyện Thanh Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lại toàn bộ những tuyến kênh có khả năng thiếu nước tưới, triển khai ngay biện pháp chống hạn.

Theo lịch thời vụ, khoảng tháng 4, huyện Thanh Bình tập trung xuống giống hơn 20.000 ha lúa HT. Trong giai đoạn đầu xuống giống, cây lúa cần nhiều nước, vì vậy việc thi công các công trình chống hạn đảm bảo nước tưới, tiêu đang bước vào giai đoạn cao điểm.

Tính từ năm 2010 đến nay, ngoài nguồn vốn hàng tỷ đồng do nhân dân đóng góp để nạo vét các tuyến kênh thủy lợi nội đồng, huyện đã chi hơn 34 tỷ đồng để nạo vét 21 công trình kênh tạo nguồn với tổng chiều dài 80 km và thi công mới 6 trạm bơm điện, nâng tổng số trạm bơm điện lên 215 trạm, đủ đảm bảo phục vụ bơm tưới. Riêng 4 tuyến kênh có nguy cơ cạn kiệt ở xã An Phong và Bình Thành đã được tỉnh ghi vốn và huyện sẽ tổ chức nạo vét.

Ông Vương Hữu Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang:

Để SX lúa HT ăn chắc, tỉnh đã đầu tư xây dựng 174 trạm bơm điện phục vụ 24.688 ha. Tính đến nay đã triển khai nạo vét tổng số 48/55 công trình, chiều dài 82,3 km, khối lượng đào đắp 524.500 m3, với kinh phí 19,8 tỷ đồng. Duy tu sửa chữa cống 39/71 công trình, kinh phí 5,8/26 tỷ đồng (hoàn thành 18 công trình), đạt khoảng 50%. Gia cố đê, đập tổng số 58/59 công trình, chiều dài 125 km, khối lượng 885.000 m3, kinh phí 28,5 tỷ đồng.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chưa có công trình mặn với nồng độ từ 8 - 9%o. Một số nơi nước nặm đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 5 - 10 km như tại cầu Thần Nông (sông Rạch Giá - Hà Tiên), cống Bầu Thì (sông Cái Sắn), cầu Cái Nước (sông Cái Lớn)…

Để chủ động ngăn mặn, giữ ngọt, từ đầu năm đến nay chi cục đã phối hợp với các địa phương xây dựng 95 đập ngăn mặn thời vụ với tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng… Trung tâm Khí tượng thủy văn Kiên Giang nhận định, đang là cao điểm giữa mùa khô 2013 do đó các địa phương cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn, xâm nhập mặn… Khi vào chính vụ gieo sạ lúa HT phải tập trung bơm tưới để làm đất, nhu cầu nước rất lớn, làm cho mực nước trên các tuyến sông bị sụt giảm, nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn.

Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ HT 2013, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 292.000 ha, tập trung gieo sạ trong tháng 4 và 5 nhưng chậm nhất không quá ngày 20/5 để tránh bị hạn mặn cũng như thu hoạch được thuận lợi. Để chủ động bảo vệ SX, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các huyện, thị tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi có yêu cầu cấp bách phục vụ SX. Theo dõi chặt chẽ nguồn nước ngọt, xâm nhập mặn ở giai đoạn đầu và giữa vụ HT, vận hành hệ thống đê, đập, cống ngăn mặn ven biển hợp lý, phục vụ tốt cho yêu cầu SX lúa và nuôi tôm (mô hình tôm - lúa).

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.